Nắng ráo, nông dân Hà Tĩnh chạy đua thời vụ lạc xuân

(Baohatinh.vn) - Thời tiết nắng ráo đang là điều kiện lý tưởng cho bà con nông dân khắp các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ gieo trỉa lạc xuân 2019.

Nắng ráo, nông dân Hà Tĩnh chạy đua thời vụ lạc xuân

Máy cày của tổ hợp tác cơ giới hóa dịch vụ Đình Dần, Mai Phụ (Lộc Hà) hoạt động liên tục trong mùa gieo trỉa lạc

Lịch thời vụ gieo trỉa lạc xuân năm nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 2. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã sản xuất được gần 7.800 ha lạc xuân, đạt khoảng 57% kế hoạch. Tiến độ này không chỉ đảm bảo được đường găng kế hoạch mà đã “nhỉnh” hơn các năm trước về thời gian.

Nguyên nhân được cho là do năm nay thời vụ lạc và lúa xuân không quá trùng khít lên nhau. Hơn 90% diện tích lúa đã được gieo cấy từ trong tết nên bà con nông dân có thời gian tập trung hơn cho lạc xuân.

Nắng ráo, nông dân Hà Tĩnh chạy đua thời vụ lạc xuân

Máy cày vừa phay đất, vừa chia luống giúp bà con nông dân rút ngắn được thời gian làm đất

Điều quan trọng, thời tiết nắng ấm, nhiệt độ không quá cao đã tạo thuận lợi tối ưu cho mùa gieo trỉa. Gần như thời vụ gieo trỉa lạc không bị “đứt quãng” do thời tiết như các năm trước, thời tiết nắng ráo gần suốt một tháng qua giúp cho công đoạn gieo trỉa rút ngắn, tiến độ đẩy nhanh hơn.

Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Đồng Sơn, Mai Phụ (Lộc Hà) sau khi đã hoàn tất gieo cấy 7 sào lúa, hôm nay mới bắt tay vào làm đất lạc. Năm nay, bà thuê máy cày làm đất để đỡ công sức, lại nhanh hơn. “Ruộng này gần 2 sào, chỉ mấy chục phút là máy cày xong đất, chia luống. Thời tiết nắng nhưng không gay gắt nên đất vẫn tơi xốp, có độ ẩm thích hợp. Cày lên là có thể gieo hạt được, chỉ vài ngày là tôi có thể gieo trỉa xong”.

Nắng ráo, nông dân Hà Tĩnh chạy đua thời vụ lạc xuân

Nhiều năm nay, nông dân Vũ Quang đã dùng máy cày thay trâu bò kéo để làm đất gieo trỉa lạc

Nhờ tư tưởng đổi mới của người nông dân mà những chiếc máy cày chuyên dụng đã được đầu tư thêm nhiều hơn ở xã. Tổ hợp tác cơ giới hóa dịch vụ Đình Dần những ngày vào mùa gieo trỉa, máy cày gần như không có giờ trống. Ông Nguyễn Đình Dần, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho hay: “Mỗi sào làm đất khoảng 120- 130 nghìn đồng, bây giờ gần như nhà nào cũng muốn thuê làm, vừa trội công lại đẩy thời gian nhanh hơn. Đầu tư một chiếc máy, quay vòng mỗi vụ từ làm đất lúa sang lạc cũng thu về cho tổ hợp tác kha khá”.

Hiện, Kỳ Anh là địa phương có diện tích sản xuất lạc lớn thứ 2 toàn tỉnh (sau Hương Khê) với gần 1.800 ha. Theo đặc trưng của vùng, thời vụ lạc ở huyện phía Nam này luôn chia thành hai đợt. Vào thời điểm này, trong khi các xã vùng ngoài (Kỳ Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Xuân) đã hoàn tất thì những xã vùng thượng mới bắt đầu cao điểm xuống giống.

Ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho hay: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên các xã đều đảm bảo được tiến độ gieo trỉa lạc xuân. Toàn huyện đã sản xuất được 900 ha, đạt 50% chỉ tiêu và hết tháng 2 sẽ hoàn thành gieo trỉa”.

Nắng ráo, nông dân Hà Tĩnh chạy đua thời vụ lạc xuân

Thời tiết nắng ráo là điều kiện thuận lợi để thời vụ gieo trỉa lạc "về đích" đúng dự kiến

Nhiều năm nay, Kỳ Anh đã tận dụng tối đa cơ giới hóa vào khâu sản xuất. Có đến 70- 80% diện tích được làm đất bằng máy. Ở những địa phương có diện tích lớn, vùng sản xuất rộng như Kỳ Bắc, Kỳ Phú, thậm chí mỗi cánh đồng có đến 2- 3 máy cùng chạy một lần. Đồng nhất thời vụ không chỉ đẩy nhanh tiến độ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong khâu chăm sóc về sau.

Về nhất trong cuộc đua tiến độ lạc xuân 2019 là Vũ Quang (90%), Lộc Hà (65%), Cẩm Xuyên (55%). Còn lại, cơ bản các địa phương đã “chạm” được ½ kế hoạch được giao. Nhiều khả năng, năm nay gieo trỉa lạc xuân sẽ kết thúc đúng dự kiến về thời vụ vào cuối tháng 2 năm nay.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.