Nga nêu kịch bản bị tấn công toàn diện

Tạp chí của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng nước này có thể bị tấn công đồng thời trên nhiều mặt trận trong trường hợp xảy ra xung đột với "kẻ thù".

RIA Novosti ngày 5/3 chia sẻ bài viết đăng trên tạp chí "Tư tưởng Quân sự", ấn phẩm do Bộ Quốc phòng Nga phát hành và được cho là phản ánh quan điểm chiến lược của cơ quan này, trong đó nêu kịch bản xảy ra xung đột giữa Nga và "kẻ thù", ám chỉ các nước phương Tây.

Theo bài viết, trong trường hợp chiến sự nổ ra, các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ tìm cách thiết lập "đội hình tác chiến liên quân" với thành phần là các lực lượng có tính cơ động cao, có khả năng tấn công cơ sở hạ tầng về hành chính, chính trị và công nghiệp quân sự của Nga.

"Sẽ có một cuộc tấn công chớp nhoáng trên quy mô toàn cầu và một số cuộc tập kích bằng tên lửa và không kích quy mô lớn, nhắm vào các mục tiêu trên bộ, trên biển, trên không và trên mặt trận thông tin".

Bài viết cho rằng hình thức tác chiến chính của đối phương sẽ là kết hợp giữa không quân và lục quân, thêm rằng sau năm 2030, Nga có thể sẽ phải đối mặt với các cả đòn tấn công từ không gian.

"Không quân sẽ là một trong những lực lượng đầu tiên tham chiến vì có tính cơ động cao, có thể là trước khi lực lượng chính được triển khai", tác giả bài viết nhận định.

Anh-3996-1709711456.png
Cường kích Su-25 Nga bay tại tỉnh Kharkov tháng 5/2022. Ảnh: RIA Novosti

Bài viết cũng cho rằng trước khi mở chiến dịch tấn công, đối phương sẽ phát động cuộc chiến trên mặt trận thông tin, cũng như thực hiện các hành động "khiêu khích" và "mang tính gây hấn" như triển khai máy bay trinh sát, oanh tạc cơ và thiết bị bay không người lái (drone) gần biên giới với Nga.

"Những yếu tố này làm gia tăng có hệ thống các mối đe dọa quân sự với Liên bang Nga, dẫn tới các yêu cầu mới về mức độ bảo vệ an ninh, trong đó không quân sẽ đóng vai trò chủ chốt", theo bài viết.

Trong bối cảnh đó, không quân Nga sẽ cần được trang bị các mẫu phi cơ và drone mới hoặc được hiện đại hóa, các hệ thống hỏa lực tự động tiên tiến, cũng như cải thiện năng lực trinh sát và tình báo.

Bài viết được đăng trong bối cảnh quan hệ Nga - NATO đã đi xuống nghiêm trọng sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một trong các nguyên nhân khiến ông phát động chiến sự là do lo ngại về đà mở rộng của NATO về phía đông.

Căng thẳng giữa hai bên gần đây leo thang sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2 tuyên bố phương Tây "không loại trừ khả năng" đưa quân tới Ukraine. Điện Kremlin sau đó cảnh báo điều này sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 29/2 cũng cho rằng liên minh có thể cuốn vào một cuộc xung đột với Moskva trong trường hợp Nga giành chiến thắng trước Ukraine.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tổng thống Hàn Quốc bị truy tố

Tổng thống Hàn Quốc bị truy tố

Công tố viên Hàn Quốc truy tố Tổng thống Yoon Suk-yeol với cáo buộc cầm đầu cuộc nổi loạn bằng cách áp đặt thiết quân luật.
Mỹ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới

Mỹ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới

Ông Pete Hegseth đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau lá phiếu mang tính quyết định đến từ Phó tổng thống JD Vance.
Ông Biden sẽ làm gì sau khi rời Nhà Trắng?

Ông Biden sẽ làm gì sau khi rời Nhà Trắng?

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Biden có thể thực hiện nhiều dự án liên quan đến xây dựng chính sách, thành lập thư viện ở quê nhà và tham gia các hoạt động xã hội.
Ông Trump hủy bỏ 78 sắc lệnh hành pháp thời Biden

Ông Trump hủy bỏ 78 sắc lệnh hành pháp thời Biden

Ngày đầu tại nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi quyết định xóa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia 'tài trợ khủng bố', hủy bỏ mục tiêu xe điện vào năm 2030 của người tiền nhiệm Joe Biden.