Ngành điện Hà Tĩnh nói gì khi nhiều nhà hàng ngừng hoạt động dài ngày, tiền điện vẫn cao?

(Baohatinh.vn) - Dù ngừng hoạt động kinh doanh nhưng các nhà hàng, quán ăn ở TP Hà Tĩnh vẫn sử dụng nhiều thiết bị làm mát. Điều này được lý giải là nguyên nhân của việc tiền điện “neo” ở mức cao.

Ngừng hoạt động nửa tháng, tiền điện một số nhà hàng vẫn cao

Anh Bùi Ngọc Phú (chủ quán Bún bò Huế 53 – đường 26/3) băn khoăn khi tiền điện tháng 6 cao.

Ngày 8/6/2021, TP Hà Tĩnh chính thức thiết lập vùng cách ly y tế trên phạm vi toàn thành phố. Để tuân thủ quy định phòng dịch, các nhà hàng, quán ăn tạm thời đóng cửa. Tuy vậy, không ít chủ nhà hàng, quán ăn trên địa bàn băn khoăn khi tiền điện tháng 6 vẫn cao mặc dù nhiều thiết bị điện không sử dụng.

Khi nhận thông báo tiền điện tháng 6, anh Bùi Ngọc Phú (chủ quán Bún bò Huế 53 – đường 26/3) không khỏi ngỡ ngàng vì số điện năng tiêu thụ trong tháng.

Ngành điện Hà Tĩnh nói gì khi nhiều nhà hàng ngừng hoạt động dài ngày, tiền điện vẫn cao?

Tháng 6, quán Bún bò Huế 53 sử dụng 2 điều hòa, 1 tủ lạnh, 2 tủ đông...

Anh Phú cho hay: “Ngày 5/6, quán tôi phải đóng cửa do có bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ăn. Ngày 6/6, tôi đi cách ly tập trung đến 22/6 trở về quán. Hằng tháng, công nhân Điện lực TP Hà Tĩnh ghi chỉ số công tơ khu vực đường 26/3 vào ngày 19 hoặc 20.

Vậy là tháng 6 này, có 14 ngày quán tôi ngừng kinh doanh, chỉ sử dụng 2 điều hòa, 1 tủ lạnh, 2 tủ đông; còn 3 nồi hầm điện, 1 tủ mát, 1 quạt nước, 8 quạt thường và hệ thống đèn điện phục vụ bán hàng không sử dụng. Vậy mà số tiền điện tôi phải thanh toán lên tới 7,2 triệu đồng (gần bằng tiền điện tháng 5 là 7,8 triệu đồng)”.

Ngành điện Hà Tĩnh nói gì khi nhiều nhà hàng ngừng hoạt động dài ngày, tiền điện vẫn cao?

... và ngừng hoạt động 3 nồi hầm điện, 1 tủ mát, 1 quạt nước, 8 quạt thường cùng hệ thống đèn điện phục vụ bán hàng.

Cũng theo anh Phú, khi thấy tiền điện cao bất thường, anh đã báo với ngành điện. Điện lực Thành phố đã cho cán bộ xuống kiểm tra và xác minh công tơ đo đếm điện năng của nhà hàng không sai. “Tuy vậy, để khách quan, tôi mong muốn các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, xác định rõ nguyên nhân vì sao nhiều thiết bị điện không sử dụng mà tiền điện vẫn cao?” – anh Phú kiến nghị.

Tương tự, chủ nhà hàng Phở Koy (số 20 – đường Lê Ninh) cũng băn khoăn khi hóa đơn tiền điện các tháng 5, 6 tăng cao.

Ngành điện Hà Tĩnh nói gì khi nhiều nhà hàng ngừng hoạt động dài ngày, tiền điện vẫn cao?

Chủ nhà hàng Phở Koy (số 20, đường Lê Ninh) băn khoăn tiền điện tháng 5,6 tăng cao dù thời gian hoạt động ít (Ảnh NVCC).

Bà Bùi Thị Hương Quế - quản lý nhà hàng thông tin: “Tháng 4, nhà hàng mở bán cả tháng, số tiền điện phải trả là hơn 9,2 triệu đồng. Do ảnh hưởng của dịch, tháng 5 cơ sở chỉ mở bán 7 ngày và tháng 6 mở bán 5 ngày, song số tiền điện phải thanh toán xấp xỉ bằng tháng 4 (tháng 5 hơn 9,4 triệu đồng, tháng 6 hơn 9 triệu đồng).

Điều chúng tôi băn khoăn là trong khi nhiều thiết bị điện không sử dụng như: 4 nồi hầm điện, hệ thống quạt, đèn, 2 máy bơm… nhưng lượng điện tiêu thụ vẫn không giảm. Chúng tôi mong muốn phối hợp với ngành điện để kiểm định lại công tơ, xem nguyên nhân thực hư thế nào?”.

Không chỉ anh Phú, bà Quế mà những ngày qua, trên mạng xã hội, một số chủ cửa hàng, quán ăn cũng băn khoăn khi hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao, trong khi các cơ sở đã nghỉ hoạt động một thời gian do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngành chủ quản nói gì?

Ông Trần Xuân Thông – Giám đốc Điện lực TP Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị đang quản lý 42.000 công tơ, trong đó công tơ điện tử đo xa chiếm 65%. Việc ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn của 100% khách hàng đều đúng quy trình.

Riêng việc lập hóa đơn, sau khi có dữ liệu từ trang web ghi chỉ số, số liệu từ máy tính bảng truyền về, trường hợp kiểm soát thấy những khách hàng có sản lượng bất thường (tăng hoặc giảm 30% so với tháng trước) thì sẽ yêu cầu nhân viên kiểm tra lại. Sau khi số liệu đã chính xác, lãnh đạo ký bảng kê khách hàng có sản lượng bất thường, khi đó mới thực hiện được việc lập hóa đơn điện tử”.

Ngành điện Hà Tĩnh nói gì khi nhiều nhà hàng ngừng hoạt động dài ngày, tiền điện vẫn cao?

Điện lực TP Hà Tĩnh kiểm tra tại nhà hàng Phở Koy cho thấy số liệu dòng điện tiêu thụ hiển thị trên công tơ phù hợp với thiết bị ampe kìm (Ảnh: Điện lực TP Hà Tĩnh).

“Ngay khi xác nhận thông tin phản ánh về tiền điện một số khách hàng tăng cao trong tháng 6, Điện lực TP Hà Tĩnh đã cử cán bộ xuống trực tiếp gặp khách hàng để kiểm tra hệ thống điện trước và sau công tơ. Qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định quy trình ghi chỉ số, lập hóa đơn không có sai sót.

Mặt khác, công tơ của khách hàng đang trong thời gian kiểm định. Nếu khách hàng có nhu cầu kiểm định công tơ, chúng tôi sẵn sàng phối hợp để đưa đến cơ quan chức năng kiểm định” – ông Thông cho biết.

Ngành điện Hà Tĩnh nói gì khi nhiều nhà hàng ngừng hoạt động dài ngày, tiền điện vẫn cao?

Kho đông của nhà hàng phở Koy vẫn hoạt động (Ảnh: Điện lực TP Hà Tĩnh).

Lý giải nguyên nhân khiến tiền điện của khách hàng nói chung và tiền điện của một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố trong tháng 6 tăng cao, đại diện ngành chủ quản cho rằng: Các thiết bị làm mát như: điều hòa, tủ lạnh, quạt hơi nước… chiếm khoảng 70% sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng. Mùa hè, nhất là tháng 5, tháng 6, nắng nóng tại Hà Tĩnh đạt đỉnh, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng đột biến.

Điều đáng nói, hoạt động của các thiết bị làm mát liên quan đến nhiệt độ ngoài trời. Nền nhiệt cao khiến cho các thiết bị làm mát khởi động nhiều hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng, khách hàng đặt điều hòa ở chế độ thấp trong khi theo tính toán, điều hòa đặt thấp 1 độ thì lượng điện tăng lên 3%.

Ngoài ra, đường dây sau công tơ bị chạm chập, có trường hợp câu móc điện dây sau công tơ của khách hàng, các thiết bị điện chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thêm thiết bị mới… cũng khiến tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng.

Ngành điện Hà Tĩnh nói gì khi nhiều nhà hàng ngừng hoạt động dài ngày, tiền điện vẫn cao?

Khách hàng nộp tiền điện tại Điện lực TP Hà Tĩnh.

“Thời gian nghỉ, mặc dù các nhà hàng, quán ăn giảm thiết bị điện như: quạt, nồi hầm, đèn điện…, song hệ thống tủ lạnh, tủ đông vẫn hoạt động, thậm chí có cơ sở duy trì cả kho đông. Khối lượng thực phẩm dự trữ gia tăng trong khi thời tiết nắng nóng, tủ lạnh, tủ đông càng tiêu tốn nhiều điện năng hơn” – Giám đốc Điện lực TP Hà Tĩnh Trần Xuân Thông thông tin.

Để tránh thất thoát điện năng, khách hàng cần kiểm tra hệ thống đường dây sau công tơ để loại trừ các điểm hỏng gây chạm chập; kiểm tra các thiết bị sử dụng điện để loại trừ các yếu tố vận hành không đúng với đặc tính kỹ thuật của thiết bị.

Ngoài ra, khách hàng cần tắt thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng điều hòa có công suất phù hợp diện tích phòng, điều hòa nhiệt độ luôn để trên 27 độ, phải che chắn cục nóng điều hòa, định kỳ vệ sinh điều hòa…

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Đủ nguồn vật liệu xây cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Đủ nguồn vật liệu xây cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Nguồn vật liệu cát, đất, đá để xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu gấp rút tìm kiếm và đẩy nhanh thủ tục khai thác. Đến nay, vật liệu thi công cho các dự án cao tốc về cơ bản đã không còn thiếu.