Nghề y và sự thấu cảm

(Baohatinh.vn) - Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông từng viết: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công”. Bác Hồ kính yêu cũng dạy “Lương y như từ mẫu”. Thấm nhuần những lời dạy ấy, đội ngũ thầy thuốc ở Hà Tĩnh đã luôn đặt mục tiêu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, luôn yêu thương và thấu cảm với người bệnh.

“Chiến binh” giữa cuộc chiến sinh tử

Đại dịch COVID-19 như một trận cuồng phong kinh hoàng tàn phá khắp thế giới. Dù hiện nay nó đã được kiểm soát nhưng dư chấn vẫn còn dai dẳng. Nhớ về những tháng ngày căng thẳng, lo âu của năm 2020, 2021, người dân Việt Nam càng cảm phục sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các “binh chủng” tuyến đầu, đặc biệt là công sức, tâm huyết, mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ trên khắp cả nước. Họ là những chiến binh dũng cảm đối mặt với cái chết để giành lại sự sống cho hàng chục triệu người, mang lại mùa xuân bình yên cho Nhân dân.

Hà Tĩnh trở thành tâm điểm dịch COVID-19 vào tháng 8/2021. Những ngày tháng ấy, hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành y tế Hà Tĩnh đã gác lại niềm riêng, trắng đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Dưới nắng hè miền Trung gay gắt, trong những bộ bảo hộ bằng nylon kín mít, họ đã tạm quên gia đình, bản thân, quên tử thần rình rập xung quanh chỉ với mục tiêu cao nhất: góp phần cùng cả hệ thống chính trị kiểm soát, ngăn dịch lây lan trong cộng đồng.

Nghề y và sự thấu cảm

Chị Trần Thị Thùy Dương - Phó Trưởng khoa Cận lâm sàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn xung kích vì sức khỏe Nhân dân.

Chị Trần Thị Thùy Dương, Phó Trưởng khoa Cận lâm sàng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh vẫn chưa hiểu nổi sức mạnh nào đã giúp chị và các đồng nghiệp xuyên ngày xuyên đêm xét nghiệm để các địa phương tổ chức bao vây, ngăn chặn, không để dịch lây lan.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2021, chị và đồng nghiệp gần như ăn ở, làm việc trong phòng xét nghiệm. Với tinh thần sáng tạo, chị đã đọc các tài liệu trong và ngoài nước, nghiên cứu, định hình quy trình hình thành la-bô xét nghiệm khẳng định, làm cơ sở để Sở Y tế trình Bộ Y tế công nhận đủ năng lực khẳng định kết quả dương tính, âm tính. La-bô của CDC Hà Tĩnh là 1 trong 11 la-bô của cả nước có được vào thời điểm đầu mùa dịch, sau đó, CDC Hà Tĩnh hướng dẫn quy trình cho các điểm xét nghiệm khác trong tỉnh.

Hết dịch, tóc chị đã lốm đốm bạc cùng nhiều bệnh lý khác do thức đêm quá nhiều. Vậy nhưng, đó không phải là chuyện khiến chị phân vân. Rất tự tin, chị Thùy Dương chia sẻ: “Bố tôi là một cựu chiến binh. Tôi học được ở ông tinh thần không ngại xông pha trong gian khổ, khó khăn. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hào vì được đóng góp một phần công sức cho công cuộc chống đại dịch COVID-19”.

“Bệnh nhân khỏe lại là hạnh phúc vô bờ của chúng tôi!”

Hà Tĩnh hiện có 5.231 cán bộ, công nhân viên trong các cơ sở y tế công lập (trong đó có 1.170 bác sĩ) và hơn 1.000 bác sĩ, nhân viên y của các cơ sở y tế ngoài công lập. Mỗi người một vị trí công việc khác nhau nhưng đều chung một mục đích là phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân trông cậy vào đội ngũ của những người mặc áo blouse trắng. Vượt qua khó khăn của cơm áo đời thường, hy sinh những giờ phút vui chơi đoàn tụ gia đình ngày lễ, tết, các thầy thuốc đã thực sự là “mẹ hiền”, “lo cái lo của người, vui cái vui của người”.

Hơn thế, đối mặt với bệnh tật, sự sống người bệnh mong manh, họ còn phải rèn luyện để nâng cao tay nghề và luôn giữ được tâm thế bình tĩnh, sáng suốt. Với những bác sĩ, điều dưỡng ở các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, phẫu thuật, tim mạch… nơi có nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh”, thầy thuốc thật sự là những lương y “chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình”, thấu cảm được nỗi đau và niềm khao khát sống mãnh liệt của người bệnh.

Nghề y và sự thấu cảm

Bác sĩ Nguyễn Viết Hải hiện là Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã có 11 năm cứu chữa những bệnh nhân nặng, thập tử nhất sinh.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hải hiện là Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. 13 năm gắn bó với nghề y thì anh đã có 11 năm công tác ở Khoa Hồi sức tích cực, hằng ngày cùng đội ngũ thầy thuốc ở đây trực tiếp cứu chữa, tìm lại sự sống cho những bệnh nhân “thập tử nhất sinh”.

Mỗi năm, khoa điều trị trung bình cho 1.200 lượt bệnh nhân nội trú, riêng năm 2022 điều trị cho 2.500 lượt bệnh nhân, công suất giường bệnh lên đến 130%. Những bệnh nhân nặng nhất từ các chuyên khoa: cấp cứu chống độc, nội, ngoại, sản, nhi… chuyển đến đây để được hồi sức, chăm sóc tích cực với các loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp như: phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… Hầu hết bệnh nhân đều mê man bất tỉnh, phó thác tính mạng cho các bác sĩ, điều dưỡng. Nhận về mình trách nhiệm nặng nề, anh cùng 8 bác sĩ, 37 điều dưỡng, 2 hộ lý của khoa luôn xác định: bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân. Những đôi chân hầu như không nghỉ, thường xuyên có mặt bên giường bệnh, thăm khám, theo dõi các chỉ số, tiêm, chuyền thuốc, phục vụ ăn uống, thay rửa…

“Trong mọi tình huống, dù nhiều áp lực nhưng là bác sĩ hồi sức, chúng tôi phải luôn bình tĩnh để tạo niềm tin cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chỉ tình yêu thương thôi chưa đủ, người thầy thuốc còn phải nâng cao trình độ chuyên môn. Hai năm nay, chúng tôi đã triển khai thực hiện hội chẩn trực tuyến tại giường bệnh. Trên cơ sở các thông tin về ca bệnh cũng như theo dõi trực tiếp tại giường bệnh, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh sẽ thảo luận, đưa ra các chẩn đoán và phác đồ điều trị cụ thể. Việc triển khai hội chẩn trực tuyến tại giường bệnh giúp bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nặng, khó di chuyển được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên”.

Nghề y và sự thấu cảm

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực bón cháo cho bệnh nhân.

“Để hạn chế tối đa tình trạng nhiễm khuẩn và tạo sự gần gũi với người bệnh, hiện nay, chúng tôi đã thực hiện chăm sóc toàn diện vào ban ngày. Đến giờ ăn, các điều dưỡng bón từng thìa cháo, bơm sữa cho người bệnh. Bác sĩ thăm khám hỏi han thân tình, khi cần phải hài hước để tạo sự phấn chấn cho người bệnh. Gặp bệnh nhân khó tính, có khi họ đánh vào người cũng phải tươi tỉnh. Nếu không yêu ngành, yêu nghề, khó mà làm việc ở đây hàng chục năm trời. Bệnh nhân khỏe mạnh, ra viện là niềm hạnh phúc vô bờ bến của chúng tôi!”- bác sĩ Nguyễn Viết Hải trải lòng.

Mỗi ngày trôi qua, bên trong bệnh viện, những bóng áo trắng lại nhẫn nại, căng mình trong cuộc chiến sinh tử, tìm lại nụ cười trên môi người bệnh. Thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng ấy, Đảng và Chính phủ cũng như toàn dân đã luôn quan tâm đề cao công lao của đội ngũ thầy thuốc. Mới đây, Nghị định 06/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011 /NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đã tạo sự phấn khởi đối với đội ngũ cán bộ y tế Hà Tĩnh. Ngày 27/2, Ngày Thầy thuốc Việt Nam đã trở thành ngày hội của các lương y, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn nghề cao quý mình đã chọn, giúp cả xã hội nhớ đến những “người mẹ hiền áo trắng”.

Chủ đề Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.