Ngư dân Hà Tĩnh linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Dịch bệnh Covid-19 gây nên những tác động không nhỏ đối với hoạt động của ngư dân Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trong khó khăn, ngư dân cũng đã linh hoạt thay đổi phương thức đánh bắt, tiêu thụ để đảm bảo đời sống và thu nhập.

Tuy không bị dừng hẳn công việc nhưng trong những ngày dịch bệnh hoành hành, nhất là thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản tại các vùng biển cũng chịu những ảnh hưởng nhất định.

Nếu như trước đây, thuyền nào cũng có khách “ruột” đặt mua trước, chỉ cần cập bến là bán hết hải sản thì bây giờ, nhiều chủ thuyền phải tự mang ra chợ bán.

Ngư dân Hà Tĩnh linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh

Thuyền anh Lương Ngọc Hải đều đặn cập bến hàng ngày.

Như thường lệ, 5h sáng, thuyền của anh Lương Ngọc Hải ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) cập cảng Cửa Sót mang theo thành quả của một đêm đánh bắt là tôm, ghẹ và các loại cá. Duy trì ra khơi bám biển trong mùa dịch được coi là một biện pháp phòng dịch an toàn mà anh Hải cùng các bạn thuyền lựa chọn.

Anh Hải cho biết: “So với trước khi dịch bệnh xảy ra thì sản lượng đánh bắt không giảm sút quá nhiều nhưng thu nhập có bị ảnh hưởng do nhu cầu thị trường giảm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì được việc làm thường xuyên cho 7 lao động nhờ giá xăng dầu giảm, sản lượng ổn định”.

Do nhu cầu tiêu thụ giảm sút nên những tháng gần đây, thay vì bán cho các tiểu thương mua lẻ, anh Hải đã nhập sỉ khi vừa cập bến. “Giá có thể sụt giảm đôi chút nhưng hàng sẽ được tiêu thụ nhanh hơn” - anh Hải chia sẻ.

Ngư dân Hà Tĩnh linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh

Hải sản thường được ngư dân nhập sỹ cho thương lái.

Trong mùa dịch bệnh, ông Nguyễn Hữu Thuyết ở xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) lại chọn phương thức đi lộng. Đều đặn ngày một chuyến, ông Thuyết vẫn dong buồm ra khơi bám biển. Đó là cách ông “nuôi” nghề và giữ sự ổn định kinh tế cho gia đình.

Ông Thuyết cho biết: “Những ngày gần đây, lượng hải sản chúng tôi đánh bắt được khá dồi dào, tuy nhiên thời điểm này, nhiều mối nhập hàng quen bị hạn chế. Ngoài bán cho các tiểu thương tại bến, số còn lại chúng tôi đưa đến các chợ bán lẻ để kiếm thêm thu nhập trong những ngày dịch bệnh”.

Ngư dân Hà Tĩnh linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh

Hải sản được thu mua và bán lẻ tại các chợ dân sinh.

Cùng với sự linh hoạt của các ngư dân, các chủ thu mua hải sản cũng có những thay đổi trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh để khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đã có thâm niên hàng chục năm trong nghề thu mua hải sản, thời điểm cao nhất, ông Hồ Phi Liêm - Giám đốc Doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản Liêm Thuần - xã Thạch Văn (Thạch Hà) có tới 20 lao động.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lao động chỉ duy trì ở mức 5-7 người dù đang trong cao điểm thu hoạch sứa. Dù không đành lòng nhưng cắt giảm lao động cũng là một trong những cách mà ông Liêm lựa chọn để duy trì “sự sống” cho doanh nghiệp của mình.

Ngư dân Hà Tĩnh linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh

Thu mua sứa và chế biến bằng cách muối là cách mà doanh nghiệp của ông Liêm chọn để duy trì việc làm cho lao động và dự trữ nguồn hàng trong mùa dịch.

“Một năm chúng tôi xuất bán sang thị trường nước ngoài khoảng 100 tấn sứa, chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm. Đợt dịch này, giao thương bị đình trệ, sứa tươi không xuất bán được nên chúng tôi phải chế biến thành sứa muối để chờ đến khi hết dịch mới xuất khẩu trở lại.

Dù có khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi vẫn đang có việc để làm. Đó là một may mắn so với nhiều doanh nghiệp thuộc những ngành nghề khác” - ông Liêm chia sẻ.

Doanh nghiệp của ông Liêm cũng thu mua các loại hải sản rồi cấp đông hoặc chế biến cá, ruốc thành các sản phẩm nước mắm, mắm tôm. Ông Liêm cho biết, đây sẽ là nguồn hàng dự trữ để ngay sau dịch, doanh nghiệp vẫn có thể chủ động đáp ứng các đơn hàng của đối tác.

Ngư dân Hà Tĩnh linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh

Việc cấp đông hoặc muối hải sản sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng ngay khi dịch bệnh qua đi.

Cách làm của ông Liêm cũng đang là lựa chọn của nhiều chủ thu mua hải sản khác trên toàn tỉnh. Đó là cách chia sẻ khó khăn với ngư dân đồng thời cũng là cách để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng cung cấp nguồn hàng khi giao thương sôi động trở lại.

Dịch bệnh đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, người dân Hà Tĩnh nói chung, ngư dân nói riêng đang nỗ lực ứng phó để vượt qua “bão dịch” an toàn. Sự chủ động đó cũng là cơ sở để sau khi dịch bệnh qua đi, cuộc sống và tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ sớm được ổn định.

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.