Cán bộ dự án và chính quyền địa phương làm việc về cấp chứng chỉ rừng.
Chị Nguyễn Mỹ Thùy - cán bộ Dự án FCPF-2, cho biết: Sau khi được FCPF-2 tổ chức tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, tham quan các mô hình FSC tại Nghệ An và Thừa Thiên - Huế, các hộ trồng rừng trên địa bàn đã thấy ngay được hiệu quả và cách làm. Họ đã nhận ra, nếu được cấp FSC sẽ thu được nhiều lợi ích. Về kinh tế, người dân sẽ có chất lượng cây giống ban đầu tốt, chăm sóc có phương pháp khoa học, được hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất cao hơn. Gỗ có chứng chỉ FSC, có nguồn gốc xuất xứ dễ tiêu thụ hơn, bán được giá cao hơn từ 15 - 20%, không bị tư thương ép giá. Ngoài ra, lấy được FSC còn thu được lợi ích về môi trường, về xã hội khi tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động của bộ tiêu chuẩn FSC.
Khảo sát trên bản đồ diện tích thực hiện dự án FSC của 2 xã Sơn Tây và Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn).
Chị Nguyễn Thị Liên (thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây) chia sẻ: "Được dự nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ thuật, giờ đây, chúng tôi đã biết đo đếm, đánh giá trữ lượng gỗ. Với 2 ha rừng trồng keo, gia đình tôi sẽ chăm sóc cho đến khi cây 7 tuổi mới bán, năng suất dự kiến khoảng 180 - 200 tấn/ha. Trước đây, theo phương pháp cũ, trồng keo 5 năm chặt bán 1 lần, năng suất chỉ khoảng 100 tấn/ha, giá trị thu được chỉ khoảng 1 triệu đồng/tấn.
Ông Lê Hoàng Thảo (thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) là người tâm đắc với việc lấy chứng chỉ rừng. Theo ông, những năm gần đây, cách trồng và khai thác rừng keo theo lối truyền thống (trồng 5 năm rồi khai thác trắng để bán gỗ dăm) cho lợi nhuận thấp, gây sạt lở, xói mòn đất đã không còn nữa. Thay vào đó, người trồng rừng trên địa bàn đang đón nhận và “quyết” thực hiện thành công dự án FSC và cấp chứng chỉ rừng, do Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF-2) hướng dẫn, hỗ trợ.
Ông Thảo đang thực hiện chăm sóc rừng keo 5 tuổi theo hướng bền vững để được cấp chứng chỉ FSC.
Với việc tham gia Liên hiệp HTX Tây Kim, 35 hộ trồng rừng thôn Trung Lưu sẽ được HTX này bao tiêu, thu mua sản phẩm gỗ keo với giá cao hơn từ 15 đến 20% nếu thực hiện và được cấp chứng chỉ FSC.
Theo ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chứng chỉ rừng huyện Hương Sơn: Tại 2 xã Sơn Tây và Sơn Lĩnh - nơi thực hiện dự án, có 240 hộ dân tham gia, với tổng diện tích thực hiện FSC là 454 ha. Nhìn chung, người dân phấn khởi và tin tưởng khi thực hiện FSC. Huyện luôn chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các hộ dân thực hiện FSC và mong muốn 2 xã điểm Sơn Tây và Sơn Lĩnh sớm được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC để có thể nhân rộng cách làm và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC của huyện. Hiện, Hương Sơn có tới 14.000 ha rừng keo là rừng sản xuất có tiềm năng thực hiện FSC.
Cán bộ dự án khảo sát, đánh giá trồng keo theo hướng bền vững của một số hộ trên địa bàn xã Sơn Tây.
Được biết, hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC của tổ chức đánh giá độc lập Cộng hòa liên bang Đức (GFA) vừa có 3 ngày làm việc tại xã Sơn Lĩnh và Sơn Tây cùng các hộ dân tham gia thực hiện FSC. Qua khảo sát thực địa, phỏng vấn các hộ dân, xem xét hồ sơ giấy tờ, GFA đã có kết luận khá tích cực dựa trên đánh giá theo 10 nguyên tắc, 56 chỉ tiêu và 151 tiêu chí của FSC.
Tổ chức GFA đã thẳng thắn chỉ ra những lỗi lớn, lỗi nhỏ của hộ dân trong quá trình thực hiện FSC và tin tưởng với sự đón nhận một cách tích cực, các hộ sẽ khắc phục đúng theo thời gian quy định trong hướng dẫn cấp chứng chỉ rừng bền vững.