Người dân tin dùng, thị trường hải sản “rã băng”!

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, những chuyến ra khơi của bà con ngư dân Hà Tĩnh ngày một dày hơn cũng bởi “lộc biển” mang về đã có được thị trường tiêu thụ khá ổn định. Nhiều sản vật như cá thu, cá cháo, cá cơm… “cháy hàng” ngay tại bến cảng…

Bến cá nhộn nhịp

Khi màn sương sớm của những ngày cuối tháng Giêng còn đặc quánh, lạnh se sắt bủa vây khắp cả không gian thì cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) đã khởi động ngày mới với những tàu thuyền đầy ắp cá, tôm, những tiểu thương luôn hướng ánh nhìn ra phía biển đón đợi tàu cập bến...

nguoi dan tin dung thi truong hai san ra bang

Tiểu thương gom hàng ngay bến cá ở Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh)

Gạt vội những giọt mồ hôi sau chuyến biển dài ngày, ông Nguyễn Văn Thành (Thạch Bằng) phấn khởi: “O thấy trời sương nhiều như ri là cứ mạnh dạn mua cá trích mà ăn, độ này, cá trích ngon và nhiều nhất năm. Tàu tôi chỉ nằm bờ 3 tháng đầu khi xảy ra sự cố môi trường biển, còn nữa là cùng bạn thuyền dong tàu ra khơi. Phải nói rằng, lúc đầu cũng buồn vì cá đánh bắt về chẳng tiêu thụ được là bao, có khi anh em phải chia nhau về sử dụng, nhưng giờ, mặc dù giá chưa được cao nhưng có khi không có hàng mà bán…”.

Cũng có mặt sớm để đón tàu cập bến, bà Nguyễn Thị Nhơn (Thạch Kim) hồ hởi khi mua được mấy tạ cá trích về làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến bột cá của mình: “Vì có nhà máy nên tôi thu mua được cá cho nhiều bà con ở đây. Trung bình ngày cũng vài ba tạ. Nhìn chung, ngư dân đánh bắt về, cơ bản được thu mua hết ngay tại thuyền”.

nguoi dan tin dung thi truong hai san ra bang

Kho đông lạnh Toàn Tứ (Thạch Kim) hiện tiêu thụ 5 - 10 tấn hải sản mỗi ngày.

Tiếp lời, chị Lợi (tiểu thương Hộ Độ) cho biết: “Tôi lấy hàng ở cảng Thạch Kim rồi đi bán cho các chợ ở Kỳ Anh. Đợt trước thì phải gác xe ở nhà vì bán không ai mua, chứ đợt này, ngày nào xe cá tạ hơn tạ kém cũng hết. Bà con mình tiêu thụ nhiều lắm rồi”.

Dù chưa thật sự “khỏe mạnh” như thời hoàng kim, nhưng nhiều kho đông trên địa bàn đã từng bước khôi phục sản xuất. Tại kho đông Toàn Tứ (Thạch Kim), 15 công nhân đang thoăn thoắt làm hàng cho kịp yêu cầu. Chủ cơ sở Trần Thị Tứ cho hay: “Hiện nay, cơ sở đã giải quyết được 80% lượng hàng quá hạn vì bán được cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tất cả công nhân đã quay lại làm việc sau nhiều tháng phải nghỉ vì không có việc làm. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi bán ra thị trường được 5-10 tấn hàng tươi sống…”.

Cảng cá Cồn Gò (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên) nhiều ngày nay cũng không kém phần náo nhiệt. Những sản vật biển đợt này cơ man là cá đục, cá đù, cá đốm…, đặc biệt là mực khơi luôn được khách hàng ưa chuộng. Điều đáng mừng là hải sản về bao nhiêu, tiểu thương thu mua bấy nhiêu. Theo thống kê của UBND xã Cẩm Nhượng, toàn xã có 235 tàu thuyền lớn nhỏ đã vươn khơi bám biển. Đợt dạ gần đây, mỗi chuyến biển tầm 4 - 5 ngày mang về cho mỗi tàu cá từ 10 - 50 triệu đồng…

nguoi dan tin dung thi truong hai san ra bang

Khu vực bán cá biển tại chợ TP Hà Tĩnh đã nhộn nhịp trở lại.

Người dùng bớt e dè

Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay là tại các chợ dân sinh, mặt hàng hải sản đã xuất hiện ngày một nhiều hơn, các gian hàng bày bán mực, cá, tôm trước thưa thớt, nay đã được lấp đầy. Tại khu bán hải sản của chợ TP Hà Tĩnh, các quầy bán đã san sát nhau với những sản vật biển tươi sống, hấp dẫn, mời gọi khách hàng. Chị Thu (tiểu thương xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh) cho hay: “Sau một thời gian dài nghỉ bán, chị đã trở lại chợ được hơn 1 tháng nay và có ngày bán được gần 100 miếng cá thu…”.

Việc mua và sử dụng cá biển là nhu cầu đối với nhiều bà nội trợ. Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Từ những thông tin về quan trắc nước biển và kiểm nghiệm an toàn đối với các loại hải sản do các cơ quan chuyên môn công bố gần đây, chúng tôi cơ bản yên tâm sử dụng nhiều sản vật từ biển cho bữa ăn gia đình…”.

nguoi dan tin dung thi truong hai san ra bang

Tìm hiểu tại một số chợ trên địa bàn TP Hà Tĩnh và các huyện lân cận, các tiểu thương cho biết, lượng hải sản tiêu thụ tăng khá, đặc biệt, những loại cá ngừ, cá thu, cá bạc má, cá cơm... được tiêu thụ nhiều nhất. Giá cả các mặt hàng này cũng tăng lên đáng kể. Đơn cử như: giá cá thu đã tăng lên mức 220.000 - 240.000 đồng/kg, cá nục 65.000 - 70.000 đồng/kg, cá cơm 55.000 - 60.000 đồng/kg, mực 200.000 - 220.000 đồng/kg… Tuy nhiên, sức mua chỉ tăng cao đối với các loại hải sản mà Bộ Y tế khuyến cáo đã an toàn, còn các mặt hàng khác như ghẹ, cua biển... thì người dân vẫn tỏ ra khá dè dặt.

Ngoài ra, thời gian gần đây, thị trường hải sản còn ghi nhận sự khởi sắc tại các nhà hàng chuyên kinh doanh hải sản trên địa bàn. Từng được biết đến là “thủ phủ” của hải sản tươi sống, đặc sản biển, loạt nhà hàng tại chân cầu Hộ Độ, bờ đê Đồng Môn cũng đang hy vọng “hồi sinh” sau một thời gian dài “chết đứng”.

Chị Phan Thị Hồng (Nhà hàng Chiều Hồng - bờ đê Đồng Môn) chia sẻ: “Vẫn quyết tâm bám trụ nhà hàng bằng các món hải sản tươi sống, không chuyển thực đơn nên cũng có thời gian, cả ngày không có một khách nào. Tuy nhiên, sau khi công bố hải sản tầng nổi an toàn, thực khách đã quay trở lại. Đặc biệt, từ ra tết đến nay, lượng thực khách đã tăng lên đáng kể, sử dụng những món ăn như mực, cá, tôm, cua mỗi ngày...”.

Qua khảo sát, cơ bản thị trường hải sản đã hồi sinh, bà con ngư dân đã yên tâm vươn khơi bám biển. Bức tranh sản xuất của bà con ngư dân đã hiện lên với những gam màu tươi mới mang hy vọng về một sự khởi sắc...

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.