Những cuộc bầu cử gây chú ý trong năm 2019

Trong năm 2019, bức tranh chính trị thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi trong bối cảnh từ Âu đến Á diễn ra hàng loạt cuộc bầu cử lớn.

Những cuộc bầu cử gây chú ý trong năm 2019

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko

Năm khó khăn của châu Âu

Với tương lai bất ổn và nguy cơ khủng hoảng trong mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU), 2019 được cho sẽ là một năm đầy khó khăn cho châu Âu. Năm nay, lục địa già phải đối mặt với 2 sự kiện quan trọng là việc nước Anh chính thức rời EU vào ngày 29-3 và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra từ ngày 23 đến 26-5. Trong thời điểm diễn ra bầu cử, 27 nước thành viên EU sẽ bầu 705 nghị sĩ theo hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp.

Gọi là bầu cử châu Âu, nhưng thực chất các quốc gia bầu những người đại diện của nước mình. Đây là cuộc đua tranh giữa các đảng phái nhưng do bầu cho Nghị viện châu Âu nên nó có tính chất liên quốc gia. Điều thứ hai đáng chú ý, là bầu cử Nghị viện châu Âu cũng được xem như là bài đánh giá tín nhiệm đối với các đảng cầm quyền ở các quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khối EU như đảng Cộng hòa tiến bước ở Pháp hay Liên minh cầm quyền Dân chủ và Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) ở Đức.

Theo giới quan sát, nếu phong trào dân túy chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, bức tranh của châu lục này có thể sẽ còn ảm đạm hơn nữa. Trong bối cảnh những thách thức có thể đoán trước này, sự sống còn của kế hoạch đầy tham vọng mang lại sức sống mới cho châu Âu của 2 nhà lãnh đạo Pháp và Đức trong năm 2019 cũng rơi vào lâm nguy.

Gió có đổi chiều ở Ukraine?

Châu Âu vẫn còn 1 cuộc bầu cử gây chú ý diễn ra ở Ukraine. Theo dự kiến, cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine tổ chức vào ngày 31-3. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được công bố trước ngày 10-4. Thăm dò dư luận trong nhóm 17 người có kế hoạch tham gia tranh cử tổng thống cho thấy, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko, lãnh đạo đảng Tổ quốc, đang dẫn đầu trong phần lớn các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.

Theo số liệu nghiên cứu của nhóm “Nghiên cứu/Xếp hạng xã hội”, 17% công dân Ukraine sẵn sàng ủng hộ lãnh đạo của đảng Tổ quốc trong cuộc bầu cử sắp tới. Cựu Thủ tướng Ukraine cũng đứng đầu danh sách của Trung tâm nghiên cứu Socis với 19,3% số người ủng hộ và Quỹ Sáng kiến dân chủ với 16,1%. Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận cũng ghi nhận mức độ ủng hộ thấp kỷ lục đối với Tổng thống Petro Poroshenko.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Sofia, hơn 80% số người được hỏi không tán thành công việc của ông Poroshenko. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không nên vội vàng đưa ra kết luận dựa trên các cuộc thăm dò xã hội học, vì khoảng 40% cử tri chưa quyết định lựa chọn.

Ông Poroshenko đã có một năm 2018 không mấy yên ả. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đất nước yêu cầu ông từ chức, cho đến vụ đụng độ trên biển Azov khiến Nga bắt giữ tàu hải quân Ukraine. Bên cạnh đó, mâu thuẫn nội bộ và tình trạng tham nhũng khiến chính quyền Kiev không thể xác lập niềm tin với cộng đồng quốc tế, mà điều này là một lý do quan trọng có thể khiến cử tri Ukraine chần chừ khi bỏ phiếu cho ông. Cánh cửa tái đắc cử cho Tổng thống Poroshenko càng thu hẹp dần khi triển khai chính sách bài Nga cực đoan làm mất đi nhiều lợi ích của Ukraine, trong khi lợi ích từ quan hệ với phương Tây không bù đắp nổi. Tuy nhiên, việc gió có đổi chiều tại Ukraine hay không thì vẫn phải chờ kết quả vòng bầu cử trong tháng 4 tới.

Người Thái mong kinh tế khởi sắc

Sau nhiều lần trì hoãn và là lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, tổng tuyển cử Thái Lan dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24-2. Theo kế hoạch, 2 tháng sau đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia (EC) sẽ công bố kết quả bầu cử. Ngày 27-4, Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) sẽ đệ trình hoàng gia phê chuẩn danh sách 250 thượng nghị sĩ. Ngày 7-5, Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) chấm dứt hoạt động. Tới ngày 8-5, quốc hội mới đi vào hoạt động trong vòng 15 ngày và ấn định ngày bầu Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và Thủ tướng mới.

Những cuộc bầu cử gây chú ý trong năm 2019

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và ứng viên Sudarat Keyuraphan

Theo kết quả thăm dò của Suan Dusit, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ với kết quả hơn 40%, trong khi đứng ở vị trí thứ 2 là bà Sudarat Keyuraphan (30%), đồng minh thân cận của cựu thủ tướng đang lưu vong Thaksin Shinawatra.

Đa số người dân Thái Lan được hỏi cho biết, họ mong muốn nhìn thấy sự khởi sắc của nền kinh tế đất nước sau cuộc bầu cử. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Quản trị phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) từ giữa tháng 12-2018 trong nhóm người có độ tuổi từ 40 trở lên có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau trên toàn quốc. Hơn 60% người được hỏi mong muốn nền kinh tế đất nước được cải thiện và 10,16% mong muốn đất nước trở nên dân chủ.

Khi được hỏi về kỳ vọng đối với các đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử sắp tới, 72,56% trả lời kỳ vọng vào chính sách giải quyết các vấn đề kinh tế và nợ tiêu dùng. Ngoài ra, kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Super Poll thực hiện và công bố gần đây cho thấy, đa số người dân chưa quyết định ủng hộ một lực lượng chính trị cụ thể nào trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tổng tuyển cử Ấn Độ

Vòng tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5 năm nay được dự báo sẽ là cuộc đua cam go giữa đảng Bharatiya Janata Party (BJP) cầm quyền với phe đối lập. BJP tự tin sẽ có kết quả tốt tại cuộc tổng tuyển cử vào năm nay bất chấp những thất bại gần đây trong các cuộc bỏ phiếu ở cấp độ bang vào tháng 12 năm ngoái, khiến Thủ tướng Modi chịu thất bại lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2014 và làm tăng sức mạnh cho đảng Quốc đại đối lập và các đồng minh của đảng này trước cuộc tổng tuyển cử.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng thời là người lãnh đạo đảng BJP tuyên bố, trong năm 2019, nếu có một đảng phái mà đất nước tin tưởng và có sự gắn kết với người dân thì đó là đảng BJP. Ông nhấn mạnh việc cử tri cần tập trung vào những thành tựu của chính phủ, bao gồm việc cho ra mắt một chương trình chăm sóc sức khỏe mới cho người nghèo.

Báo chí Ấn Độ cho rằng, giờ đây, Thủ tướng Modi đang chịu áp lực phải đưa ra một chiến lược nhằm chấn hưng BJP nếu không muốn đảng này tiếp tục trượt dốc trước cuộc tổng tuyển cử. Ông Modi nhiều khả năng sẽ vẫn có được nhiệm kỳ 2, nhưng thay vì một chiến thắng áp đảo như năm 2014, ông và đảng BJP sẽ phải thành lập chính phủ liên minh với đảng khác. Ông Badri Tiwari, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội G.B.Pant ở bang Uttar Pradesh, cho rằng, đây chắc chắn sẽ là cuộc bầu cử đầy thử thách với ông Modi vì nhiều người đang không hài lòng với những gì chính phủ của đảng BJP mang lại do tình trạng thất nghiệp, giá nhiên liệu cao hơn và nguồn thu nhập từ nông nghiệp không khả quan.

Tổng thống Indonesia kỳ vọng nhiệm kỳ 2

Mong muốn có được nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ được quyết định vào ngày 17-4 với lời hứa tái công nghiệp hóa nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này. Trong cuộc đua tổng thống năm nay, ông Joko Widodo không còn là một ứng cử viên không tên tuổi, mà là một tổng thống đương nhiệm và cử tri sẽ đánh giá kỹ lưỡng những thành tích của ông. Câu hỏi là liệu ông Joko đã hoàn thành trọng trách của mình, nhất là trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế và tăng lương, đủ để thuyết phục người dân Indonesia trao cho ông một nhiệm kỳ 5 năm thứ 2 hay không. Chủ trương của ông Widodo là muốn tiếp tục dành ngân sách phát triển hạ tầng cơ sở, nhưng đối thủ của ông, Tướng Prabowo Subianto, đang hướng tới một lập trường mang chủ nghĩa dân tộc hơn thông qua lời cam kết tái xem xét các khoản đầu tư trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Trong số này bao gồm cả một dự án đường sắt tốc độ cao từng nhận được rất nhiều kỳ vọng. Giải pháp của ông Prabowo nhằm thu hút thêm nhiều đầu tư tư nhân là giảm thuế và thu hẹp chi tiêu chính phủ.

Trong khi đó, một số đối thủ khác của Tổng thống Joko Widodo cũng lợi dụng vấn đề xung quanh sáng kiến này để chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống. Phe đối lập ở Indonesia từ lâu đã lên án mạnh mẽ hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Indonesia, nhất là sự bùng nổ đầu tư của Trung Quốc đối với lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Jokowi. Những dự án bị đình trệ, tin đồn về việc lao động Trung Quốc ồ ạt tràn vào Indonesia theo các dự án do Trung Quốc đầu tư và mối lo ngại về một “bẫy nợ” tiềm tàng…, đã khiến dư luận Indonesia không khỏi lo ngại trước làn sóng đầu tư của Trung Quốc tại Indonesia hiện nay.

Bầu cử Tổng thống Afghanistan

Ủy ban Bầu cử Độc lập Afghanistan (IEC) thông báo, cuộc bầu cử tổng thống tại nước này sẽ được tổ chức vào ngày 20-7, tức là muộn 3 tháng so với thời gian dự kiến ban đầu. Cuộc bầu cử tổng thống vốn được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 20-4, nhưng giới quan sát cho rằng, kế hoạch này không thực tế do IEC vẫn chưa hoàn tất việc tổng hợp kết quả bỏ phiếu bầu quốc hội hồi tháng 10 vừa qua.

IEC đưa ra thông báo trên sau khi có những đồn đoán rằng cuộc bầu cử nhiều khả năng bị hoãn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan, động thái có thể làm chệch hướng các nỗ lực do Mỹ đứng đầu, nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm với lực lượng Taliban. Kế hoạch này gây không ít trở ngại cho liên minh cầm quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Ông Ghani muốn đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 7 tới, nhưng tình hình an ninh ngày càng tồi tệ cùng với mâu thuẫn phe phái có thể làm hy vọng của tổng thống trở nên khó thực hiện hơn.

Theo SGGP

Đọc thêm

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.
Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu trong bối cảnh chính quyền Israel ngày càng ít chấp thuận sơ tán y tế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này này sau khi đóng cửa khẩu Rafah.