Nghĩa trang Liệt sỹ núi Nài (TP Hà Tĩnh)
Viết đơn tình nguyện làm quản trang
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện nghe từ bố một người bạn làm nghề trông coi Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc. Thuở ấy, khoảng 25 năm về trước, mộ 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc còn được quy tập về đây. Trong nghĩa trang vắng vẻ, chỉ có mình ông làm bạn với hàng trăm ngôi mộ. Hơn cả một công việc, sự tận tụy, thành tâm của ông như một mạch kết nối âm dương giữa các liệt sỹ và những người đang sống.
ĐVTN Agribank Chi nhánh thị xã Kỳ Anh dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Nầm (Hương Sơn)
Nhiều đêm, giữa không gian cô tịch, chập chờn trong giấc ngủ, ông lại nghe tiếng cười nói, tiếng hát vang lên đâu đó của các liệt sỹ và nhất là 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Điều đó khiến ông quên hết nỗi buồn xa gia đình, ngược lại, rất tự hào khi mình là người chăm sóc phần hồn cho những người đã ngã xuống vì quê hương.
Câu chuyện cũ như một mạch nối khi tôi gặp gỡ và trò chuyện với anh Hồ Thanh Hải (47 tuổi) - quản trang Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Nầm ở xã Sơn Châu (Hương Sơn) vào một ngày tháng 7/2020. Dù tất bật suốt buổi sáng chủ nhật phục vụ các đoàn khách về dâng hương nhưng vẻ mặt của người quản trang nhỏ nhắn ấy vẫn rạng rỡ, đôi mắt ánh lên sự nhiệt tình.
Anh Hồ Thanh Hải - Quản trang tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Nầm
Anh Hải kể: “Chú ruột tôi là liệt sỹ Hồ Quang Huy, hy sinh năm 1973 ở Tây Nguyên khi còn rất trẻ, đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Gia đình tôi luôn mong rằng, ở một nghĩa trang nào đó trên đất nước, chú tôi được thờ phụng, hương khói. Vì thế, công việc này cũng là một cách tôi gửi gắm tâm nguyện của mình”.
Đầu năm 2018, người tiền nhiệm trông coi nghĩa trang nghỉ việc, trong lúc Phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Sơn chưa tìm được người thay thế, biết tin, anh Hải đã nghỉ việc lái xe khách đường dài, viết đơn tình nguyện làm công việc này. Thời điểm đó, nhiều người phản đối khi anh bỏ nghề thu nhập tốt chỉ để làm công việc của những người về hưu nhàn rỗi. Dù vậy, anh Hải vẫn quyết tâm bởi đây là công việc từ lâu anh đau đáu.
Anh Hải bên ngôi mộ chung 73 liệt sỹ hi sinh thời chống Pháp tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Nầm
Trưa nắng tháng 7, chứng kiến anh Hải lưng áo đẫm mồ hôi lau từng vết vữa khô còn dính lại trên tấm bia ngôi mộ chung 73 liệt sỹ hy sinh thời chống Pháp, trong tôi dâng lên cảm xúc khó tả. Tôi chợt hiểu, để những phần mộ thẳng tắp, sạch bóng, tỏa khói hương uy nghi dưới chân tượng đài Tổ quốc ghi công, những người quản trang như anh Hải đã dành cả trái tim mình cho công việc thiêng liêng này.
Ông Lê Quang Huy, 56 tuổi, một thân nhân liệt sỹ đến từ Hà Nội cho biết: “Anh trai tôi hy sinh năm 1972 và đã được quy tập về đây nhưng vẫn nằm trong phần mộ chưa rõ tên tuổi. Hàng năm, chúng tôi về Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Nầm 2 - 3 lần để thắp hương cho anh và đồng đội. Tôi thực sự cảm ơn sự tận tâm của anh Hải, khi tất cả các phần mộ liệt sỹ đều được chăm sóc chu đáo”.
Để anh linh các liệt sỹ luôn ấm áp, anh Hồ Thanh Hải thường xuyên có mặt ở nghĩa trang để chăm sóc từng ngôi mộ.
Quản trang là công việc trông có vẻ đơn thuần nhưng sự thật không phải vậy. Với anh Hải, việc chăm sóc cho hơn 1.100 phần mộ liệt sỹ ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Nầm là công việc tốn nhiều thời gian nhất mà anh từng làm. Những ngày lễ tất bật đã đành, ngày thường dù mưa hay nắng, anh vẫn có mặt thường xuyên tại nghĩa trang để cắt cỏ, vệ sinh, kiểm tra, chăm sóc các phần mộ…
Một trong những kỷ niệm khiến anh Hải nhớ mãi là buổi lễ quy tập và an táng liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào diễn ra trong tháng 5/2020 vừa qua. Anh Hải kể: “Đêm đó, khi mọi công tác chuẩn bị đã xong thì trời bỗng nổi dông, gió.
Tôi hốt hoảng, nương vào ánh chớp chạy bên này, bên kia để che chắn các thứ, lòng không ngừng cầu nguyện anh linh các liệt sỹ phù hộ. Không hiểu có phải hồn thiêng các liệt sỹ phù hộ mà chỉ một lúc sau gió lặng, mây tạnh, mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Buổi lễ ngày sau đó diễn ra tốt đẹp”.
Tiếp tục công việc của cha
Những ai thường xuyên đến Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài (TP Hà Tĩnh) đều xúc động với câu chuyện của cha con người quản trang nơi đây.
Các cựu TNXP Hà Tĩnh thuộc C531-N53-P18 về thăm mộ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ núi Nài (Tp Hà Tĩnh)
Sau khi người cha là ông Lê Đăng Đại, mất sau 43 năm làm quản trang ở đây thì anh Lê Đăng Minh - con trai ông đã tiếp nhận công việc này. Anh Minh cho biết: “Từ thuở nhỏ, tôi đã thường theo cha ra nghĩa trang. Chứng kiến công việc của cha, chứng kiến những hoạt động tri ân ở đây, tôi vô cùng xúc động và luôn cảm thấy gắn bó với nơi này. Suốt những năm tháng cha làm quản trang, tôi là người đồng hành cùng ông nhiều nhất. Vì vậy, sau khi cha tôi mất (năm 2017), Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh ngỏ ý mời tôi “kế nhiệm”, tôi đã vui vẻ nhận lời”.
Hơn 300 ngôi mộ chưa rõ tên tuổi ở Nghĩa trang Liệt sỹ núi Nài luôn được quản trang Lê Đăng Minh dành sự quan tâm đặc biệt.
Bây giờ, anh Minh đã nắm rõ đặc điểm của từng ngôi mộ ở nghĩa trang này. Trong công việc chăm sóc chung, anh đặc biệt quan tâm đến hơn 300 ngôi mộ liệt sỹ chưa rõ tên tuổi ở đây. Anh Minh chia sẻ: “Tôi cố gắng hương khói để các anh không cảm thấy tủi thân”.
Dù hoàn cảnh éo le, bệnh tật (anh bị u não đã mổ 2 lần và một mình nuôi con gái nhỏ), nhưng anh Minh vẫn luôn tỉ mỉ chăm sóc các phần mộ để Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài luôn khang trang, sạch đẹp, ấm áp.
Gặp gỡ và trò chuyện với những người quản trang liệt sỹ ở Hà Tĩnh, chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của họ, tôi thêm vững niềm tin rằng, trên khắp mọi miền núi Hồng, sông La, hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ luôn được chăm sóc, sưởi ấm.