Những phụ nữ Việt lặn lội mưu sinh ở xứ Hàn

(Baohatinh.vn) - Trong những ngày ở xứ sở kim chi, những người phụ nữ “đồng hương” tôi gặp ở thủ đô Seoul dẫu chỉ là số ít nhưng đã cho tôi cảm nhận được ý chí của người Việt nơi xứ người...

Muôn đời vẫn vậy, người con gái Việt Nam nhỏ nhắn, nhu mì nhưng thật kiên nhẫn, bền gan. Và, những cố gắng của họ ở một giác độ nào đó đã được bù đắp xứng đáng. Những “thân cò lặn lội xứ người” đã bớt vất vả, lo toan.

Trong chuyến công tác ở Hàn Quốc, chúng tôi đến Seoul và được cậu em là du học sinh giới thiệu cho một “hoa tiêu” Nguyễn Thị Xuân (SN 1974), quê ở huyện Nghi Xuân. Nói là “hoa tiêu” vì chị sang đây đã gần chục năm, biết hết hang cùng ngõ hẻm của thủ đô Seoul, nhất là các chợ đầu mối chuyên bán các loại “đặc sản” nấm, sâm, rong biển của nước Hàn.

nhung phu nu viet lan loi muu sinh o xu han

Một người phụ nữ Việt bán hàng cho người Hàn Quốc trong khu chợ của Seoul.

“Có gì đâu, ở lâu thành thổ địa. Chị biết nên chị dẫn chúng mày đi mua chứ ra chợ, lớ ngớ dễ mắc lỡm lắm. Với lại, công việc của chị cũng chủ động được thời gian, có thể nghỉ vài buổi rồi làm thêm giờ” - chị nói.

Chị Xuân có 2 con trai, chồng mất hơn 10 năm nay. Sau khi chồng mất, chị đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, 2 đứa ở với ông bà ngoại. Công việc chính hiện nay của chị Xuân là may gia công cho một tiệm may quần áo nhỏ của một ông chủ người Hàn.

“Bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 3.000 USD, trừ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, cũng để dành được vài ba chục triệu đồng. Chị đã dành dụm mua thêm được miếng đất ở quê và có một ít vốn làm “của để dành”. Dù đã làm được thẻ lưu trú Hàn Quốc nhưng chắc một thời gian nữa, chị sẽ về Việt Nam thôi. Sống xa quê nhiều khi cảm giác trống trải lắm” - chị Xuân trầm tư chia sẻ.

Cuối buổi mua sắm, chị Xuân dẫn chúng tôi đi ăn món Việt tại quán bạn chị. Ngày đông, ngoài trời tuyết rơi dày nhưng trong quán phở của chị Phạm Thị Chinh - người Nha Trang, gốc Hà Tĩnh ở Wangshipri, Seoul vẫn ấm nực hơi nóng từ nồi nước dùng. Cuối buổi, khách đã vãn. Gặp đồng hương, chị đon đả mời chào, “rộng tay” thả thêm vào bát phở đang nghi ngút khói mấy miếng thịt bò và bưng ra mời khách.

nhung phu nu viet lan loi muu sinh o xu han

Quán phở chị Chinh

Chị Chinh cho biết: 15 năm trước, chị sang Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động. Sau một thời gian, chị quen và lấy chồng người Hàn rồi định cư bên này luôn. Hai vợ chồng chị mở quán bán phở cũng được gần chục năm nay. Quán phở của chị là một trong 4 quán ngon nhất của vùng, nhiều diễn viên, người mẫu và chính khách đã từng ăn ở đây. Mỗi ngày, chị bán vài ba trăm bát, mỗi bát 5.000 - 7.000 Won (100.000 - 140.000 đồng Việt Nam). Lời lãi kha khá nên sau ngần ấy năm tích cóp, hiện vợ chồng chị đã mua được căn hộ chung cư (tầm 10 tỷ đồng) và có mặt bằng bán phở (nếu thuê, mỗi tháng vài chục triệu đồng).

“Bây giờ, tôi được coi là người Hàn Quốc. Gia đình, con cái, công việc bên này nhưng trong lòng vẫn luôn hướng về Việt Nam, luôn đau đáu nỗi nhớ quê cha đất tổ”. Dù bận rộn, nhất là vào dịp cuối năm nhưng chị luôn cố gắng sắp xếp để về quê vào dịp tết. “Tết Nguyên đán năm nay, chị sẽ đưa cả gia đình về thăm quê. Chồng chị cũng rất thích về Việt Nam” - chị Chinh hồ hởi.

nhung phu nu viet lan loi muu sinh o xu han

Một phụ nữ Việt trong một tiệm may tư nhân tại Seoul.

Không trọn vẹn như các chị Chinh, Xuân, chị Sướng (người miền Nam, cùng làm việc với chị Xuân) lại mang nỗi truân chuyên nơi xứ lạnh. Đã 8 năm sang đây, chưa một lần chị về quê và với chị, ngày về còn xa ngái. 33 tuổi, chị làm đám cưới với một người đàn ông Hàn Quốc chỉ để làm “tấm vé hợp pháp” đi xuất khẩu lao động ở đất nước Kim chi. Sang Hàn Quốc, chị tìm đến người bạn ở. Được cái, anh chồng “thủ tục” cũng hết sức tử tế, thỉnh thoảng vẫn mời cơm và nhất là sẵn lòng ký xác nhận quan hệ vợ chồng để chị Sướng được cấp phép cư trú hợp pháp.

Sau này, chị Sướng cũng đã đi bước nữa và có một đứa con. Hiện 2 mẹ con ở với nhau, còn tất cả những người chồng đều trên danh nghĩa. Với chị, đứa con là niềm vui lớn nhất ở nơi xa xứ. Thu nhập mỗi tháng hơn 2.500 USD, phải thuê nhà, nuôi con nhỏ nên chẳng dành dụm được là bao. Vì vậy, khi tôi hỏi về tương lai và ngày về, chị thở dài, ánh mắt xa xăm.

Ba người phụ nữ, ba cảnh đời trên đất nước Kim chi, dẫu không đại diện cho ai nhưng cũng khiến tôi chạnh lòng về cuộc sống của những người xa xứ. Vì cuộc sống mưu sinh, những thân cò phải lặn lội nơi xứ người. Để rồi, niềm vui không chia đều, số phận không nở nụ cười với tất cả. Thế nhưng, ẩn sâu trong mỗi thân phận là nỗ lực vươn lên, là ý chí thoát nghèo. Tôi thực sự trân trọng và thầm mong, nếu như có thượng đế, người sẽ đưa những người con tha hương về với quê mẹ vẹn toàn mỗi mùa xuân sang.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.