Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Trời vào thu, không khí dần chuyển dịu mát hơn cũng là lúc những đồng lúa ở Hà Tĩnh nhuộm sắc vàng óng ả. Muôn nẻo đường quê bắt đầu rộn tiếng nói cười, tiếng máy gặt lúa báo hiệu mùa thu hoạch đang về trong hân hoan chờ đón.

Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm lúa hè thu

Máy gặt đập chạy rầm rì trên cánh đồng thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân (Đức Thọ) để thu hoạch lúa hè thu cho bà con.

Những ngày này, đồng lúa ở vùng ngoài đê, vùng trũng của huyện Đức Thọ đã chuyển sang màu vàng như rót mật. Máy gặt đập liên hợp nhanh chóng được huy động để giúp bà con thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu chạy lụt.

Xã Tân Dân (Đức Thọ) gieo cấy hơn 430 ha lúa, trong đó có 200 ha lúa hè thu chạy lụt, cơ cấu giống ngắn ngày BO-09. Trên đồng ruộng của gia đình, bà Hoàng Thị Thu (thôn Đồng Vịnh) nhanh tay đóng lúa vào bì để vận chuyển về nhà. Bà Thu phấn khởi: “Nếu chờ lúa chín rộ mới gặt sợ mưa lũ đến trở tay không kịp nên khi lúa chín hơn 80 - 90%, chúng tôi đã bắt đầu thuê máy về để thu hoạch, năng suất đạt khoảng 1,8 tạ/sào. Với tiến độ này, chỉ vài ngày tới, 1,6 mẫu lúa BO-09 của gia đình tôi sẽ được thu hoạch xong".

Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm lúa hè thu

Bà con nông dân vùng ngoài đê Đức Thọ vui mừng vì lúa hè thu được thu hoạch thuận lợi.

Ông Trần Đức Thắng - Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: “Những năm gần đây, việc cơ cấu 100% giống ngắn ngày đã góp phần đảm bảo cho bà con một vụ hè thu “ăn chắc”. Xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, từ cơ cấu giống, lịch thời vụ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… để đảm bảo tốt năng suất cuối vụ”.

Với những người nông dân, sau bao ngày thao thức cấy cày, chăm bón vất vả, mùa lúa chín luôn đến trong lo lắng nhưng cũng thật nhiều kỳ vọng. Sáng sớm tinh mơ, khi hạt sương còn đọng trên vòm lá, bà con nông dân xã Kim Song Trường (Can Lộc) đã hồ hởi xuống đồng thu hoạch sớm vụ hè thu.

Đang lỉnh kỉnh xách bao tải và đồ dùng để chờ máy gặt đến, anh Thành Văn (thôn Kim Thịnh) vui mừng cho biết: “Đến thời điểm này, tôi đã gặt được gần 3 sào, năng suất bình quân ước đạt hơn 2,5 tạ/sào. Thôn chúng tôi chủ động gặt sớm nên rất thuận lợi để bố trí máy móc, khoảng một ngày là cánh đồng rộng gần 5 ha đã được thu hoạch xong”.

Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm lúa hè thu

Nông dân các huyện Thạch Hà, Can Lộc... bắt đầu thu hoạch diện tích lúa gieo cấy sớm.

Vụ hè thu năm nay, xã Kim Song Trường sản xuất trên diện tích hơn 900 ha. Đây là một trong những địa phương thu hoạch lúa sớm nhất trên địa bàn nhờ việc người dân đã chủ động thời vụ, chủ yếu lựa chọn giống ngắn ngày BT-09. Hiện nay, các thôn khác như: Thượng Xá, Bình Hồ, Thúc Yên… lúa cũng đã chín cơ bản, có thể bố trí thu hoạch trong những ngày tới.

Anh Trần Xuân Tính (thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) không giấu được niềm hạnh phúc khi nhìn bao công sức mình bỏ ra đã kết thành bông lúa trĩu nặng trên tay. “Vụ này, tôi làm gần 3 mẫu ruộng, diện tích lớn nhất trong 3 năm trở lại đây. Tôi chăm sóc kỹ, theo dõi đồng thường xuyên nên lúa phát triển tốt, bông lớn, chắc mẩy. Sản xuất hè thu luôn đối mặt với nhiều khó khăn vì thời tiết nắng nóng kéo dài, lo lắng mưa bão cuối vụ, bà con bây giờ chỉ mong lúa sẽ được vận chuyển về nhà an toàn, khi ấy mới có thể thở phào nhẹ nhõm” - anh Tính chia sẻ.

Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm lúa hè thu

Năng suất lúa hè thu năm 2023 ước đạt trên 50,28 tạ/ha.

Là địa phương có diện tích sản xuất lúa hè thu năm 2023 lớn nhất Hà Tĩnh (hơn 9.000 ha), ngay từ đầu vụ, huyện Cẩm Xuyên đã huy động máy móc, tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Nhờ tuân thủ lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước phù hợp nên lúa phát triển thuận lợi, bông khá chắc và đồng đều. Dự kiến, huyện Cẩm Xuyên sẽ thu hoạch vụ hè thu đồng loạt từ ngày 2 - 10/9.

Với sức lan tỏa lớn từ tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 06), vụ hè thu năm 2023, bà con nông dân tiếp tục đầu tư sản xuất, đồng nhất về giống, thời vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng nhằm hướng đến nền sản xuất hàng hóa.

Đến nay, tổng diện tích phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn và tập trung, tích tụ ruộng đất toàn tỉnh đạt 10.669,63 ha. Trong đó, huyện Cẩm Xuyên 2.849,6 ha, Thạch Hà 2.132,3 ha, Kỳ Anh 688,6 ha, Lộc Hà 538,5 ha…

Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm lúa hè thu

Những cánh đồng lớn, đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, giao thông giúp xã Thạch Trị (Thạch Hà) thu hoạch nhanh diện tích vụ hè thu.

Những cánh đồng lớn, đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, giao thông đang làm bức tranh nông thôn mới ở Thạch Hà vào ngày mùa thêm phần trù phú. Anh Trần Văn Vĩnh (thôn Bình Dương, xã Thạch Hội) chia vui: “Với cuộc “cách mạng lớn”, hệ thống đường sá, kênh mương nội đồng đã được chỉnh trang lại hoàn toàn, vùng này trước đây chỉ làm được vụ xuân thì nay có thể gieo cấy cả vụ hè thu nữa, bà con rất phấn khởi. Cánh đồng tập trung nên việc sản xuất cũng trở nên dễ dàng, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn”.

Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm lúa hè thu

Thương lái thu mua lúa ngay tận chân ruộng ở huyện Can Lộc.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu 2023, toàn tỉnh gieo cấy trên diện tích 44.700 ha. Với sự chủ động trong công tác sản xuất, bố trí thời vụ, cơ cấu giống ngắn ngày (dưới 110 ngày), điều tiết nước phù hợp, cây lúa sinh trưởng tốt, trổ bông thuận lợi. Diện tích thu hoạch toàn tỉnh đến nay đạt hơn 1.200 ha, năng suất ước đạt trên 50,28 tạ/ha (xấp xỉ so với vụ hè thu năm 2022) và phấn đấu thu hoạch kết thúc trước ngày 15/9 tới.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.
Trồng nấm, làm giàu ở huyện Kỳ Anh

Trồng nấm, làm giàu ở huyện Kỳ Anh

Với quy trình khép kín, trang bị máy móc hiện đại, mô hình trồng nấm đem về cho gia đình chị Bùi Thị Anh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
“Giữ lửa” nông thôn mới ở những địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính

“Giữ lửa” nông thôn mới ở những địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính

Bức tranh nông thôn mới ở Thạch Hà sẽ có những thay đổi khi tới đây có 11 xã sẽ nhập vào TP Hà Tĩnh, đồng thời huyện có thêm 11 xã, thị trấn chuyển về từ huyện Lộc Hà. Các địa phương về thành phố sẽ khai thác tiềm năng, đón đầu cơ hội xây dựng NTM, đô thị văn minh; còn các xã của huyện Thạch Hà tiếp tục “giữ lửa” thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao.
Anh nông dân đầu tư tiền tỷ làm nông nghiệp hàng hóa

Thủ lĩnh cơ giới hóa nông nghiệp ở thành phố Hà Tĩnh

Người ta vẫn gọi đùa anh Nguyễn Bằng Tấn (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) là "gã liều”, thậm chí là "gã gàn” khi hết lần này đến lần khác “vác” tiền nhà mua máy móc để sản xuất nông nghiệp. Nhưng, sự liều lĩnh ấy hoàn toàn không hề vô định mà bên trong người nông dân “chân lấm tay bùn” là một tư duy đột phá, sự quyết liệt trong cách làm để phát triển nông nghiệp hiện đại.
Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Thời điểm cuối năm này, các địa phương ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các tiêu chí NTM gắn với chỉnh trang cảnh quan xóm làng đón tết.