Xã Ích Hậu “tăng bo” thêm 1 máy gặt đập từ địa phương khác đến hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch lúa xuân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp, từ chiều ngày 23 - 24/5, toàn tỉnh có thể xảy ra mưa kèm dông, lốc. Sau đó, từ ngày 24 - 29/5, thời tiết chuyển mát, ít nắng, có những ngày có mưa to, lượng mưa phổ biến 20 - 40mm.
Diễn biến thời tiết dự báo sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến độ thu hoạch vụ xuân, vì thế, bà con nông đang hối hả ra đồng “mang lúa về nhà”.
Ngay từ chiều ngày 22/5, xã Ích Hậu (Lộc Hà) đã “tăng bo” thêm 1 máy gặt đập từ địa phương khác đến hỗ trợ bà con gặt nhanh số diện tích lúa còn lại. Anh Hoàng Văn Minh (thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu) cho biết: “Sợ mưa lớn kèm dông, lốc khiến lúa đổ, ngã nên tôi phải tranh thủ thu hoạch gần 4 sào lúa đã chín rộ của gia đình. Rất may là xã đã huy động thêm máy nên tiến độ nhanh hơn. Cả nhà đều tập trung ra đồng để đón máy và nhanh chóng vận chuyển lúa về nhà trau phơi”.
Được biết, huyện Lộc Hà đang linh hoạt điều chuyển máy gặt đập liên hợp để gặt “gọn” diện tích lúa còn trên đồng, một số xã vùng giáp ranh đã chủ động liên hệ với các chủ máy ở huyện Can Lộc để thuê bổ sung về cho các thôn; phấn đấu đến chiều tối ngày 23/5 thu hoạch trên 70% diện tích (2.200 ha) lúa xuân toàn huyện.
Máy gặt tập trung hỗ trợ nông dân Cẩm Xuyên nhằm “né” đợt mưa sắp đến.
Là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất của tỉnh (trên 9.500 ha), thời vụ tập trung nên huyện Cẩm Xuyên đang động viên hơn 240 máy gặt tập trung hỗ trợ người dân nhằm “né” đợt mưa sắp đến. Dưới ruộng máy gặt hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm; trên các tuyến đường bê tông nội đồng, người dân kéo xe tải, xe ba gác… chờ bốc xếp, chở lúa đến các điểm bán cho thương lái hoặc đưa về nhà.
Người dân huy động xe tải để vận chuyển lúa.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho biết: “Huy động nhân lực, máy móc tập trung trong 1 ngày, huyện có thể thu hoạch được trên 1.000 ha. Máy gặt đập liên hợp được bố trí bài bản, gặt cuốn chiếu theo từng đồng và thông báo cụ thể để bà con chủ động thu hoạch nhằm đạt hiệu quả cao nhất ”.
Anh Phạm Văn Thịnh - chủ máy gặt tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Thời tiết nắng nóng, chúng tôi phải bổ sung thêm 2 người vào đội để đổi ca lái máy và bốc lúa xuống cho bà con. Anh em tiến hành gặt cả ngày lẫn đêm, tăng thời gian chạy máy, cố gắng xong được càng nhiều diện tích càng tốt vì nếu mưa xuống máy gặt cũng khó hoạt động, tốn thêm chi phí”.
Các chủ máy gặt tăng cường thu hoạch vào ban đêm để đẩy nhanh tiến độ.
Không khí thu hoạch khẩn trương cũng đang hiện hữu khắp huyện Thạch Hà, nhất là tại các địa phương có diện tích gieo cấy lớn như: Lưu Vĩnh Sơn, Tân Lâm Hương, Việt Tiến, Thạch Xuân…
Ông Trần Bá Hoành cho biết: “Ngoài máy của người dân tại địa phương, trên địa bàn xã còn có khoảng 10 máy đến từ các tỉnh khác góp phần đẩy nhanh tiến độ. Xã đã làm việc với các chủ máy về đăng ký lưu trú, thống nhất mức giá 130.000 - 150.000 đồng/sào, phân bố khu vực gặt và cam kết không tự ý nâng giá. Chúng tôi sẽ tập trung thu hoạch được trên 85% diện tích trong chiều ngày 23/5”.
Nông dân xã Quang Lộc (Can Lộc) dọn dẹp đồng ruộng trước khi mưa đến.
Cùng với việc đẩy nhanh thu hoạch, bà con nông dân cũng tranh thủ chở lúa về, dọn dẹp rơm rạ. Anh Trần Văn Hạnh (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: “Gia đình cơ bản đã thu gọn xong diện tích lúa nên phải sớm gom lại rơm, cắt gốc rạ để khi mưa xuống không bị ngâm ướt, khó khăn cho công tác vệ sinh đồng ruộng cho vụ hè thu tới".
Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 35.000 ha lúa xuân (đạt hơn 59% tổng diện tích và tăng hơn 8.000 ha so với sáng ngày 22/5).
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải vừa ký công điện về việc đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân, triển khai sản xuất vụ hè thu 2023. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng NN&PTNT/phòng kinh tế, UBND các xã, phường, thị trấn huy động tối đa máy gặt đập để thu hoạch nhanh gọn lúa xuân, với phương châm “lúa chín đến đâu thì thu hoạch nhanh gọn đến đó”, phấn đấu thu hoạch lúa vụ xuân xong trước ngày 28/5/2023. |