Nông dân Hà Tĩnh ứng biến với mùa đông ấm

(Baohatinh.vn) - Trái đất ấm dần lên và biểu hiện rõ rệt nhất trong sự thay đổi tiết khí của mùa đông. Nông dân Hà Tĩnh, với khả năng linh hoạt và sáng tạo cũng đã có những thay đổi trong tập quán sản xuất để nương mình ứng biến theo khí hậu, chờ đợi những mùa vàng bội thu…

Nông dân Hà Tĩnh ứng biến với mùa đông ấm

Thời tiết ấm khiến hoa đào nở sớm nếu người dân vẫn chăm sóc theo cách cũ

Trồng đào phục vụ tết là nghề có truyền thống gần 20 năm nay của nông dân thôn Bàu Am (xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà). Với hơn 150 hộ trồng đào, mỗi năm, thôn Bàu Am bán ra thị trường tết trong và ngoài tỉnh hàng chục nghìn gốc. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây đã có thời điểm, người trồng đào nơi đây rơi vào cảnh chưa đến tết mà hoa đã nở. Lý do, thời tiết thay đổi mà người trồng thì vẫn giữ thói quen tuốt lá sớm như cách truyền thống.

Anh Đậu Văn Sơn (47 tuổi) - người có kinh nghiệm 15 năm trồng đào ở thôn Bàu Am cho biết: “Do không để ý thời tiết, cứ tuốt lá theo lịch định sẵn, ở làng tôi, năm trước, nhiều người như ngồi trên đống lửa, chỉ vì mới 15-20 tết mà đào đã trổ hoa rực rỡ cả khu vườn. Lúc đó nhìn vườn đào thì mát mắt thật, nhưng xem như công sức cả năm trời chăm sóc đều đổ xuống sông, xuống biển”.

Nông dân Hà Tĩnh ứng biến với mùa đông ấm

Anh Đậu Văn Sơn (47 tuổi) - thôn Bàu Am (Thạch Vĩnh, Thạch Hà) có vườn đào hơn 200 gốc, phục vụ cho tết Canh Tý sắp đến.

Theo anh Sơn, cách chăm sóc truyền thống trước đây, cứ trước tết khoảng 60 ngày, nông dân trồng đào bắt đầu công đoạn tuốt lá. Nghĩa là họ áng chừng trong gần 2 tháng cận tết này sẽ có rất nhiều đợt không khí lạnh. Vì vậy, thời gian dài như thế mới đủ đảm bảo để đào ủ và khai nụ đúng dịp từ 25 đến 30 tháng chạp. Tuy nhiên, mùa đông ngày càng ít đợt rét, nhiệt độ khá ấm và độ ẩm cao đã thúc đẩy quá trình phát triển của đào sau tuốt lá nhanh hơn. Và đào thường nở sớm hơn dự kiến. Năm nay gia đình anh đang tập trung áp dụng các biện pháp chăm sóc hơn 200 gốc đào để bán trong dịp tết.

Trải qua 1 vài vụ thất bại, nhiều người trồng đào ở thôn Bàu Am đã biết quan sát thời tiết để có các kinh nghiệm và kỹ năng như: Rút ngắn quãng thời gian tuốt lá, tìm cách “hãm” đào… để làm chậm quá trình phát triển của nụ và lộc. Nhờ biết “đon” theo sự biến đổi thất thường của thời tiết, người trồng đào ở thôn Bàu Am đã tạo cho vườn đào của mình ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.

Nông dân Hà Tĩnh ứng biến với mùa đông ấm

Người dân trồng đào làng Bàu Am (xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà) “đon” thời tiết tuốt lá để đào khai hoa đúng dịp tết

Ông Lê Viết Quế - chủ vườn đào gần 200 gốc ở thôn Bàu Am cho biết: “Đối với thời tiết ít lạnh như vài năm nay, chúng tôi rút ngắn thời gian tuốt lá xuống chỉ còn 40 - 45 ngày so với ngày lập xuân. Ví dụ năm nay, lập xuân sẽ là ngày 11 tháng giêng thì từ ngày 25/11 âm lịch, chúng tôi mới bắt đầu tuốt lá. Còn nếu thời tiết sắp tới ấm hơn nữa thì chúng tôi sẽ hãm đào bằng cách thắt gốc để làm chậm quá trình trao đổi chất giữa cây với môi trường…”.

Sự biến đổi của khí hậu cũng đã ảnh hưởng rõ rệt đến việc trồng lúa - cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong tỉnh. Việc mùa đông ấm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa, khiến lịch thời vụ và việc lựa chọn giống thay đổi.

Nông dân Hà Tĩnh ứng biến với mùa đông ấm

Ông Trần Văn Biềng (thôn Đông Hà, Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) tuân thủ đúng lịch thời vụ để có vụ sản xuất thắng lợi

Ông Trần Văn Biềng, 57 tuổi, thôn Đông Hà (xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) cho biết: “Khoảng 7-8 năm trước, thời tiết vụ đông xuân thay đổi nhưng chúng tôi chưa quen nên vẫn gieo cấy giống cũ như IR1820 sinh trưởng dài ngày. Điều đó khiến nhiều mảnh ruộng bỏ lỡ vụ hè thu. Khi nhận ra hạn chế đó, chúng tôi đã kịp thời tuân thủ chặt chẽ chủ trương của ngành nông nghiệp trong việc thay đổi lịch thời vụ và cơ cấu giống mới”.

Nhờ canh tác giống mới, điều chỉnh thời gian hợp lý… người trồng lúa Hà Tĩnh không chỉ bỏ qua được nhiều công đoạn vất vả mà còn ứng biến hiệu quả với sự thay đổi của khí hậu, nâng cao năng suất lúa. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thời gian gieo cấy đúng lịch thời vụ giúp nông dân cân đối được khoảng nghỉ giữa vụ đông xuân và vụ hè thu hợp lý.

Nông dân Hà Tĩnh ứng biến với mùa đông ấm

Nông dân xã Phù Lưu (Lộc Hà) phủ ni-lông cho mạ xuân nhằm ứng phó với thời tiết và phòng ngừa chuột, côn trùng gây hại

Không chỉ trồng đào, sản xuất lúa… thời tiết thay đổi cũng khiến người trồng chè ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà) có những thay đổi để giúp cây chè phát triển tốt. Trước đây, những tháng cận tết, trời giá buốt, các hộ trồng chè đều phải cắt thực bì và cây tạp… để tủ ấm cho gốc. Gần đây, khi thời tiết ấm dần lên, tập quán đó đã được thay đổi, thay vì tủ ấm gốc chè, họ làm cỏ khơi thoáng quanh gốc và bón phân để cây chè phát triển tốt, nhanh đâm chồi…

Thời tiết thiên về xu hướng ấm ngay cả trong mùa đông đã khiến côn trùng và các động vật gây hại cho mùa màng như chuột sinh sôi. Vì vậy, bên cạnh các phương pháp diệt chuột, diệt sâu bằng thuốc hóa học…, nhiều nông dân tự mình nghĩ ra cách riêng để không chỉ ngăn ngừa sự phá hại mà còn đảm bảo môi trường sạch, sản phẩm làm ra an toàn. Như mắc màn cho cây cam tránh côn trùng ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… hay dùng ni-lông để bao quanh ruộng mạ, tránh chuột phá hại ở các vùng trồng lúa.

Nông dân Hà Tĩnh ứng biến với mùa đông ấm

Nông dân xã Lộc Yên (Hương Khê) triển khai vụ lạc xuân 2020.

Ứng biến theo khí hậu để thay đổi những tập quán sản xuất truyền thống không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, người nông dân Hà Tĩnh rất thức thời và nhạy bén. Ở mỗi lĩnh vực, họ đều tự tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm để rút ra được những bài học quý giá. Từ đó, dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.