Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

(Baohatinh.vn) - Với quỹ đất cát pha lớn, nguồn nhân lực dồi dào, nhiều kinh nghiệm làm rau màu, được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất... nên nông dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất các loại rau, củ, quả.

Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Dưa chuột trồng trong nhà lưới ở xã Hồng Lộc cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng.

Mấy ngày nay, ông Mai Trọng Thơi (73 tuổi, ở thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc) ra vườn chuẩn bị các công đoạn để trồng rau cải mầm, rau khoai, đậu bắp, hành, bầu, bí và các loại rau thơm.

Do đặc thù thời tiết nên lứa rau vụ đông này sẽ được gia đình ông Thơi chăm sóc cẩn thận. Gia đình ông chú ý tạo độ ẩm phù hợp cho đất trước khi xuống giống, bỏ nhiều phân chuồng, lên luống cao chống ngập úng, sử dụng rơm rạ tấp luống chống xói mòn, khơi thông các rãnh thoát nước đề phòng mưa lớn, sử dụng các loại giống có chất lượng...

Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Ông Mai Trọng Thơi (xã Hồng Lộc) tranh thủ làm đất để xuống giống rau, củ vụ đông.

Ông Mai Trọng Thơi cho hay: “Chúng tôi tuổi già sức yếu nên lấy việc chăm sóc khu vườn 600 m2 vừa làm niềm vui vừa tăng thu nhập. Được chăm sóc cẩn thận, có hệ thống tưới tiêu đầy đủ, sản xuất theo phương thức mùa nào thứ nấy nên khu vườn mẫu có sản phẩm quanh năm, đủ rau sạch để dùng và bán được khoảng 35 triệu đồng/năm, đủ để chi tiêu tuổi già”.

Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Đợt này, chị Nguyễn Thu Hằng ở xã Phù Lưu có thu nhập 250 nghìn đồng/ngày từ vườn rau thơm, tía tô, hẹ, rau muống, cải mầm.

Cũng như gia đình ông Thơi, 703 hộ làm vườn mẫu ở Lộc Hà (302 vườn đã đạt chuẩn) cũng lấy sản xuất rau, củ, quả làm chủ đạo trong phát triển kinh tế vườn. Tùy từng khu vực, từng chất đất, từng mùa vụ mà người nông dân trồng các loại rau, củ, quả khác nhau (chủ yếu là các loại rau cải, rau thơm, dưa chuột, dưa hấu, dưa lê, dưa lưới, ớt cay...) để đảm bảo năng suất và hiệu quả tốt.

Nổi bật nhất là các khu vườn hộ của ông Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Đức Tiện (xã Phù Lưu); Hoàng Văn Hồng, Nguyễn Đức Tú (xã Thịnh Lộc); Lê Doãn Trường, Lê Thị Hoa (xã Mai Phụ)...

Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Vườn dưa xanh mướt trồng trong nhà màng của hộ anh Mai Đình Phong (xã Hồng Lộc).

Hiện nay, ngoài các khu vườn hộ thì trên địa bàn còn có hàng nghìn nông hộ trồng rau quy mô từ 0,5 - 1,5 sào/vụ (với tổng diện tích khoảng 300 ha) ở các vùng đất màu và 9 mô hình nhà màng chuyên sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao.

Do vốn đầu tư không nhiều, ngày công lao động nhàn rỗi nhiều, nguồn phân bón hữu cơ sẵn có nên mỗi năm có thể thu được từ 25 - 40 triệu đồng/vườn mẫu, khoảng 8 - 15 triệu đồng/vườn bình thường, 40 - 45 triệu đồng/sào ruộng màu. Đối với các nhà màng, do được đầu tư hiện đại nên mang về nguồn lợi nhuận từ 120 - 250 triệu đồng/năm/mô hình.

Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Vườn rau xanh mướt của ông Lê Doãn Trường (xã Mai Phụ).

Để phát triển sản xuất rau, củ, quả quy mô nhỏ trong vườn hộ, huyện Lộc Hà đã có cơ chế hỗ trợ xây dựng vườn mẫu với mức từ 5 - 20 triệu đồng/vườn (tùy từng thời điểm, rộng từ 600 - 1.200 m2/vườn). Đối với sản xuất chuyên sâu, theo hướng hàng hóa thì huyện có cơ chế hỗ trợ làm nhà màng với mức 150 nghìn đồng/m2; đến thời điểm này, đã hỗ trợ 800 triệu đồng cho 7/9 hộ làm nhà màng (diện tích từ 500 - 1.000 m2).

Ngoài ra, ngành nông nghiệp, các tổ chức đoàn thể, địa phương cũng thường xuyên phối hợp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau màu gắn với tập huấn làm vườn mẫu, phát triển sinh kế.

Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Chị Ngô Thị Hoa ở thôn Bằng Châu (xã Thạch Châu) điều chỉnh hệ thống tưới tự động cho vườn ớt chuông trồng trong nhà lưới.

Hiện nay, các xã có nhiều lợi thế và có diện tích sản xuất các loại rau, củ, quả lớn ở huyện Lộc Hà là Bình An, Thịnh Lộc, Phù Lưu, Mai Phụ, Hồng Lộc, Thạch Châu và thị trấn Lộc Hà... Các loại rau màu được làm quanh năm, không chỉ có ở vườn hộ mà còn ở khắp các vùng đồng cao ráo. Riêng vụ đông được xem là khó khăn nhất nhưng năm nay, toàn huyện vẫn có kế hoạch làm 242 ha rau, củ, quả các loại, phấn đấu đạt năng suất 74,1 tạ/ha và có sản lượng 1.793 tấn.

Sản phẩm rau màu ở Lộc Hà được chia làm 3 nhóm chính là rau lấy thân lá (cải lấy lá các loại, bắp cải, súp lơ, hẹ, các loại rau thơm…) ở các vùng chuyên canh, vườn hộ và trồng xen trên khoai lang đông; nhóm rau lấy củ (củ cải, hành, kiệu, cà rốt...) ở những vùng đất cao, thoát nước tốt; nhóm quả (cà chua, đậu cove, đậu đũa, bí đỏ, bí xanh, cà dừa, ớt…) chủ yếu ở các vùng chuyên canh, trong các nhà màng.

Nông dân Lộc Hà đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Được huyện hỗ trợ 150 nghìn đồng/m2 nhà lưới nên nhiều nông dân ở Thạch Châu đã mạnh dạn đầu tư để sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp, giải pháp, kế hoạch sản xuất để duy trì diện tích trồng các loại rau, củ, quả 600 - 650 ha. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất màu và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, nhất là vào các thời điểm nông nhàn và các lao động lớn tuổi.

Thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu truyền thống theo nhu cầu thị trường gắn với khuyến khích đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ KHKT, xây dựng nhà màng, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng cây trên giá thể để làm các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, dưa hấu, dưa lê, súp lơ, bí xanh, hoa… theo hướng chuyên canh, an toàn sinh học”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.