Cây mai giống xã phía Nam Hà Tĩnh “cháy hàng”

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ sản xuất cây mai giống tại xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã phải từ chối nhiều đơn hàng số lượng lớn do nguồn cung không đủ đáp ứng.

Video: Ông Nguyễn Kim Nam chia sẻ về việc "cháy hàng" cây hoa mai giống tại Kỳ Nam.

Những ngày đầu tháng 3, tại các thôn Tân Tiến, Tân Thành, Quý Huệ (xã Kỳ Nam) - vùng ươm cây giống hoa mai tập trung lớn nhất trên địa bàn xã, khách đến mua hàng tấp nập. Thời điểm này đang vào mùa trồng cây mai tốt nhất.

Cây mai giống xã phía Nam Hà Tĩnh “cháy hàng”

Giống hoa mai Kỳ Nam năm nay có giá cao, dao động từ 20 - 25.000 đồng/cây nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Gia đình ông Nguyễn Kim Nam (thôn Tân Tiến) chia sẻ: “Gia đình tôi năm nay ươm được 4 vạn cây giống hoa mai nhưng từ ra tết đến nay đã được mua phần lớn, chỉ còn lại khoảng 1.500 cây đã được khách hàng đã đặt cọc. Nhiều khách tới hỏi mua nhưng gia đình không còn cây giống để bán. Hiện, tôi đang cải tạo 1ha đất trang trại để tiếp tục mở rộng diện tích ươm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thời gian tới”.

Cây mai giống xã phía Nam Hà Tĩnh “cháy hàng”

Ông Nguyễn Kim Nam lựa chọn hạt giống ươm từ các cây mai mẹ trong vườn.

Đang tỉ mẩn chăm sóc cây giống trong vườn ươm, bà Cao Thị Nhuần - thôn Tân Thành cho biết: "Mỗi năm, tối đa mỗi nhà vườn chỉ ươm được 2 vụ cây giống, cây ươm 5-6 tháng mới có thể xuất bán. Đợt này, khách trong và ngoài tỉnh đến tìm mua nhiều nên số lượng cây giống không đủ cung ứng thị trường”.

Cây mai giống xã phía Nam Hà Tĩnh “cháy hàng”

Bà Cao Thị Nhuần (thôn Tân Thành) kiểm tra số cây giống hoa mai còn lại trong vườn để chuẩn bị giao cho khách hàng đã đặt trước đó.

Cùng chung niềm vui được giá cây giống đầu năm, bà Nguyễn Thị Bình - thôn Tân Tiến vui vẻ cho hay: “Vừa qua gia đình tôi bán được khoảng gần 1 vạn cây giống với giá thời điểm hiện tại từ 20 - 25.000 đồng/cây (những năm trước, giá cây con bán ra thị trường chỉ từ 10-15.000 đồng/cây), sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu lãi được hơn 70 triệu đồng. Hầu hết những nhà ươm cây mai giống trong xã đều đắt hàng nên bà con phấn khởi lắm”.

Video: Bà Cao Thị Nhuần chia sẻ lý do cây giống hoa mai Kỳ Nam "hút" khách ở trong và ngoại tỉnh.

Lý giải nguyên nhân cây giống hoa mai Kỳ Nam được khách hàng ưa chuộng, nhiều hộ dân cho rằng cây mai nơi đây nổi tiếng với chất lượng hoa đẹp, hoa vàng 5 cánh lâu tàn; cây giống dễ trồng, đặc biệt, giống hoa mai Kỳ Nam thích nghi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Để ươm được những lứa cây giống chất lượng tốt, các nhà vườn cũng “bật mí” khâu then chốt là phải lấy hạt làm giống từ các cây mai mẹ có rất nhiều điểm mạnh nhất trong vườn như: sinh trưởng tốt, ít sâu hại, nhiều hoa và nở hoa lớn, màu sắc tươi đẹp. Hạt mai được chọn làm giống phải là hạt đã chuyển từ màu xanh lá sang màu đen sẫm (hạt già), không bị sâu bệnh.

Cây mai giống xã phía Nam Hà Tĩnh “cháy hàng”

Các hạt giống hoa mai được chọn ươm phải lấy từ các cây mai mẹ sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhiều hoa và nở hoa lớn, màu sắc tươi đẹp.

Nghề ươm cây giống hoa mai hình thành ở Kỳ Nam hơn 10 năm qua, ban đầu số hộ gia đình làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng một vài năm trở lại đây đã tăng lên nhanh chóng.

Thôn Tân Thành, Tân Tiến, Quý Huệ trở thành vùng ươm giống hoa mai nhiều nhất xã Kỳ Nam. Nhiều gia đình đã khá giả từ nghề này.

Cây mai giống xã phía Nam Hà Tĩnh “cháy hàng”

Chị Nguyễn Thị Bình chăm sóc cây mai mẹ để chuẩn bị cho đợt ươm giống tiếp theo.

Nghề trồng mai đã giúp bà con nông dân Kỳ Nam chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần tạo cảnh quan cho vùng quê nông thôn mới dưới chân Đèo Ngang.

Xã có khoảng gần 20 hộ có vườn ươm cây giống hoa mai, tập trung ở 3 thôn: Tân Tiến, Tân Thành và Quý Huệ. Mỗi năm Kỳ Nam xuất ra thị trường khoảng hơn 60 vạn cây, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển mô hình trồng mai, giúp bà con chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Bùi Văn Chuổng

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast