Đồng loạt tiêu độc, khử trùng ngăn dịch tả lợn châu Phi

(Baohatinh.vn) - Trong tháng 12, Hà Tĩnh sẽ triển khai đồng loạt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch tả lợn châu Phi, vùng nguy cơ cao...

Đồng loạt tiêu độc, khử trùng ngăn dịch tả lợn châu Phi

Người dân xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) khử trùng chuồng trại.

Tháng 11, dịch tả lợn châu Phi tái phát tại Hà Tĩnh với ổ dịch đầu tiên ở huyện Nghi Xuân. Đến nay, bệnh đã xảy ra tại 39 hộ chăn nuôi của 18 thôn tại các xã: Cẩm Dương, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); Lâm Trung Thủy (Đức Thọ); Xuân Phổ (Nghi Xuân); Tân Lâm Hương, Thạch Ngọc (Thạch Hà) và các phường Trung Lương, Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) khiến 163 con lợn ốm chết, buộc phải tiêu huỷ, tổng khối lượng là 12.483 kg.

Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) thông tin, dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn... Dự báo thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có diễn biến phức tạp. Tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đang có chiều hướng gia tăng.

Tại Hà Tĩnh, các đợt mưa lớn kéo dài vừa qua khiến nhiều khu vực chăn nuôi, chuồng trại bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tăng đàn phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán; hoạt động mua bán, vận chuyển gia tăng... Trong khi vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và khó kiểm soát; bệnh chưa có thuốc đặc trị.

Để ứng phó với dịch bệnh, ngành NN&PTNT đang tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và thực hiện việc tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các trục giao thông chính, thức ăn, trang thiết bị chăn nuôi. Các địa phương tiến hành lập hội đồng xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, đảm bảo chính xác về số lượng, khối lượng tiêu huỷ, hồ sơ, thủ tục theo quy định; xử lý các hố chôn lợn bệnh và vùng xung quanh để không phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra môi trường.

Đồng loạt tiêu độc, khử trùng ngăn dịch tả lợn châu Phi

Các phương tiện ra, vào vùng dịch tả lợn châu Phi được thực hiện khử trùng.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho hay, khi phát hiện dịch bệnh, huyện đã chỉ đạo các địa phương (xã Tân Lâm Hương và Thạch Ngọc) triển khai công tác tiêu hủy theo quy định; tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại; lập chốt canh gác và khử trùng các phương tiện giao thông ra, vào vùng có dịch. Đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Qua kiểm tra thực tế tại các hộ chăn nuôi vùng dịch cho thấy người dân có tuân thủ và chủ động thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Thọ cho biết: Sở đã chỉ đạo các địa phương triển khai đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật.... đồng loạt trong tháng 12/2023. Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng loạt tiêu độc, khử trùng ngăn dịch tả lợn châu Phi

Lãnh đạo ngành NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

"Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và khu vực liên quan đảm bảo yêu cầu, tần suất; giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Công tác kiểm soát dịch bệnh được triển khai quyết liệt, đồng bộ tuy nhiên không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là việc tiêu thụ đàn lợn thương phẩm của người dân" – ông Nguyễn Quang Thọ cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.