HTX trẻ ở Hà Tĩnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho phụ nữ

(Baohatinh.vn) - Với ý tưởng biến những sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa có giá trị, HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã tiêu thụ lượng lớn nguyên liệu cho nông dân và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương.

HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương có trụ sở tại tổ dân phố Hầu Đền - phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh), được thành lập ngày 8/6/2021 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, vốn lưu động 4,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Quang Hồng - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương chia sẻ: "Từ thực trạng nhiều sản phẩm nông nghiệp địa phương như: sả, cam, chanh, bưởi, ổi, bạch đàn… gặp khó khăn trong tiêu thụ, tôi đã cùng 6 thành viên của HTX bắt tay vào đầu tư dây chuyền sản xuất các dòng sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược với nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có trên địa bàn”.

HTX trẻ ở Hà Tĩnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho phụ nữ

HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương đầu tư 500 triệu đồng mua hệ thống máy chiết xuất các sản phẩm từ thảo dược.

Tháng 6/2021, HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương quyết định đầu tư trên 500 triệu đồng để mua hệ thống máy chiết xuất, gồm: nồi chưng cất tinh dầu, nồi nấu cốt, nồi cô đặc… để sản xuất các sản phẩm tinh dầu.

Qua hàng chục lần thử nghiệm, đến tháng 7/2021, HTX đã sản xuất thành công các dòng sản phẩm: tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu sát khuẩn, nước lau sàn thảo dược, nước rửa chén thảo dược, dầu gội đầu thảo dược, nước giặt thảo dược... mang thương hiệu Golden. Ưu điểm nổi bật của các sản phẩm là hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để được thị trường và người tiêu dùng tiếp nhận, HTX đã thực hiện các thủ tục đăng ký kiểm định chất lượng cho các sản phẩm. Đến nay, tinh dầu khuynh diệp, nước rửa chén thảo dược, tinh dầu sát khuẩn... đã được Trung tâm Kiểm nghiệm TSL thuộc Công ty TNHH Khoa học TSL (TP Hồ Chí Minh) kiểm nghiệm; nước giặt thảo dược do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) kiểm nghiệm.

Các sản phẩm đều thuộc sự quản lý của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh). Riêng Rượu Golden Rice 1980 thuộc nhóm sản phẩm tự công bố do Sở Công thương Hà Tĩnh quản lý. Hiện nay, sản phẩm này đang được xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

HTX trẻ ở Hà Tĩnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho phụ nữ

Các sản phẩm mang thương hiệu Golden được đánh giá an toàn, thân thiện với môi trường.

Từ tháng 9 đến nay, HTX đã “tung” ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm các loại, trị giá gần 1 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị cũng đã tiêu thụ hàng trăm tấn nguyên liệu cho nông dân với giá 5 triệu đồng/tấn sả, 3,5 triệu đồng/tấn chanh và 2 triệu đồng/tấn các loại lá.

Bà Phan Thị Tuyết - Giám đốc HTX Sản xuất, thu mua, chế biến nông sản Vũ Quang phấn khởi: “HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương bao tiêu chanh quả cao hơn giá thị trường 500.000 đồng/tấn nên bà con rất phấn khởi. Đầu ra ổn định, chúng tôi tập trung đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất chanh, đồng thời mở rộng diện tích trồng sả và các loại cây thảo dược để cung cấp nguyên liệu lâu dài cho HTX”.

HTX trẻ ở Hà Tĩnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho phụ nữ

Chị Kiều Thị Thu Hiền (người bên ngoài) vui mừng vì được làm việc tại HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương.

Ngoài ra, HTX cũng tiêu thụ trên 60 tấn lúa nếp/năm cho HTX Nông nghiệp Quỳnh Lương (ở phường Trung Lương) với mức giá ổn định khoảng 11.000 đồng/kg; tiếp nhận hội viên các cấp hội phụ nữ vào làm việc.

Bà Nguyễn Thị Thắm - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh phấn khởi: “HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương đã tạo điều kiện cho hơn 40 lao động là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc với mức lương từ 4 triệu đồng trở lên/người/tháng. Chúng tôi đã phối hợp thành lập 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại phường Nam Hồng và Đức Thuận. Qua một thời gian sử dụng, hội viên và nhiều người tiêu dùng tỏ ra hài lòng với các sản phẩm vì có nguồn gốc thảo dược, chất lượng, an toàn mà giá lại mềm. Hiện nay, HTX đang làm thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh, không chỉ tạo điều kiện cho đơn vị phát triển bền vững mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho hội viên phụ nữ”.

Chị Kiều Thị Thu Hiền (xã Thuận Lộc, TX Hồng Lĩnh) vui mừng: “Từ khi HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương đi vào hoạt động, bản thân tôi đã có việc làm ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng”.

HTX trẻ ở Hà Tĩnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho phụ nữ

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Ngọc Hùng (thứ hai từ bên trái) tham quan cửa hàng trưng bày sản phẩm tại phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh.

Ông Phạm Quang Hồng - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương chia sẻ thêm: “Chúng tôi đang lên kế hoạch để hình thành chuỗi liên kết trồng thảo dược ở những vùng đất bỏ hoang; liên kết với Hội Nông dân TX Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ triển khai mô hình sản xuất lúa nếp. Từ đây, HTX sẽ chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, người nông dân cũng có thể vận dụng, khai thác tối đa tiềm năng đất đai mà không lo về đầu ra sản phẩm”.

Bên cạnh lĩnh vực chế biến sản phẩm thảo dược, HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng trang trại tổng hợp trên diện tích 10 ha, quy mô 100 con trâu, bò thịt; 200 con dê và hàng nghìn con gà, lợn; trồng hàng nghìn cây bưởi da xanh, ổi, mít, cam, chanh... nhằm đa dạng hóa kênh đầu tư và cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường.

HTX trẻ ở Hà Tĩnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho phụ nữ

HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết: “HTX Dịch vụ tổng hợp Minh Lương đã năng động, sáng tạo trong xây dựng, điều hành phương án sản xuất kinh doanh, nhanh nhạy tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Điều đặc biệt là đơn vị đã liên danh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các cấp hội phụ nữ, hội nông dân, tạo thu nhập và việc làm cho người dân. Thời gian tới, HTX cần đổi mới tư duy, cách thức tổ chức sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa HTX phát triển bền vững”.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast