Ngành chuyên môn khuyến cáo gì sau 2 “tai nạn” tại các trang trại nuôi gà ở Hà Tĩnh?

(Baohatinh.vn) - Chỉ trong vòng 1 tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra 2 sự cố tại các trang trại chăn nuôi khép kín, làm chết 18.000 con gà. Nguyên nhân được xác định là do gặp sự cố về điện, hệ thống quạt gió không hoạt động khiến gà bị sốc nhiệt rồi chết.

2 sự cố về điện gây thiệt hại lớn

Vào lúc 23h30 ngày 7/8/2023, trang trại chăn nuôi gà khép kín quy mô lớn của gia đình anh Phan Văn Xuân (SN 1978, trú tại thôn 3, xã Phúc Đồng, Hương Khê) xảy ra sự cố. Hệ thống điện 3 pha cung cấp cho quạt làm mát bị mất 1 pha dẫn đến nhảy aptomat, toàn bộ 9 quạt trong chuồng nuôi ngừng hoạt động. Hậu quả là hơn 10.000 con gà (trọng lượng 2,7 - 3,2 kg/con) bị chết.

Ngành chuyên môn khuyến cáo gì sau 2 “tai nạn” tại các trang trại nuôi gà ở Hà Tĩnh?

Trang trại của gia đình anh Phan Văn Xuân có hệ thống điện mặt trời áp mái nhà và trạm biến áp chuyên dùng.

Anh Phan Văn Xuân xót xa: “Điều đáng tiếc là thời điểm đó, chỉ hệ thống quạt gió gặp sự cố còn hệ thống bóng đèn chiếu sáng vẫn hoạt động bình thường nên công nhân không phát hiện được. Từ khi xảy ra sự cố đến khi công nhân phát hiện kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau đó, chúng tôi bật aptomat trở lại nên khoảng 3.000 con gà trong chuồng vẫn sống sót. Toàn bộ số gà bị chết đã đến kỳ xuất chuồng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp liên kết, thiệt hại ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng”.

Được biết, trang trại của anh Phan Văn Xuân liên kết sản xuất với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Trang trại có nguồn điện đảm bảo, hệ thống điện sau công tơ được thiết kế theo tiêu chuẩn chuồng nuôi hiện đại. Trang trại đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhà, có trạm biến áp chuyên dùng và đầu tư hệ thống máy phát để phòng khi bị mất điện. Tuy nhiên, do sự cố quạt gió không được phát hiện kịp thời nên gia đình bị thiệt hại lớn.

Ông Võ Văn Lễ - Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng cho hay: “Ngay khi xác định nguyên nhân gà bị sốc nhiệt rồi chết do hệ thống quạt gió không hoạt động, nhằm giúp gia đình “vớt vát" tiền vốn đầu tư chăn nuôi, xã đã báo cáo lên cấp trên. Các cơ quan, đoàn thể từ huyện đến xã, thôn đã vào cuộc hỗ trợ, thức trắng đêm sơ chế những con gà bị ngộp, đưa đi tiêu thụ (khoảng 1.000 con). Lượng lớn gà chưa thể xử lý, không đảm bảo chất lượng, xã thuê máy móc và hỗ trợ hoá chất khử trùng, tiến hành chôn lấp theo quy định”.

Trước đó chưa lâu, trưa ngày 9/7/2023, gia đình anh Nguyễn Huy Phố (trú tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, Can Lộc) cũng gặp sự cố tương tự. Hệ thống điện 3 pha cung cấp cho quạt gió bị mất 1 pha khiến hệ thống quạt gió ngừng hoạt động. Điều đáng tiếc, từ thời điểm xảy ra sự cố đến khi phát hiện khoảng từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ nên hơn 8.000 con gà bị chết, thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Ngành chuyên môn khuyến cáo gì sau 2 “tai nạn” tại các trang trại nuôi gà ở Hà Tĩnh?

Người dân hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Huy Phố sơ chế gà chết nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Anh Nguyễn Huy Phố cho hay: “Số gà sắp đến kỳ xuất bán, nếu chúng tôi phát hiện sự cố và khắc phục kịp thời, nhanh chóng cấp điện trở lại thì sẽ không xảy ra thiệt hại nặng như vậy. Cả chuồng nuôi chỉ còn khoảng 4.500 con gà sống sót. Chính quyền, các đoàn thể và bà con lối xóm đã nhanh chóng vào cuộc, “giải cứu” hơn 1.000 con gà bị ngộp, giúp gia đình vớt vát phần nào vốn liếng đầu tư”.

Ngành chuyên môn khuyến cáo gì sau 2 “tai nạn” tại các trang trại nuôi gà ở Hà Tĩnh?

Khoảng 3.000 con gà của trang trại anh Phan Văn Xuân sống sót sau sự cố.

Liên quan đến 2 sự cố nêu trên, ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết: “Các trường hợp gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân hoặc chết mà có biểu hiện, nghi ngờ nhiễm bệnh, đơn vị sẽ phối hợp lấy mẫu để xét nghiệm. Tuy nhiên, với 2 trang trại tại Hương Khê và Can Lộc đã xác định gà chết do sự cố về hệ thống quạt gió. Số gà chết trước đó khoẻ mạnh, khi phát hiện bị chết không có biểu hiện bất thường nên có thể sơ chế và bảo quản, sản phẩm vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng số gà chết thời gian lâu hơn, không đảm bảo chất lượng đã được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn tiêu huỷ theo quy định”.

Luôn chủ động để hạn chế rủi ro

Trong điều kiện chăn nuôi khép kín, mật độ nuôi lớn, chỉ cần gặp sự cố về điện khoảng 15 phút là đã ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Theo chuyên gia ngành điện, để đảm bảo chăn nuôi an toàn, chủ cơ sở cần tuân thủ thiết kế hệ thống điện theo tiêu chuẩn, các phương án kỹ thuật, hệ thống điện sau công tơ và đảm bảo hoạt động đúng công suất.

Ngành chuyên môn khuyến cáo gì sau 2 “tai nạn” tại các trang trại nuôi gà ở Hà Tĩnh?

Chính quyền địa phương động viên gia đình anh Phan Văn Xuân vượt qua “cú sốc" trong chăn nuôi.

Ông Phạm Lương Trung – Giám đốc Điện lực Hương Khê cho hay: “Nguồn cấp điện cho các khu vực chăn nuôi trên địa bàn luôn đảm bảo. Đối với hệ thống điện sau công tơ của khách hàng, đề nghị các trang trại khi thiết kế phải đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Các thiết bị điện trong trang trại cần được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, sử dụng các thiết bị điện có công suất phù hợp".

Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Anh Dũng - Giám đốc Điện lực Can Lộc lưu ý, các trang trại cần chủ động máy phát điện để kịp thời cấp điện nếu xảy ra sự cố gây mất điện. Ngoài ra, cần dự phòng các thiết bị điện như: quạt gió; nghiên cứu, đầu tư lắp đặt hệ thống còi báo động khi xảy ra sự cố về điện để nhanh chóng xử lý, khôi phục điện trở lại.

Ngành chuyên môn khuyến cáo gì sau 2 “tai nạn” tại các trang trại nuôi gà ở Hà Tĩnh?

Các trang trại cần bố trí nhân lực, phương tiện theo dõi vật nuôi, sử dụng máy phát đảm bảo để kịp thời ứng phó khi có sự cố về điện.

Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: “Hà Tĩnh hiện có 221 trang trại lợn và 15 trang trại gà quy mô vừa và lớn. Các chủ cơ sở cần thả nuôi theo mật độ mà ngành chuyên môn quy định (tùy vào hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp - PV); bố trí nhân lực, thiết bị theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng vật nuôi 24/24h để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, nhất là liên quan đến hệ thống quạt gió.

Cùng đó, cần chú ý nắm bắt thông tin về nguồn điện, lịch cắt điện, sự cố gây mất điện (nếu có), chủ động máy phát điện và cần có phương án làm mát chuồng nuôi phòng trường hợp mất điện trong mùa nắng nóng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của vật nuôi. Lưu ý các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống cháy nổ trong khu vực chăn nuôi...".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.
Phấn đấu gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2025

Phấn đấu gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2025

Đây là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra với ngành Nông nghiệp tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ NN&PTNT.
Nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch cho vùng nông thôn

Nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch cho vùng nông thôn

Để tăng tỷ lệ hộ nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt chuẩn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh không ngừng triển khai các giải pháp, mở rộng mạng lưới, cung cấp và cải thiện chất lượng nước phục vụ người dân.
Chống rét cho thủy sản nuôi ở Hà Tĩnh

Chống rét cho thủy sản nuôi ở Hà Tĩnh

Trước dự báo thời tiết còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, các cơ sở và hộ nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện các giải pháp chống rét cho tôm, cá.
Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, ngư dân Hà Tĩnh vẫn nỗ lực vươn khơi với hy vọng mang về nhiều lộc biển để trang trải cuộc sống, đón một cái Tết ấm no bên gia đình.