Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

(Baohatinh.vn) - Ðể đảm bảo an toàn cho gần 1.000 tàu cá và hơn 2.000 bà con ngư dân, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã chủ động xây dựng phương án, địa điểm cho tàu thuyền neo đậu tránh, trú bão.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Toàn huyện Nghi Xuân có gần 1.000 tàu thuyền các loại

Nghi Xuân có chiều dài bờ biển 32 km, bờ sông 28 km, có 9 xã bãi ngang ven biển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 952 tàu thuyền đang hoạt động và gần 2.000 lao động trực tiếp trên biển. Huyện có 2 cửa lạch là Cửa Hội (xã Xuân Hội) và Đồng Kèn (xã Cương Gián). Tuy nhiên, cửa lạch Đồng Kèn vừa hẹp lại vừa lắng cạn, do đó đã gây khó khăn cho hoạt động tàu thuyền trú ẩn khi có bão xảy ra.

Từ thực tế trên, để chủ động ứng phó với mưa bão, huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo các địa phương kiểm đếm phương tiện và nắm bắt các thông tin liên lạc của tàu, thuyền, đồng thời xây dựng phương án neo đậu đảm bảo an toàn cho người và tàu cá phù hợp với điều kiện địa phương.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên luôn đồng hành với ngư dân chủ động ứng phó với mưa bão

Xuân Yên là xã vùng bãi ngang ven biển có số lượng tàu thuyền nhiều nhất huyện với gần 200 chiếc. Tuy nhiên, địa phương chưa có âu tránh trú bão cho tàu cá, nguy cơ mất an toàn, thiệt hại về tài sản của bà con vào mùa mưa lũ là rất cao.

Ông Nguyễn Văn Thú - Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên cho biết: "Tàu thuyền là tài sản lớn, phương tiện hành nghề hằng ngày của bà con ngư dân. Để bảo vệ người và tài sản cho ngư dân, tổ đồng quản lý thường xuyên theo dõi, cập nhật cảnh báo thông tin kịp thời về tình hình thời tiết xấu trên biển; tuyên truyền cho bà con ngư dân không “mạo hiểm” cho tàu thuyền ra khơi khi sóng to, gió lớn".

Cùng với chủ động ứng phó của bà con ngư dân, trước mùa mưa bão năm nay, xã Xuân Yên đã hoàn thành xử lý mặt bằng gần 2 ha tại thôn Yên Ngư để tàu cá neo đậu tránh trú bão thuận lợi. Khi có bão cấp 8 trở lên, xã sẽ huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ kéo tất cả tàu cá vào sâu trong bờ, giằng néo chắc chắn tránh gió bão gây hư hỏng, thiệt hại tài sản của Nhân dân.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu

Không chỉ Xuân Yên mà các xã bãi ngang ven biển khác ở Nghi Xuân cũng đã lên kế hoạch, địa điểm cụ thể, phân công trách nhiệm để đưa tàu thuyền lên bờ trú ẩn an toàn trước khi thời tiết bất lợi, mưa bão xảy ra. Theo đó, tàu có chiều dài từ 6 - 12m ở các xã: Đan Trường, Xuân Phổ, Xuân Yên neo đậu tại khu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Hội; tàu thuyền các xã Xuân Liên, Cương Gián trú ẩn ở lạch Đồng Kèn xã Cương Gián...

Đối với 18 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến hơn 24 m (công suất từ 60 - 1.100 CV), việc neo đậu phải đảm bảo an toàn theo từng cấp độ của bão. Trong điều kiện có bão cấp 8, cấp 9, các tàu thuyền được sắp xếp trú ẩn ở sông Lam từ bến Giang Đình (thị trấn Tiên Điền) đến thôn Hồng Nhất (xã Xuân Giang); bão cấp 9 trở lên, trú ẩn từ bến Hồng Nhất (xã Xuân Giang) đến cầu BếnThủy; khi xẩy ra bão mạnh, siêu bão, tàu sẽ neo đậu dọc bờ sông La thuộc xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ...

Ngoài chủ động xây dựng các phương án neo đậu đảm bảo an toàn cho tàu cá, các địa phương triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với mưa bão. Đặc biệt, huyện bố trí 20 tàu thuyền và lực lượng hỗ trợ tại các xã Xuân Hội, Xuân Yên, Xuân Phổ, Cương Gián, Đan Trường... sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tai nạn xảy ra.

"Khi có thông tin mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Xuân Hội sẽ phân công nhiệm vụ các thành viên chủ động liên lạc với tàu, thuyền đang đánh bắt ngoài biển về bến kịp thời. Đề phòng các tình huống xấu xảy ra, xã đã hợp đồng 4 tàu thuyền lớn với 12 người để kịp thời ứng cứu có bất trắc xẩy ra trên biển, tàu thuyền chưa về bến đậu an toàn", ông Trịnh Quang Luật - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho hay.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Sau khi neo đậu, ngư dân phải giằng néo tàu thuyền để đảm bảo an toàn tài sản của mình

Ông Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ nay đến cuối năm, trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 4 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh các giải pháp quyết liệt của ngành chuyên môn, các địa phương thì ngư dân cũng cần chủ động nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm các biện pháp hướng dẫn, không được chủ quan, lơ là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình...

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.