Từ những vườn hộ hiệu quả kinh tế cao...
Ngày mới của chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Tân An, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) bắt đầu bằng việc thu hoạch rau quả trong vườn để thương lái đến thu mua. Hơn 5 năm nay, đều đặn mỗi ngày, gia đình chị Hiền thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng nhờ vườn mẫu rộng 2.200 m2.
Chị Nguyễn Thị Hiền thu hoạch mướp ngọt.
Chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Như mùa này chủ yếu là mướp ngọt và rau mùng tơi, còn ra tết thì có mướp đắng, bí xanh. Trồng luân phiên các loại rau quả theo mùa nên ngày nào gia đình cũng có thu nhập”.
Phát triển kinh tế vườn hộ là thế mạnh của xã Cẩm Bình
Vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền là một trong 73 vườn mẫu đạt chuẩn NTM của xã Cẩm Bình hiện nay.
Ngoài những vườn mẫu đang cho thu nhập bền vững, hiện xã Cẩm Bình có trên 700 vườn hộ có diện tích từ 500 m2 trở lên đã được người dân chỉnh trang trồng cây hàng hóa để tăng thu nhập. Toàn xã có 135 vườn hộ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, 87 vườn hộ cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Xuân Tòng mạnh dạn gây dựng mô hình nuôi lươn không bùn.
Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, người dân xã Cẩm Bình đã không ngừng tìm tòi mở rộng sản xuất.
Như gia đình ông Nguyễn Xuân Tòng (thôn Tân An) dù đã xây dựng được vườn mẫu với hơn 50 gốc ổi Đài Loan cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm nhưng với mong muốn phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, ông đã mạnh dạn gây dựng mô hình nuôi lươn không bùn.
Ông Nguyễn Xuân Tòng xây thêm 12 ô lót bạt để nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn.
Hiện tại, mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình ông thả nuôi hơn 1,5 vạn con. Lươn phát triển tốt, dự kiến tháng 12 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Ông Nguyễn Xuân Tòng đang xây thêm 12 ô lót bạt trong vườn ổi, dự kiến cuối tháng 9 âm lịch sẽ thả nuôi 3 vạn con, trong đó có 1.000 con lươn sinh sản để cung cấp con giống cho bà con địa phương.
... đến những mô hình kinh tế tập trung
Cánh đồng xứ Động của thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình sau khi thu hoạch lúa hè thu được chính quyền địa phương quy hoạch thành vùng thả nuôi cá vụ 3 nhằm mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế.
Theo đó, 10,3 ha của các hộ dân được dồn lại cho một số hộ thầu và thả nuôi cá rô đầu nhím. Cách làm này giúp địa phương tận dụng triệt để diện tích nông nhàn khi không sản xuất lúa. Để triển khai mô hình, xã Cẩm Bình đã thành lập tổ điều hành và giao cho tổ chăm sóc, quản lý cá nuôi. Dự kiến, đầu tháng 1/2021, địa phương sẽ tiến hành thu hoạch cá để bước vào sản xuất lúa vụ đông xuân.
Thả nuôi cá vụ 3 ở thôn Đông Trung nhằm tận dụng diện tích nông nhàn để tăng hiệu quả kinh tế
Ngoài mô hình thả nuôi cá vụ 3, để nâng cao giá trị sản xuất, thời gian qua, xã Cẩm Bình đã tập trung chuyển đổi ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ thành ô thửa lớn để xây dựng những vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất lúa hữu cơ 20 ha ở thôn Đông Nam Lý, vùng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao 30 ha ở thôn Tân An; liên kết các hộ sản xuất rau màu liền kề 6.000 m2 ở thôn Tân An...
Thu hoạch trên vùng sản xuất lúa hữu cơ 20 ha ở thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình
Ông Nguyễn Thiên Toàn - Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình chia sẻ: “Tập trung phát triển kinh tế, địa phương đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn xã không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,73 triệu đồng/người, cao nhất toàn huyện Cẩm Xuyên. Toàn xã có 22 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác, 362 hộ sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động có hiệu quả”.
Đường ngõ xóm ở xã Cẩm Bình được rải thảm nhựa và trồng cây xanh sạch đẹp
Mới đây, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh đã kiểm tra, đánh giá các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu của xã Cẩm Bình, với kết quả 5/5 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu đã đạt chuẩn.
Hoàn thành 5 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, Cẩm Bình đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho Nhân dân.