Bảo vật bia Sùng Chỉ và danh nhân Hà Tông Mục

(Baohatinh.vn) - Hà Tông Mục (1653 - 1707) quê xã Tùng Lộc (Can Lộc) là nhà khoa bảng danh tiếng sống thời Lê Trung Hưng. Ông có những đóng góp không nhỏ cho việc củng cố và giữ vững biên cương phía Bắc và cũng là nhà ngoại giao được ghi vào chính sử.

Tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Hà Tông Mục hiện có tấm bia lớn gọi là Sùng Chỉ bi ký. Nội dung được Giáo sư Hà Văn Tấn và học giả Đào Quang Luận phiên dịch. Đó là tư liệu quý giá về xuất thân và hành trạng của một danh nhân lịch sử của đất Hồng Lam.

Bảo vật bia Sùng Chỉ và danh nhân Hà Tông Mục

Bia được làm bằng chất liệu đá, 4 mặt có hình thức giống nhau, khắc chữ Hán có nội dung khác nhau.Bia Sùng Chỉ được dựng vào năm 1696 là hiện vật cổ quý hiếm, độc bản gắn với danh nhân Hà Tông Mục.

Hà Tông Mục sinh ngày 25/9 năm Quý Tỵ (14/11/1653), tên húy là Lệnh, tự Hậu Như, hiệu Thuần Như, Chuyết Trai, Độn Phủ; quê xã Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông xuất thân trong một dòng họ có danh tiếng và truyền thống văn hiến ở đất Hồng Lam, là hậu duệ của tướng quân Hà Mại (Tông Hiểu). Sinh ra tính trời dĩnh ngộ, thông minh hơn người, 7 - 8 tuổi, ông đã thông thi, lễ; 11 tuổi giỏi làm văn. Năm Quý Sửu (1673), trúng Tường sinh. Năm Ất Mão (1675), đỗ đầu khoa thi hương (tức giải nguyên - hương cống). Năm Quý Hợi (1683) thi Hội vào mùa xuân trúng Tam trường. Năm Giáp Tý (1684) được cử làm Phụng Nhập thị nội (chánh ngũ phẩm). Năm 35 tuổi khoa Mậu Thìn (1688) đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Trong bối cảnh lịch sử thời Lê - Trịnh, chính sự rối ren bởi nạn cát cứ quyền lực. Nhà Lê - Trịnh, một mặt đưa ra chính sách ngoại giao hòa hiếu, hòa hoãn với nhà Thanh, mặt khác, kiên quyết chống lại các đợt tấn công phá rối vùng biên giới, nhằm giữ vững chủ quyền biên giới phía Bắc, không cho quân nhà Thanh xâm lấn. Để thực hiện được ý đồ chiến lược đó, chúa Trịnh đã dựa vào những danh tướng tài ba như Hà Tông Mục đứng ra giúp nước.

Gia phả họ Hà và bài minh văn bia Sùng Chỉ đã viết: “Vâng lệnh kiêm chức Đốc đồng hai xứ Tuyên - Hưng, năm Tân Mùi (1691) vâng lệnh tới hội khám châu Bảo Lạc (thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngày nay) để giải quyết việc biên giới phía Bắc, cùng với viên quan của Bắc triều (nhà Thanh) làm việc và họa thơ vui vẻ. Năm Nhâm Thân, vâng lệnh nhậm chức Tuần tỉnh An Biên (1692), Nhân dân cùng trai gái địa phương quây quần đón tiếp người có đức tốt mà lòng dân đã mong đợi từ lâu”.

Bảo vật bia Sùng Chỉ và danh nhân Hà Tông Mục

Đại tá Hà Văn Sỹ người đại diện cho dòng họ Hà, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chủ sở hữu hợp pháp hiện vật Bia Sùng Chỉ. Ảnh Internet

Để củng cố tình hình trong nước, nhà Lê chủ trương thương thuyết hòa hiếu với nhà Mãn Thanh nhằm giữ thế cân bằng, tránh một cuộc chiến tranh không cần thiết. Chúa Trịnh đã cử đoàn sứ giả lên biên giới phía Bắc do Tiến sĩ Hà Tông Mục làm Chánh sứ để hội kiến với đại diện nhà Thanh. Lời lẽ khiêm tốn, thông minh, sắc sảo về ngoại giao của sứ giả nhà Lê, mà đại diện là Chánh sứ Hà Tông Mục đã làm cho quan quân nhà Thanh phải kính phục.

Về vấn đề này, sử cũ chép: Năm Kỷ Mão, Chính Hòa năm thứ 20 (1699), mùa hạ, tháng tư, sai Hà Tông Mục và Nguyễn Hành kinh lý vùng đất biên giới Tuyên Quang. Bấy giờ, Sầm Trì Phượng ở châu Tiểu Trấn Yên của nhà Thanh nhiều lần đem quân lấn chiếm và quấy rối vùng biên giới Bảo Lạc xứ Tuyên Quang. Quân đóng giữ ở đây không thể chế ngự được, bèn sai Hà Tông Mục và Nguyễn Hành đi kinh lý vùng đất đó. Hà Tông Mục gửi thư cho Trì Phượng, hiểu dự mọi lý lẽ sự việc. Trì Phượng trả lời thư có ý hổ thẹn và tạ lỗi, xin rút hết quân về. Dân biên giới lại yên như cũ. Đến khi về, chúa Trịnh Căn khen tài năng của họ, cân nhắc Hà Tông Mục làm Tự khanh, Nguyễn Hành làm Đô cấp sự trung. Sách Lịch triều tạp kỷ, Các nhà khoa bảng Việt Nam cũng chép lại sự việc này.

Trước đó, ông nhận chức Tuần tỉnh An Biên từ năm Nhâm Thân (1692). Đến năm Quý Dậu (1693) Hà Tông Mục lại thi đỗ khoa Đông Các, nhận chức Lại khoa Cấp sự trung và làm Nội tán (chức dạy học cho con vua chúa), thủy sư (tức coi việc thủy quân) kiêm Biên tu Quốc sử quán. Sử chép: Khoa thi này là thi từ mệnh, có 4 người được trúng cách là Nguyễn Công Động, Vũ Thạnh, Hà Tông Mục, Nguyễn Hành. Vào năm 1697, ông được bổ nhiệm làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên.

Thời gian này, cùng với việc thống lĩnh thủ quân, Tiến sĩ Hà Tông Mục còn được vua Lê, chúa Trịnh giao trọng trách tiếp tục đi sứ sang phương Bắc để giữ mối bang giao hòa hiếu vốn đã có từ trước với nhà Thanh nhằm mục đích giữ vững chủ quyền biên giới nước ta. Sau đó, ông được triều đình nhà Lê phong chức Tự khanh, vẫn được chúa Trịnh tin dùng cử làm Chánh sứ dẫn đầu phái bộ sang hội kiến với nhà Thanh vào năm Nhâm Ngọ (1702).

Trong chuyến đi sứ này, do đối đáp thông minh và sắc sảo, Hà Tông Mục được hoàng đế nhà Thanh là Khang Hy trọng nể và đề tặng 3 chữ: Nhược - Xung - Hiên (nghĩa là khen người có tài, đức vẹn toàn). Hiện nay, tấm biển khắc 3 chữ này vẫn còn được lưu giữ trong đền thờ Hà Tông Mục ở xã Tùng Lộc.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh đi sứ trở về, Hà Tông Mục được vua Lê gia phong chức Bồi tụng, Tả thị lang bộ Hình, tước Hoan Lĩnh nam. Và 3 năm sau, năm Bính Tuất (1706), Hà Tông Mục được phong giữ chức Tham chính sứ đạo Sơn Nam.

Bảo vật bia Sùng Chỉ và danh nhân Hà Tông Mục

Sắc phong Hà Tông Mục năm Chính Hòa thứ 20 (1699)

Trải qua 32 năm (1675-1707) đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, Tiến sĩ Hà Tông Mục đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước. Với tài năng, đức độ, lòng nhân nghĩa và dũng khí, ông đã góp phần ổn định tình hình đất nước trong bối cảnh xã hội phong kiến rối ren thời Lê - Trịnh ở giai đoạn cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Ông là một dũng tướng tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc dưới thời Lê - Trịnh; đồng thời, đã có nhiều đóng góp trong việc biên soạn và hoàn thành bộ sử lớn của Nhà nước ta thời Lê là cuốn Đại Việt sử ký biên.

Tiến sĩ Hà Tông Mục chẳng những được triều đình trọng dụng mà còn được Nhân dân yêu mến, kính trọng. Ngay từ những năm còn làm quan dưới triều Lê, ông đã được Nhân dân quê nhà tin yêu và lập sinh từ (là đền thờ người còn sống) và dựng bia Sùng Chỉ để ghi nhận công lao với đất nước và Nhân dân quê hương. Đây có thể nói là một biệt lệ ít có trong lịch sử nước nhà ở các triều đại trước. Hiện nay, tại quê hương ông còn lưu giữ tấm bia cổ đó.

Bia Sùng Chỉ nói về hành trạng của Hà Tông Mục đã trở thành bảo vật quốc gia, liệt vào danh mục đặc biệt để bảo tồn và phát huy những giá trị trong nền văn hiến của quê hương Hà Tĩnh và nước nhà.

Chủ đề Di chỉ - Khảo cổ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast