Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì diễn đàn. (Ảnh: TTXVN).
Sáng 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể diễn đàn cấp cao về công nghệ 4.0 lần thứ ba với chủ đề “Phục hồi và phát triển KT-XH bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng chủ trì. Diễn đàn được tổ chức trực tuyến kết nối đến điểm cầu các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Đình Hải cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, doanh nghiệp tham dự. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm thực tế ảo các công nghệ 4.0 tại diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Diễn đàn cấp cao lần thứ ba về công nghiệp 4.0 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và chính sách phục hồi, phát triển KT-XH giai đoạn hậu COVID-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo sở, ban, ngành dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã trình bày Khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH bền vững gắn với Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, mục tiêu chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Diễn đàn được tổ chức trực tuyến kết nối đến 100 điểm cầu. Ảnh chụp màn hình
Khung chính sách đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đại biểu tại Hà Tĩnh tham gia diễn đàn.
Cũng tại diễn đàn, lãnh đạo, đại diện các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã tham gia phát biểu các chuyên đề: công nghiệp 4.0 - xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số; kinh nghiệm thành công của Bang Utah (Hoa Kỳ) trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Spencer J.Cox - Thống đốc Bang Utah (Hoa Kỳ) chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah (Hoa Kỳ) trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh chụp màn hình.
Tham gia phần tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã thảo luận, góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển KT- XH trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Cùng đó, tập trung phân tích những định hướng chiến lược, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những phát biểu trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tại diễn dàn, đặc biệt là các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm phát triển KT-XH gắn với công nghệ 4.0.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phát triển KT-XH. Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay cần có tầm nhìn, hành động và cách làm mang tính đặc biệt; tình hình nào thì mục tiêu, quan điểm, giải pháp phải tương ứng.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện song song chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và chương trình phòng, chống dịch COVID-19 để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Hai chương trình này phải gắn chặt, tác động hỗ trợ lẫn nhau, có sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực để thực hiện các chính sách liên quan.
Với chương phòng chống dịch COVID-19, cần tập trung hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực y tế, gồm yếu tố con người và cơ sở vật chất; trong đó phấn đấu trong tháng 12/2021 đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên. Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cần tập trung cho các biện pháp phục vụ cho y tế; an sinh xã hội cho người dân; hỗ trợ cho doanh nghiệp; hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.
Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi phát huy tối đa nguồn lực con người; người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế. Phát triển chuyển đổi số, công nghệ số, kỷ nguyên số thì phải có xã hội số, công dân số. Đối với thể chế, phải tập trung tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc, dự báo tình hình để hoàn thiện thể chế phù hợp với những vấn đề mới đặt ra.