Thế giới lẽ ra có thể đã ngăn chặn được thảm họa COVID-19

Thế giới lẽ ra đã có thể ngăn chặn COVID-19 trước khi nó trở thành thảm họa dịch bệnh, theo báo cáo của Ủy ban độc lập gồm các chuyên gia toàn cầu đưa ra ngày 12/5.

"Cái giá đắt" mà thế giới đang phải trả

Báo cáo có tên “Biến COVID-19 thành đại dịch cuối cùng” đã được Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19 (IPPR) thực hiện theo yêu cầu của các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Được yêu cầu thực hiện bởi các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 5 năm ngoái, báo cáo “Biến COVID-19 thành đại dịch cuối cùng” cho rằng hệ thống báo động toàn cầu cần được đại tu để ngăn chặn một thảm họa tương tự.

Theo báo cáo trên, một loạt quyết định kém hiệu quả của các nhà hoạch định chính sách và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 đã phải đánh đổi hậu quả bằng ít nhất 3,3 triệu sinh mạng cho tới nay, cùng một nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề. Báo cáo cáo buộc các nhà hoạch định chính sách và WHO đã không phản ứng đủ nhanh trước các dấu hiệu cảnh báo sớm.

Theo IPPR, các tổ chức đã “không bảo vệ được người dân”, trong khi nhiều nhà lãnh đạo thì phủ nhận các dữ liệu khoa học. Điều này làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các biện pháp can thiệp y tế. Báo cáo cho biết sự hiện diện của COVID-19 được “đặc trưng” bởi sự kết hợp của “một số hành động sớm và nhanh chóng, nhưng cũng có sự chậm trễ, do dự và phủ nhận”.

Thế giới lẽ ra có thể đã ngăn chặn được thảm họa COVID-19

Nhiều nhà hoạch định chính sách và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được cho là đã ra quyết định chậm trễ trong giai đoạn đầu dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi đã xác định sự thất bại trong xử lý có ở mọi giai đoạn và chúng tôi tin rằng thế giới đã có thể ngăn chặn được đại dịch này”, đồng Chủ tịch hội đồng IPPR và Cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cho biết. Bà nói: “Chúng tôi không thể chỉ đơn giản chỉ ra một cá nhân chịu trách nhiệm cuối cùng”. Theo bà Sirleaf, tất cả các bên, từ WHO cho tới các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia, cho tới các tổ chức đều cần chịu trách nhiệm cho việc để COVID-19 hoành hành với quy mô như hiện nay.

Chậm trễ, do dự và phủ nhận

Điển hình, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, các phản ứng của các lãnh đạo được cho là “thiếu khẩn cấp”, đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đối với đợt bùng phát ban đầu, “rõ ràng là có sự chậm trễ ở Trung Quốc - nhưng xét cho cùng thì đã có sự chậm trễ ở khắp mọi nơi” - theo Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, đồng phụ trách báo cáo của IPPR.

Trong khi đó, tháng 2/2020 lại trở thành “tháng mất mát” nghiêm trọng do nhiều quốc gia đã không chú ý đến các báo động.

Thế giới lẽ ra có thể đã ngăn chặn được thảm họa COVID-19

Tháng 2/2020 lại trở thành “tháng mất mát” nghiêm trọng của thế giới. (Ảnh: ctvnews.ca)

IPPR cho rằng WHO lẽ ra đã có thể ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất, vào ngày 22/1/2020. Thay vào đó, phải mất 8 ngày tổ chức này mới làm điều đó. Hơn nữa, mãi đến tháng 3/2020 WHO mới công nhận COVID-19 là “đại dịch” - một thuật ngữ không chính thức nằm trong hệ thống cảnh báo của họ. Lúc này, các quốc gia mới ý thức được sự nguy hiểm của tình hình và mới thực sự “vào cuộc”.

Ngoài ra, các lựa chọn chiến lược kém hiệu quả, sự do dự trong việc giải quyết các vấn đề bất bình đẳng cùng sự “lệch pha” trong phối hợp giữa các nước hay giữa các địa phương trong một nước đã tạo điều kiện cho đại dịch COVID-19 biến thành “một cuộc khủng hoảng thảm khốc của nhân loại”.

Mối đe dọa của một đại dịch đã bị bỏ qua và các quốc gia đang phải chật vật để giải quyết những hậu quả mà nó để lại.

Thế giới có thể làm gì vào lúc này?

Để giải quyết đại dịch ở tình trạng hiện tại, trước mắt, IPPR đã kêu gọi các quốc gia giàu nhất tài trợ một tỷ liều vaccine cho 92 quốc gia nghèo nhất từ nay đến ngày 1/9 thông qua cơ chế tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19 mang tên COVAX do WHO khởi xướng và hơn 2 tỷ liều vaccine vào giữa năm 2022.

Ngoài ra, các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 nên chi trả 60% trong số 19 tỷ USD cần thiết để tài trợ cho vaccine, cũng như phát triển các phương pháp chẩn đoán và điều trị thông qua chương trình “Tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” của WHO - một chương trình toàn cầu nhằm phân phối vaccine ngừa COVID-19 và thuốc điều trị cho những quốc gia nghèo hơn. Còn nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các nước khác cần hỗ trợ phần còn lại.

Thế giới lẽ ra có thể đã ngăn chặn được thảm họa COVID-19

Theo IPPPR, các nước G7 nên chi trả 60% chi phí cần thiết để tài trợ cho vaccine COVID-19. (Ảnh: Reuters)

WHO và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng cần khuyến khích các nước và các hãng sản xuất vaccine tự nguyện đồng ý cấp phép và chuyển giao công nghệ điều chế vaccine COVID-19.

Biến COVID-19 thành đại dịch cuối cùng

Đại dịch COVID-19 cho thấy hành động sớm khi đối mặt với những thảm họa chưa có tiền lệ là vô cùng quan trọng. Việc tìm kiếm sự đồng thuận và nhất quán trong chính sách ứng phó với dịch bệnh là bước đầu để các nước có thể hành động sớm. IPPR khuyến nghị các nhà lãnh đạo cần lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn và khoa học để đưa ra những quyết định đúng đắn. Ngoài ra, việc thuyết phục người dân cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh cũng là một chìa khoá giúp đẩy lùi đại dịch. COVID-19 cũng là chất xúc tác để các tổ chức, cộng đồng trên thế giới đưa ra các giải pháp có tính đột phá trong thời gian ngắn để xử lý các biến cố sau này.

Để giải quyết các đợt bùng phát và đại dịch trong tương lai, IPPR đã kêu gọi thành lập Hội đồng Đe dọa Sức khỏe Toàn cầu bao gồm các nhà lãnh đạo thế giới, đi kèm với một công ước về đại dịch.

IPPR kêu gọi nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tạo ra một Cơ sở tài trợ cho Đại dịch Quốc tế, có thể chi 5-10 tỷ đô la mỗi năm để chuẩn bị sẵn sàng trước khi khủng hoảng xảy ra, với 50 đến 100 tỷ đô la sẵn sàng triển khai trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Ví dụ, các dịch vụ công, mua sắm và thanh toán từ xa cần được đầu tư để phát triển hơn, chất lượng hơn, giúp người dân giảm thiểu sự khó khăn và hoảng loạn khi một khủng hoảng xảy ra. Quan trọng hơn, cơ sở hạ tầng y tế cần được coi trọng phát triển, đặc biệt là dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Đây vốn là dịch vụ mà ít nơi trên thế giới thực sự quan tâm, nhưng trong đại dịch lại chứng tỏ vai trò rất thiết yếu của nó.

Thế giới lẽ ra có thể đã ngăn chặn được thảm họa COVID-19

Khám chữa bệnh từ xa là một trong những dịch vụ cần được quan tâm phát triển. (Ảnh: Healthcare Finance News)

“Cuối cùng, đầu tư hàng tỷ USD vào sự chuẩn bị sẵn sàng sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD trong tương lai, vì đại dịch COVID-19 hiện tại đã là một minh chứng rất rõ ràng” - Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, đồng phụ trách báo cáo của IPPR nói.

IPPR cũng đề xuất một cuộc “đại tu” đối với WHO để khiến tổ chức này bớt do dự lại và trao cho tổ chức này nhiều quyền hơn để cử các phái đoàn chuyên gia đến các quốc gia trên thế giới ngay lập tức mà không cần đợi sự chấp thuận của các chính quyền.

Bà Clark nói: “COVID-19 sẽ phải là trận đại dịch cuối cùng gây ra sự tàn phá nặng nề như vậy đối với cuộc sống con người, các xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới”.

Thế giới lẽ ra có thể đã ngăn chặn được thảm họa COVID-19

Người thân mặc đồ bảo hộ dự lễ hỏa táng một người đàn ông chết vì Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ hôm 21/4. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo “Biến COVID-19 thành đại dịch cuối cùng”, Tổng giám đốc WHO Tedros Gebreyesus cho biết tổ chức này sẽ cùng 194 thành viên thảo luận về các khuyến nghị nói trên cũng như ý kiến của các nhóm chuyên gia khác, hướng tới “xây dựng WHO vững mạnh hơn, vì một tương lai mạnh khỏe hơn, an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người”. Không chỉ thế, trong quá trình ứng phó đại dịch, các quốc gia sẽ có thêm các ý tưởng, phương pháp để giải quyết sớm các vấn đề khác này sinh trong đại dịch như nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, di cư bất hợp pháp hay những vấn đề bất kỳ nào có thể xảy ra trong viễn cảnh tương tự.

Theo Trang Phan/VTV (Nguồn: DW, AP, CTVnews.ca, Reuters)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast