Anh Phạm Khắc Tâm (thôn 1, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vốn làm nghề lặn biển và khai thác thủy hải sản vùng khơi. Mấy tháng trở lại đây, khi thấy thương lái cần nhập sò nhám để đưa vào các tỉnh phía Nam, anh Tâm đã hoán cải các tấm lưới có mắt to thành mắt nhỏ và lắp thêm giã cào để khai thác loại sò này.
Các tàu thuyền giã cào khai thác sò nhám trái phép
Không chỉ có anh Tâm mà nhiều ngư dân khác ở 2 xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hành nghề câu, nghề lặn… cũng dùng tàu giã cào để khai thác sò nhám. Theo các ngư dân, chỉ năm nay mới thấy sò nhám xuất hiện ở vùng biển Hà Tĩnh, còn các năm trước không có.
Các tàu hành nghề cào sò nhám thường có công suất trên dưới 90CV, hoạt động cách bờ 4 hải lý từ chiều tới sáng hôm sau. Với sự hỗ trợ từ giã cào là khung sắt dài 2m, các tấm lưới mắt nhỏ sẽ có thể cào sâu vào nền đáy biển. Do hoạt động gần bờ, tàu giã cào thường gây mất mát, hư hỏng ngư lưới cụ, làm thiệt hại sản xuất cho ngư dân hành nghề ven bờ khác.
Chủ phương tiện thực hiện đầy đủ các thủ tục xuất nhập bến nhưng vẫn cải hoán ngư lưới cụ để khai thác sò nhám
Việc dùng tàu giã cào đánh bắt sò nhám là một trong những nghề khai thác có tính chất tận diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài hải sản ven bờ. Tuy nhiên, các ngư dân lại cho rằng hình thức đánh bắt này “không vi phạm pháp luật”.
“Hình thức đánh bắt giã cào không vi phạm cũng không có tính chất tận diệt gì” - anh Phạm Khắc Tâm vô tư trả lời.
Đại úy Trần Hải Quân - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa Nhượng: Lực lượng chức năng gặp khó khi xử lý các tàu giã cào đánh bắt sò nhám
Đại úy Trần Hải Quân - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa Nhượng (Đồn Biên phòng Thiên Cầm, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, việc dùng các tàu giã cào đánh bắt sò nhám là trái phép nhưng gặp khó khăn trong việc xử lý. Nguyên nhân là chủ phương tiện thường chấp hành thủ tục xuất nhập bến đúng quy định và hoạt động ngoài vùng biển Cửa Nhượng mà đơn vị quản lý. Thêm vào đó, ngư dân thường cất giấu ngư cụ mỗi khi tàu thuyền ra vào nên rất khó phát hiện, bắt quả tang.
“Mỗi khi có thông tin tàu thuyền giã cào đánh bắt trái phép, chúng tôi phải thuê thuyền của ngư dân ra chứ chiếc cano mà đơn vị đang sử dụng chỉ hoạt động cách bờ 100 - 200m, hoặc khi trời mưa thì đành chịu. Tuy nhiên, việc thuê thuyền của ngư dân cũng gặp khó khi họ đều quen biết nhau, biết sẽ ra xử lý tàu giã cào nên thường không đồng ý” - Đại úy Quân chia sẻ.
Chiếc cano mà Trạm Biên phòng Cửa Nhượng sử dụng chỉ hoạt động cách bờ từ 100 - 200m
Theo ghi nhận từ Trạm Biên phòng Cửa Nhượng, hiện có 18 tàu thuyền giã cào khai thác sò nhám trái phép ở 2 xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Nhượng. Thời gian trước, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 7 tàu thuyền giã cào với số tiền 20 triệu đồng.
Trung tá Trương Văn Bổn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thiên Cầm (BĐBP Hà Tĩnh) cho biết: “Trạm Biên phòng Cửa Nhượng đã có báo cáo tình hình việc ngư dân dùng tàu giã cào đánh bắt sò nhám trái phép. Đơn vị đã yêu cầu trạm tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con ngư dân đánh bắt đúng với các quy trịnh trên biển; đẩy mạnh việc tuần tra kiểm soát đối với người, tàu thuyền, ngư lưới cụ; kiểm soát chặt chẽ đăng ký, đăng kiểm đối với mọi phương tiện ra vào để kịp thời nắm bắt mọi diễn biến”.