CCB Trần Văn Bính (Ân Phú) đã chứng minh cho mọi người thấy đất quê hương có thể làm giàu bằng việc trồng 5.000 cây ăn quả trên khu đồi toàn đá sỏi, làm 1 mẫu ruộng và nuôi thêm 25 đàn ong, 600 con gà/năm, 4 con trâu bò... cho thu nhập từ 300-350 triệu đồng/năm.
Với tinh thần hăng say lao động, không ngại khó, ngại khổ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Phan Văn Tư (thôn Hương Giang, xã Đức Hương) đã tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Từ hai bàn tay trắng, nhờ có chí hướng làm ăn, biết “lấy ngắn nuôi dài”, hăng say lao động, anh đã vượt qua nghèo khó, vươn lên khá giả, sung túc...
Ông Tư kể: “Năm 2013, sau khi được các cấp hội CCB tuyên truyền vận động, chính quyền địa phương giúp đỡ, Ngân hàng CSXH cho vay vốn nên tôi đã mạnh dạn cải tạo hơn 3ha đất vườn đồi để trồng cam, chanh, bưởi kết hợp với chăn nuôi. Sau nhiều năm nỗ lực, kiên trì, đến nay, gia đình tôi đã có hơn 2ha cây ăn quả cho thu hoạch, nuôi 13 con trâu bò, hàng trăm con gia cầm mỗi lứa. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi có mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Ông Phan Văn Tư - Chi hội trưởng Hội CCB thôn Hương Giang, xã Đức Hương là người tiên phong trên lĩnh vực làm ăn kinh tế, là tấm gương để các hội viên noi theo...
Nhưng điều làm ông Tư vui hơn, tự hào hơn là từ tinh thần xung kích đi đầu trong xóa bỏ vườn tạp để trồng cây ăn quả của mình đã được nhiều hội viên khác học tập, nhân rộng. Đến nay, trong Chi hội Hội CCB thôn Hương Giang đã có 14 mô hình kinh tế vườn đồi, trong đó có 7 mô hình cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, 7 mô hình còn lại từ 40-90 triệu đồng/năm.
Và thực tế cũng cho thấy, sau khi rời quân ngũ, những người nông dân từng mang trên mình màu áo lính ở Vũ Quang đã không cam chịu đói nghèo, xung kích đi đầu trên mặt trận làm ăn kinh tế. Và không chỉ có CCB Phan Văn Tư mà đến địa phương nào, vùng đồi nào ở huyện miền núi này chúng tôi cũng bắt gặp những khu vườn trĩu quả, những đàn gia súc, gia cầm đông đúc, những mô hình sản xuất kinh doanh cho thu nhập cao.
Trong số này có thể kể đến những mô hình trồng cây ăn quả của các ông: Đinh Văn Đề (Đức Giang), Nguyễn Văn Ninh (Hương Minh), Nguyễn Viết Hoài (Hương Thọ), Nguyễn Văn Liệu (Đức Giang), Trần Văn Bính (Ân Phú)... Hay mô hình chăn nuôi liên kết của các ông: Nguyễn Đức Thuật (Đức Liên), Lê Trọng Nhị (Đức Bồng), Nguyễn Trọng Thế (Hương Quang), Phan Văn Hân (Đức Hương).
Với tinh thần xung kích, CCB Nguyễn Văn Minh (thôn 5, xã Sơn Thọ) vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vừa làm vườn đồi giỏi, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
Với sự gương mẫu, đi đầu và tinh thần không ngại khó, ngại khổ, hàng ngàn cựu chiến binh ở Vũ Quang đã mạnh dạn đầu tư làm ăn, mở rộng sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, vươn lên làm giàu chính đáng. Và đến nay, toàn huyện Vũ Quang đã có trên 300 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/năm do CCB làm chủ.
Phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Vũ Quang thực sự đã đem lại hiệu quả rõ nét, đời sống vật chất lẫn tinh thần của gia đình hội viên được nâng lên, nhiều hội viên đã có điều kiện đầu tư cho các con ăn học thành tài, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,5% (mặt bằng chung của huyện là 9,07%)...
Không chỉ làm giàu cho gia đình với mức thu nhập từ vườn cam trên 100 triệu đồng/năm, CCB Nguyễn Ngọc Liệu (thôn Thanh Sơn, xã Đức Lĩnh) còn sẵn sàng hiến hơn 20.000m2 đất vườn đồi để chính quyền quy hoạch khu nghĩa trang đạt chuẩn NTM
Ông Nguyễn Quốc Thìn - Chủ tịch Hội CCB huyện Vũ Quang cho biết: “Những năm qua, cùng với xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Hội CCB Vũ Quang đã động viên, hỗ trợ các hội viên nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chăm lo phát triển sản xuất, nỗ lực giảm nghèo bền vững, tham gia tích cực, có hiệu quả vào chương trình phát triển kinh tế của địa phương.
Qua đó, không chỉ giúp các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình đồng đội và khẳng định vai trò, vị trí của người lính cụ Hồ trên mặt trận mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.