Sắc xanh trên vùng đất lửa Mỹ Lộc

(Baohatinh.vn) - Hơn nửa thế kỷ đã qua, những dấu tích tàn phá của chiến tranh trên vùng đất Mỹ Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) dần lùi vào quá khứ, vùng đất lửa năm nào đang vươn lên mạnh mẽ bằng khát vọng, ý chí của người dân nơi đây.

Sắc xanh trên vùng đất lửa Mỹ Lộc

Mỹ Lộc hôm nay (ảnh: Võ Đạt).

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Mỹ Lộc được hình thành 4 tuyến chiến lược trọng điểm gồm: tuyến đường 15 với các cầu cống ngầm, đường xế, ngã ba, nơi các đoàn xe vận tải đi qua; tuyến hành lang phía Tây và Đông đường 15 là nơi tập kết các kho trạm vật tư xăng dầu, vũ khí, khí tài quân sự, nơi trú ẩn của các đoàn xe vận tải; tuyến dọc các triền đồi từ cầu Đen (thôn Thái Xá) vào bãi Đồn (thôn Đại Đồng) là nơi bố trí các trận địa phòng không, các trận địa nghi binh; tuyến dân cư làng xóm từ Bãi Dịa đến nông trường Thạch Ngọc là nơi dừng chân của bộ đội hành quân và là nơi sơ tán của một số cơ quan, đơn vị, trong đó có tổng đội TNXP N55.

Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Lộc ghi rõ: Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, trong suốt quãng thời gian hơn 1.400 ngày đêm (từ 1965 - 1968), bầu trời, mặt đất Mỹ Lộc bị đánh phá ác liệt. Hàng chục người dân và dân quân xã đã ngã xuống, hàng trăm ngôi nhà và nhiều tài sản của người dân bị tiêu hủy.

Nhưng, mất mát đau thương càng làm tăng thêm lòng căm thù giặc Mỹ, càng mài sắc ý chí chiến đấu của người dân trên mảnh đất này. Để sau mỗi trận đánh, người dân Mỹ Lộc lại ào ra trận địa cùng góp sức với các lực lượng san lấp hố bom, sửa chữa cầu cống, đường sá, đắp ụ pháo, tiếp đạn, tải thương, ngụy trang trận địa, tiếp tế lương thực, nước uống cho các lực lượng chiến đấu... Ban đêm, lực lượng dân quân địa phương lại gác đèn, dẫn luồng cho xe vượt bom nổ chậm…

Sắc xanh trên vùng đất lửa Mỹ Lộc

Truông Kén nay đã thành vùng “đô thị” mới của những công dân trẻ.

Sau chiến tranh, cấp ủy, chính quyền và người dân Mỹ Lộc bắt tay nhanh vào thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống và bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân. Từ sức người, sức của và quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, những vết thương chiến tranh đã dần lành theo năm tháng. Ngay trên những hố bom, trận địa pháo năm xưa, những cánh rừng đang vươn mình lớn dậy, những đồi cam bạt ngàn cây trái và sắc màu ngói đỏ của những ngôi nhà cao tầng đang điểm tô sáng đẹp cho bức tranh nông thôn mới nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Tuyến - người dân ở thôn Thái Xá (Mỹ Lộc) cho biết: “Sống ở ngã ba Truông Kén, vùng đất giáp ranh với Đồng Lộc nên khi lớn lên, tôi vẫn thường được nghe ông bà, bố mẹ kể về những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Tuổi thơ của chúng tôi cũng đã từng đi nhặt những mảnh bom vỡ ngay trong vườn nhà. Nhưng, Truông Kén bây giờ thay đổi rất nhiều, bám trục đường 15 này là xóm mới của những gia đình trẻ lập nghiệp bằng việc kinh doanh, buôn bán, đi xuất khẩu lao động, đời sống của người dân đã sang trang…”.

Sắc xanh trên vùng đất lửa Mỹ Lộc

Với cảnh sắc thiên nhiên trời ban, hồ Trại Tiểu đang là điểm đến hấp dẫn của các du khách trong và ngoài tỉnh.

Từ công tác tuyên truyền vận động, phát huy sức mạnh đồng thuận của người dân, phong trào xây dựng NTM ở Mỹ Lộc đã lan tỏa khắp các thôn. Việc lấy sức dân để lo cho cuộc sống của người dân được phát huy từ ý thức trách nhiệm, tự giác của mỗi người.

Ông Đặng Quốc Thành - Trưởng thôn Trại Tiểu (xã Mỹ Lộc) cho biết: “Để góp sức xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, thời gian qua, bà con lương giáo trong thôn đã đoàn kết một lòng, đều tay trong các phần việc: làm đường bê tông, mương thoát nước, trồng cây xanh, chỉnh trang và nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở ở nhà văn hóa thôn, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, dọn dẹp vườn hộ giúp những người đi làm ăn xa...

Từ phong trào xây dựng NTM và những hoạt động giúp nhau trong cuộc sống, tình làng nghĩa xóm trong khu dân cư ngày càng siết chặt. Vài năm trở lại đây, ngoài hàng ngàn ngày công, người dân chúng tôi đã đóng góp trên 500 triệu đồng để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”.

Sắc xanh trên vùng đất lửa Mỹ Lộc

Người dân Mỹ Lộc đồng thuận chung sức xây dựng NTM.

Từ sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền Mỹ Lộc đã mạnh dạn triển khai các chủ trương và có hướng đi hợp lý để phát huy lợi thế của các vùng miền. Theo đó, trên tuyến hành lang phía Tây đường 15 năm xưa nay đã trở thành vùng rừng nguyên liệu và những đồi cam bạt ngàn. Hồ Trại Tiểu không chỉ là nơi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách trong các tour, tuyến du lịch trên địa bàn. Phía Đông đường 15 là xóm làng sầm uất và những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay...

Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Huy cho biết: “Là địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng điều thuận lợi của Mỹ Lộc là sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của bà con trong việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Cùng với chủ trương xây dựng NTM, đề án dồn điền đổi thửa cũng đã được triển khai và phát huy hiệu quả.

Đến nay, Mỹ Lộc có 125 ha cánh đồng mẫu và sắp tới dự kiến diện tích này sẽ được nhân rộng. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao được năng suất, hiệu quả của cánh đồng một thửa (năng suất bình quân ở Mỹ Lộc hiện đạt khoảng 60,5 tạ/ha), đã củng cố thêm niềm tin của người dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”.

Sắc xanh trên vùng đất lửa Mỹ Lộc

Những cánh đồng chung một thửa, một thời vụ, một loại giống đã mang về cho người dân Mỹ Lộc những mùa vàng bội thu.

Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, người dân Mỹ Lộc còn năng động đi đầu trong phong trào xuất khẩu lao động. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 1.200 lao động đang làm việc tại các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Dòng ngoại hối mỗi năm đổ về địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo của bức tranh nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo thống kê, 5 năm gần đây, trong tổng số hơn 180 tỷ đồng xây dựng NTM ở Mỹ Lộc, bà con nhân dân đóng góp hơn 39 tỷ đồng. Đến thời điểm này, thu nhập bình quân ở Mỹ Lộc đạt bình quân 43 triệu đồng/người/năm; năm 2021 Mỹ Lộc đã đạt chuẩn NTM nâng cao...

Trong những tháng ngày lịch sử này, Mỹ Lộc cũng đang dồn sức để củng cố và nâng cao các tiêu chí, phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2023. Từ các phong trào thi đua và quyết tâm của người dân, Mỹ Lộc đang viết nên trang sử mới trên mảnh đất anh hùng.

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.