Tại xã Xuân Lộc (Can Lộc), bà con nông dân cũng đang nỗ lực “khép” thời vụ xuống giống lúa hè thu.
Tờ mờ sáng, cánh đồng sản xuất lúa thuộc thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc (Can Lộc) đã nhộn nhịp cảnh làm đất, gieo cấy lúa hè thu. Gạt dòng mồ hôi không ngừng lăn trên khuôn mặt, ông Trần Văn Thịnh chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng nên để kịp làm đất, xuống giống, cả nhà tôi thường tập trung ra đồng từ 4h sáng. Vụ này, chúng tôi tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón để làm mô hình điểm sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu với hơn 25 ha. Bà con rất kỳ vọng sẽ có thêm một mùa vụ thắng lợi”.
Tại xã Xuân Lộc (Can Lộc), bà con nông dân cũng đang nỗ lực “khép” thời vụ xuống giống lúa hè thu. Ông Trần Văn Bình (thôn Văn Cử) chia sẻ: “Nhờ tập trung lấy nước phù hợp, đội máy cày hoạt động hết công suất nên cơ bản diện tích gieo cấy của thôn đã xong, trước khung lịch thời vụ chung vài ngày”.
Huyện Can Lộc là một trong những địa phương dẫn đầu về tiến độ làm đất, xuống giống.
Thời vụ gấp gáp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phòng NN&PTNT huyện là “gặt đến đâu, tiến hành làm đất, gieo cấy lúa hè thu đến đó”, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, các xã, thị trấn ở Can Lộc đã chủ động bơm nước, huy động máy móc để hoàn thành làm đất sớm, giúp bà con nông dân thuận lợi xuống giống.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, đến ngày 8/6, toàn huyện đã làm đất trên 8.800 ha, đạt tỷ lệ trên 98%; diện tích đã gieo là 8.400 ha (đạt tỷ lệ 93,6%), là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tiến độ sản xuất.
Cánh đồng mênh mông 40 ha của thôn Đông Nam Lý (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) cũng đã gieo cấy xong 2/3 diện tích. Dù thời tiết nắng nóng, bà con vẫn động viên nhau thi đua sản xuất, đảm bảo thời vụ gieo cấy tập trung, đồng nhất trên cánh đồng.
Đồng ruộng tấp nập người dân đắp bờ, chuẩn bị gieo cấy.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Đông Nam Lý) cho biết: “Đây là cánh đồng phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn nên bà con nông dân đã giảm được khá nhiều công trong khâu làm đất, làm cỏ bờ, thuận lợi cho việc gieo cấy đồng loạt. Chỉ cần máy cày làm đất xong là trong vòng 2 ngày sẽ xuống giống cơ bản toàn bộ vùng này”.
Theo ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, áp lực về thời vụ gieo cấy năm nay tương đối lớn. Huyện đã tập trung bố trí máy móc, gặt xong đến đâu đảm bảo mở nước làm đất đến đó, thực hiện phương châm nước xuống ruộng thì ngâm ủ giống.
Cơ giới hóa được huy động cao trong gieo cấy tại thị xã Kỳ Anh để đảm bảo thời vụ. Ảnh: Thu Trang
Đặc biệt, nhờ thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất theo cánh đồng lớn, nhiều vùng sản xuất đã được “hồi sinh”, tỉ lệ tập trung cơ giới hóa đạt cao, khả năng giữ nước trong chân ruộng tốt. Nước về đồng thuận lợi đã rút ngắn tiến độ làm đất, gieo cấy từ 2-3 ngày so với trước đây.
Sau nhiều năm gần như bỏ hoang vì khó khăn trong nước tưới vụ hè thu, năm nay, nhiều người dân thôn Đông Thịnh (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) lại được sản xuất trên cánh đồng tập trung sau đợt chuyển đổi ruộng đất. Ông Nguyễn Cương cho biết: “Trước đây chỉ 1/2 diện tích của xứ đồng này (khoảng 20 - 25 ha) là sản xuất được vụ hè thu nhưng nay nhờ hệ thống kênh mương được xây dựng mới, bố trí thêm trạm bơm nên nước về tràn đồng, 100% diện tích được gieo cấy, bà con ai cũng phấn khởi lắm. Không khí thi đua sản xuất vì thế cũng tươi vui, rộn ràng hơn”.
Nông dân Cẩm Xuyên sản xuất trên cánh đồng lớn sau chuyển đổi ruộng đất.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu 2023, toàn tỉnh sản xuất hơn 44.800 ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 38.000 ha hoàn thành giai đoạn làm đất, chiếm hơn 84% tổng diện tích, hơn 27.800 ha hoàn thành xuống giống, chiếm trên 62%. Một số địa phương có tiến độ sản xuất cao như: Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, Lộc Hà....
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lưu ý :"Thời vụ sản xuất theo khung kế hoạch của tỉnh không còn nhiều, vì thế, các địa phương cần chủ động điều tiết nguồn nước tưới hợp lý; tiếp tục đôn đốc bà con huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất và cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa hè thu đúng lịch thời vụ, đảm bảo sản xuất “ăn chắc”, né tránh thiên tai cuối vụ”.