Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị huyện Can Lộc cần đánh giá khách quan, khoa học để nhân rộng mô hình. |
Mô hình "Nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi nông hộ" được Tổ chức Manos Unidas (Tây Ban Nha) tài trợ và do Trung tâm phát triển chăn nuôi bền vững thực hiện.
Dự án được triển khai từ năm 2012 đến tháng 12/2014, bắt đầu từ 5 mô hình tại 5 hộ dân ở thôn Đoài Duyệt, xã Vượng Lộc - Can Lộc. Theo đó, đến nay, có 165 hộ áp dụng trên địa bàn 3 xã dự án, trong đó có 20 mô hình chăn nuôi lợn, còn lại là nuôi gà, vịt đẻ...
Mô hình xây dựng hệ thống chuồng đơn giản, đầu tư thấp (mùn cưa, trấu, bột ngô, men vi sinh), giảm được mùi hôi thối của phân, giảm ruồi muỗi, giảm dịch bệnh, hạn chế tiêu chảy, lợn nhanh lớn hơn; phế thải chăn nuôi (phân) là phân hữu cơ vi sinh bón cho các loại cây trồng rất tốt, không cần ủ; người sử dụng tiết kiệm được điện, nước, công vệ sinh chuồng trại, tắm cho lợn, giảm thức ăn trong chăn nuôi…
Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, phát triển chăn nuôi là việc làm cần thiết để nâng cao đời sống nông hộ, nhất là chăn nuôi lợn theo quan điểm phát triển từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Vấn đề đặt ra là hiệu quả và môi trường. Vì thế, việc nghiên cứu sâu và nhân rộng mô hình này là điều cần thiết. Do đó, thời gian tới, huyện Can Lộc cần đánh giá khách quan, khoa học để nhân rộng mô hình. Tỉnh sẽ đưa dự án SIDA vào hỗ trợ.
Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất đầu tư cho một số mô hình trang trại bài bản để làm điểm; lên kế hoạch, xây dựng chương trình, chọn nhóm hộ ở các huyện để triển khai nhân rộng...