Thanh âm mùa đông

(Baohatinh.vn) - Nếu bốn mùa là những âm sắc trong một bản nhạc thì mùa đông là một nốt trầm đầy lắng sâu, da diết. Đi qua những ngày xưa cũ, mùa đông trên quê hương Hà Tĩnh hôm nay vang lên những thanh âm rộn ràng hòa vào những giai điệu sâu lắng ấy.

Thanh âm mùa đông

Một mùa đông nữa lại về, trên mỗi miền quê Hà Tĩnh đang vang lên muôn vàn giai điệu rộn ràng, ấm áp

Nỗi nhớ mùa đông...

5 giờ sáng một ngày mùa đông, tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên, chị Mai Thị Vinh (40 tuổi ở khu tái định cư Đông Yên, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) thức dậy. Buổi sáng mùa đông, trong gió mưa rào rạt ngoài vườn là những âm thanh khe khẽ của tiếng dầu sôi trong chảo trên bếp. Khi mọi thứ đã xong cũng là lúc đến giờ chị Vinh thức các con dậy ăn cơm, chuẩn bị đi học. Đúng 6h30, chồng vào nhà máy làm việc, chị đưa con đến trường, rồi đến xưởng của tổ hội nghề may trong khu tái định cư. Ở đó, các chị em trong tổ hội đã có mặt đông đủ để chuẩn bị công việc cho một ngày mới.

Đã 2 năm nay, kể từ sau dịch COVID-19, cuộc sống của gia đình chị Vinh cũng như nhiều chị em khác trong khu tái định cư đã dần thay đổi, ổn định. Chị cảm thấy hạnh phúc khi được ở gần các con. Còn nhớ những năm trước, do cuộc sống mưu sinh, vợ chồng chị phải gửi con lại cho ông bà đi làm việc tại miền Nam. Dịch bệnh phức tạp, hai vợ chồng trở về, người chồng làm công nhân ở Công ty TNHH Giang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh còn chị chưa biết làm gì để sống. Lúc đó, nhờ có tổ hội nghề may do chị Trần Thị Thuyết ở cùng thôn mở ra nên chị và nhiều chị em có việc làm ổn định, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Thanh âm mùa đông

Công nhân làm việc tại xưởng của Tổ hội nghề may khu tái định cư Đông Yên (Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh).

Năm nay, mùa đông về bên căn xưởng may ấm cúng, trong tiếng máy khâu chạy đều đều, chị Vinh lại nhớ những mùa đông xưa. Ấy là từ những mùa đông rét mướt, lúc chị còn ở tuổi thanh niên. Khi chiếc đài radio vang lên bản tin “Gió mùa đông bắc”, chị lại thở dài. Chị sợ chuỗi ngày gió bấc mưa phùn phải lên rừng, xuống ruộng trên những con đường lầy lội. Cùng những âm thanh gió rít bên tai, bùn đất bì bõm dưới chân là cái rét tê tái thấu xương.

Thế rồi Khu kinh tế Vũng Áng được xây dựng, cả một vùng quê nghèo hoang sơ giữa mùa đông trở thành những nhà máy, công trình. Nhà xưởng mọc lên, những con đường mới được mở... tất cả nhộn nhịp những thanh âm của sự no ấm. Gia đình chị cùng nhiều người dân trong làng chuyển về khu tái định cư và nhanh chóng xây dựng nông thôn mới, rồi khu dân cư kiểu mẫu. Nhiều thanh niên trước đây bôn ba làm thuê khắp mọi miền, giờ đã trở thành những công nhân nhà máy, xí nghiệp ngay trên quê hương mình.

Thanh âm mùa đông

Từ một vùng quê nghèo hoang sơ thị xã Kỳ Anh vươn mình đầy sức sống. Ảnh: Huy Tùng.

Mùa đông năm nay về với chị Vinh và nhiều người dân nơi miền quê cực Nam Hà Tĩnh vẫn bắt đầu bằng những cơn gió mùa đông bắc nhưng ấm áp hơn bởi thanh âm của nhịp sống sôi động trên các công trình, nhà máy lẫn những ngôi trường khang trang có tiếng trẻ em ríu rít đọc bài...

Ngân nga tiếng chuông chùa cổ

4h30 sáng, một ngày mùa đông. Như thường lệ, tiếng chuông chùa Đại Bi từ núi Động Quan ngân lên từng nhịp, lan xa tới các thôn làng ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà). Trong mây mù rét mướt ngày đông, tiếng chuông là thanh âm quen thuộc thức nhiều người dân làng quê ven chân núi Hồng chuẩn bị đón ngày mới.

Là một ngôi chùa cổ nổi tiếng có tuổi đời hàng trăm năm, tuy nhiên do thời gian và chiến tranh tàn phá, sau những năm 1960, chùa Đại Bi trở thành phế tích. Năm 2015, dưới sự vận động của chính quyền địa phương, các mạnh thường quân và người dân đã chung tay góp sức được gần 1 tỷ đồng phục dựng, tôn tạo lại ngôi chùa. Để phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, chính quyền cũng đã liên hệ với Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh mời các đại đức về trụ trì và chăm lo hương khói cho di tích văn hóa tâm linh.

Thanh âm mùa đông

Chùa Đại Bi (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) di tích được trùng tu tôn tạo bằng nguồn vận động xã hội hóa.

Nhiều năm nay đối với bà Hồ Thị Thới (70 tuổi, thôn Trung Sơn) và bà Trần Thị Dinh (64 tuổi, thôn Thượng Phú), tiếng chuông chùa Đại Bi trở thành âm thanh quen thuộc nhắc nhở hai bà thức dậy chuẩn bị lên chùa làm lễ. Thấm nhuần Phật pháp làm lành, lánh dữ, sống chan hòa yêu thương, các bà không ngừng dạy bảo con cháu noi theo. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình bà Thới và bà Dinh không chỉ ấm êm, hạnh phúc, các con của 2 bà cũng luôn nỗ lực vươn lên đồng thời không ngừng chia sẻ những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Như một nhân duyên, anh Phan Trọng Hải (SN 1990, con trai bà Dinh) hiện là Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng H&T (viết tắt là HTcons) có trụ sở ở Hà Nội và anh Phạm Bá Toàn (SN 1990, con trai bà Thới) vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh HTcons ở TP Hà Tĩnh đều là những người tích cực thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương.

Nhiều năm qua, 2 anh đã thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ người nghèo trên địa bàn Lộc Hà nói riêng và Hà Tĩnh nói chung với trị giá hàng trăm triệu đồng như: kêu gọi hỗ trợ quà tết cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn; đóng góp cho các đợt vận động kêu gọi hỗ trợ các hoàn cảnh éo le đột xuất, bị thiên tai, dịch bệnh... Ngoài ra, từ năm học 2022-2023, anh Phan Trọng Hải cùng bạn bè đã kết nối với Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi thành lập Quỹ học bổng thường niên hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, quỹ đã hỗ trợ được 3 đợt, mỗi đợt từ 25-30 triệu đồng. Những ngày này, anh Hải đang phối hợp với Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi để chuẩn bị trao học bổng đợt tiếp theo vào đầu tháng 12/2023.

Thanh âm mùa đông

Anh Phan Trọng Hải (giữa) cùng những người bạn và Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi trao học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi, dịp tháng 2/2023.

Anh Phan Trọng Hải bày tỏ: “Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương luôn là niềm tự hào và động lực để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống. Và cũng với ý nghĩa đó, bên cạnh nỗ lực kiến tạo thành công cho bản thân, gia đình, trong khả năng của mình, chúng tôi luôn mong muốn chia sẻ những điều tốt đẹp với cộng đồng. Bắt đầu từ những việc thiện nguyện đến với các mảnh đời khó khăn, các em học sinh nghèo có ý chí vươn lên trong cuộc sống”.

Câu chuyện của gia đình bà Hồ Thị Thới và bà Trần Thị Dinh khiến tôi nghĩ đến tiếng chuông chùa Đại Bi và nhiều ngôi chùa, di tích văn hóa, lịch sử khác trên quê hương. Ở đó, cùng với nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa trong thời gian qua, các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương di sản “núi Hồng - sông La” đang dần được đánh thức và lan tỏa trong đời sống.

Thanh âm mùa đông

Những miền quê dưới chân núi Hồng ngày càng khang trang, vang lên những thanh âm mùa đông tươi vui, hạnh phúc. Trong ảnh: Một góc nông thôn mới xã Hồng Lộc (Lộc Hà) hôm nay.

Đông vẫn về với những cơn gió mùa se sắt nhưng nay đã ấm áp hơn bởi sự no ấm, khang trang trên mọi miền. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, trong đó, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đã đề ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế... Đặc biệt, Hà Tĩnh xác định lấy văn hóa làm sức mạnh nội sinh, khơi dậy khát vọng, động lực phát triển và đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện với mục tiêu mang lại đời sống no ấm, thịnh vượng cho quê hương.

Một mùa đông nữa lại về, dẫu thời tiết miền Trung vẫn luôn khắc nghiệt nhưng cuộc sống trên mỗi miền quê Hà Tĩnh hôm nay đang rung lên muôn vàn giai điệu rộn ràng, ấm áp của sự no ấm, khang trang và yêu thương chia sẻ.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…