“Một thị xã khiêm nhường trong gian khó”
Tôi cùng ông Hồ Văn Hiếu, nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh bước chậm rãi trên quảng trường Thành Sen, cùng ôn lại những chặng đường gian khó và kiên cường của một thị xã nhỏ bé trong hành trình dài của lịch sử Hà Tĩnh 193 năm kể từ ngày lập tỉnh (1831) và gần 100 năm, kể từ ngày vua Khải Định ban hành Đạo dụ thành lập TX Hà Tĩnh (15/6/1924). Dù đã 83 tuổi nhưng ông Hiếu vẫn rất minh tường. Nhà ông ở phố Nguyễn Trung Thiên, mở cửa là nhìn thấy cầu Vồng, sông Cụt. Ngày nào ông cũng đi bộ ra quảng trường, dõi theo những bước chuyển mình của thành phố với bao phấp phỏng và vui sướng.
“Thị xã này lạ lắm. Là trung tâm của tỉnh lỵ nhưng không ít lần tách nhập, có tên rồi không tên. Thời lập tỉnh 1831 thì chỉ là nơi đặt trụ sở của các quan tỉnh, không phải là đơn vị hành chính. 9 năm kháng chiến chống Pháp là một xã của Thạch Hà. Đặc biệt là sau 15 nhập tỉnh thì chỉ là thị xã nghèo phía Nam Nghệ Tĩnh. Tôi đã từng viết “Một thị xã khiêm nhường trong gian khó… 15 năm ai nhớ ai quên” - ông Hiếu bùi ngùi nhớ lại.
Được chọn là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh nhưng đến năm 1833, thành Hà Tĩnh mới được đắp bằng đất, mở 4 cửa Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Sau khi tách nhập, đổi dời đơn vị hành chính Hà Tĩnh với Nghệ An, mãi đến năm 1881, thành Hà Tĩnh mới được xây dựng bằng gạch và đá ong, vẫn mở 4 cửa, có Hào Thành xung quanh. Huyền thoại Thành Sen có từ năm đó.
Dấu mốc 1924 có ý nghĩa lớn đối với thị xã “phố làng” nhỏ bé. Đó là có phố, có cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, có nhà máy nước dù quy mô nhỏ và đến năm 1940 thì có trạm phát điện. “Phố xá ở trước thành, có mươi con đường ngắn hẹp; Các phố chính là Luy-xiêng Lơ-me (đường Phan Đình Phùng nay), Nguyễn Công Trứ, Tôn Thất Hân, Mô-nê v.v...” (*). Ngoài mấy xóm nông thôn mới lập, phố xã cũ chia làm 8 khu phố: phố Tiền Môn trước cửa tiền, phố Hậu Môn phía trước cửa hậu; phố Tả Môn phía trước cửa tả; phố Hữu Môn phía trước cửa hữu, phố Tân Giang bên bờ Bắc sông Cụt; phố Nam Ngạn bên bờ Nam sông Cụt; phố Hoàn Thị xung quanh chợ Tỉnh; phố Tịnh Trung là khu vực từ ngã tư Hồng Ký đi về phía Tây. Tất cả các phố đều nằm bao quanh thành Hà Tĩnh.
Tuy đã là đô thị nhưng trải qua bao biến động của lịch sử, nhất là sau 2 cuộc chiến tranh cho đến thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, Thành Sen vẫn mang dáng dấp “phố làng”. Ông Hiếu không thể quên được ký ức những ngày đầu mới tái lập tỉnh vào năm 1991. “Một đoạn đường rải đá chưa xong/ Khắp phố phường đang còn đợi ánh trăng/ Mùa mưa lụt đường đi về lầy lội/ Càng suy nghĩ càng đắn đo nhiều nỗi”. Nhưng rồi với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, sự đồng lòng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và toàn dân, Thành Sen đã từng bước “lột xác” vươn mình trong thế đứng của một trung tâm tỉnh lỵ, một đô thị trẻ đang tuổi thanh xuân.
Hiện thực hóa giấc mơ thành phố hiện đại
Nghị quyết số 18 của BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010-2015 ban hành đã tạo đòn bẩy để TP Hà Tĩnh có bước chuyển mạnh mẽ. Sau khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, TP Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại III.
Ngày mỗi ngày, bộ mặt thành phố lại rạng rỡ thêm. Những tuyến đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Du kéo dài, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Nguyễn Trung Thiên kéo dài nối với 26/3, đường Nam cầu Cày đi Thạch Đồng… ngày nào chỉ là những nét vẽ trong bản đồ quy hoạch thành phố nay đã thành hiện thực. Cùng với đường là phố. Các con phố sầm uất, hiện đại như: Hàm Nghi, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Trần Phú, Hà Huy Tập… trở thành điểm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và thương gia.
Con phố Luy-xiêng Lơ-me nay là đường Phan Đình Phùng được cải tạo, mở rộng, nâng cấp tạo niềm vui, phấn chấn cho bao nhiêu người. Hào Thành được nạo vét, tôn tạo. Công viên trung tâm, các hồ nước lớn được xây dựng và hồi sinh, hàng vạn cây xanh được trồng tạo không gian xanh cho cư dân sinh sống. Đề án: “Xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, kết cầu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là “đòn bẩy” quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung, xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Từ một thị xã “phố làng” với 2,2 km2 và hơn 4.400 dân sau Cách mạng tháng Tám, Thành Sen nay đã là đô thị loại II với diện tích gần 5.655 ha, gồm 15 xã, phường, dân số thường trú 100.313 người và tới đây quy mô thành phố còn mở rộng hơn, trở thành nơi quy tụ sức lực, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của người dân cả tỉnh và đồng bào xa quê.
Sinh ra và lớn lên nơi đây mà có những lúc tôi cứ ngỡ ngàng trước những đổi thay của thành phố quê hương. Đừng nói nơi các phố chính nội thành Hà Tĩnh xưa mà các làng xã Thạch Hà nhập vào như Thạch Quý, Thạch Phú, Thạch Trung, Thạch Linh… cũng mỗi ngày thêm hiện đại, văn minh. Ai còn nhận ra một Cồn Cồ trong ý niệm thương đau của trận đói 1945 và một góc phố làng cũ kỹ hắt hiu dăm bảy năm trước? Ai còn nhận ra địa danh Đỗ Đen trên tuyến đường Trần Phú khi thay vào đó là những khách sạn hiện đại, điểm kinh doanh sang trọng? Vật đổi sao dời do đất trời hay do khối óc và bàn tay con người?
Năm 2023 có thể xem là một dấu mốc mới của đô thị trẻ khi toàn thành phố là một công trường với các công trình chỉnh trang đô thị từ mở rộng đường, thay thế, nâng cấp hệ thống thoát thải, hạ tầng kỹ thuật, vỉa hè, điện chiếu sáng... với tốc độ “chóng mặt”, nhất là những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn. Già trẻ trai gái, không chỉ người Thành Sen mà các nơi khác về đều hân hoan phấn khởi trước những tuyến phố thênh thang, sạch đẹp, hiện đại.
“Sau 100 năm kể từ khi thị xã chính thức trở thành tỉnh lỵ đến nay, có thể nói thành phố đã có những thay đổi vô cùng lớn lao. Tôi cũng như mọi người dân rất phấn khởi, tự hào. Nhờ công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, được Trung ương và tỉnh quan tâm nhưng cũng phải khẳng định là do các thế hệ lãnh đạo thành phố, nhất là thời kỳ này đã có sự chỉ đạo quyết liệt, bứt phá, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” - ông Hiếu không giấu nổi niềm vui.
Thành sen, phố và làng
Chiều xuân, chúng tôi hòa bước chân với những người thành phố đi bộ, dạo chơi, chụp ảnh trên quảng trường. Tôi cảm nhận được nét dung dị, chân chất của người Thành Sen, người của “phố làng”, dù đổi thay bởi nét sang trọng lịch lãm của “phố” vẫn không mất đi nét chất phác hồn hậu, chịu thương chịu khó của những người gốc rễ từ “làng”. Trong cái tĩnh của đất Hà Tĩnh mà các nhà nghiên cứu hay chiết tự là “dòng sông êm đềm” đã có nét “động” của những con người thời kỳ đổi mới, biết tự tin, hội nhập bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình.
Tôi ghé thăm cơ sở giò lụa mang tên bà Nuôi Tiêu, một người thuộc thế hệ thứ 3 của nghề làm giò lụa Thành Sen. Nay bà đã thành người thiên cổ nhưng các con của bà thay vì giã giò bằng cối nửa đêm về sáng nay đã có máy xay thịt, nồi điện luộc giò, sản phẩm được công nhận OCOP. Người sành ăn vẫn nhận ra giò lụa Thành Sen chính gốc, như người ăn cu đơ Thư Viện ở vùng Cầu Phủ vẫn tìm về với cửa hàng bên 2 gốc dừa cụt xưa với những vần thơ lục bát của ông chủ lò nấu.
Người Thành Sen dù năng động đổi mới vẫn nhân văn, nghĩa tình và rất lãng mạn, lạc quan yêu đời, hiếu học và học giỏi. Dẫu danh họa Nguyễn Phan Chánh; nhà văn Văn Linh; nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, Quang Huy; nhà nghiên cứu Hồ Tôn Trinh; nhà thơ, học giả Thanh Minh… đã đi xa nhưng trước tác họ để lại vẫn không lu mờ theo năm tháng. Sông Phủ, núi Nài vẫn còn kể những câu chuyện của trận đầu thắng Mỹ ngày 26/3/1965. Bên phố Hữu Môn xưa, ven Hào Thành là ngôi nhà của cố Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Nam, nhạc sĩ Ngọc Thịnh, tác giả thơ Nguyễn Ngọc Vượng… mà câu thơ, nốt nhạc luôn dạt dào âm hưởng quê hương được khán giả, độc giả Hà Tĩnh yêu mến.
Thành phố hội tụ tinh hoa của các vùng miền nên nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa từ mọi miền về sinh sống, trở thành niềm tự hào của người Thành Sen như: nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy; nhà văn Đức Ban; nhà thơ Duy Thảo... Thế hệ trẻ hiếu học có Trịnh Kim Chi, Phan Mạnh Tân, Lê Nam Trường v.v...
Trong cuộc trò chuyện đầu năm mới, Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng nói với tôi về nhiều việc mà thành phố đang tập trung phấn đấu đó là: “Đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ chiến lược, quan trọng như: mở rộng địa giới hành chính; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, hoàn thành các quy hoạch phân khu, triển khai các hạ tầng giao thông chiến lược, Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP Hà Tĩnh, nâng cao các tiêu chí đô thị loại II, đẩy nhanh tiến độ các công trình chỉnh trang đô thị, thoát nước thành phố; tiếp tục xúc tiến, đề xuất các dự án lớn; xây dựng các phường văn minh đô thị, NTM kiểu mẫu, nâng cao… để xây dựng thành phố xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hà Tĩnh và là một trong những đô thị trung tâm của Bắc miền Trung”.
Đọc lại câu thơ của Phạm Ngọc Cảnh: “Một ngọn núi Nài, một dòng sông Cụt, một phố nghèo nuôi lớn cả hồn tôi”, tôi chợt liên tưởng: Thành Sen vẫn sẽ nuôi lớn hồn tôi, nhưng không phải là phố nghèo nữa, mà là một Thành Sen đường bệ và đầy kiêu hãnh trong nắng mới mùa xuân. Nét “làng” nguyên sơ, hồn hậu vẫn được giữ lại, và nét “phố’ sang trọng, lịch lãm của người Thành Sen sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
____
(*) Hà Tĩnh - Thành Sen 160 năm (Thái Kim Đỉnh chủ biên).