Theo dõi sinh trưởng của cây cam bằng điện thoại di động

(Baohatinh.vn) - Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đang góp phần quan trọng giúp HTX Cam Long Nhâm (Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) thay đổi phương thức sản xuất, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Theo dõi sinh trưởng của cây cam bằng điện thoại di động

Anh Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX Cam Khe Mây Long Nhâm sử dụng điện thoại thông minh cập nhật quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cam.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, từ nhiều năm nay, mỗi thành viên HTX Cam Khe Mây Long Nhâm đã tìm hiểu và áp dụng hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát vườn trồng.

Anh Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX Cam Khe Mây Long Nhâm chia sẻ: “Để hỗ trợ cho việc số hóa công tác quản lý sản xuất, đầu năm 2022, Liên minh HTX hỗ trợ HTX 4 hệ thống camera, máy tính, bộ mạng wifi và các thiết bị hỗ trợ đi kèm có giá trị 200 triệu đồng. Các camera được lắp đặt ở khu vực sản xuất, với độ phân giải cao, hệ thống này giúp chúng tôi quan sát, phóng rộng nhìn rõ hiện trạng của từng cây bán kính hơn 1km. Từ đó, chúng tôi có thể quản lý, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, tình hình phát sinh sâu bệnh để tìm biện pháp để xử lý nhanh, không để lây lan sang các khu vực khác".

“Ứng dụng công nghệ số vào trồng trọt rất tiện lợi. Hệ thống tự động hóa cũng giúp nhà vườn giảm số lao động thường xuyên, chẳng hạn như vườn tôi đã giảm từ hơn 10 người trước đây xuống còn 5 người, chi phí cũng giảm đi nhiều. Theo đó, chúng tôi có thể điều chuyển lao động sang lĩnh vực bán hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường và gia tăng hiệu quả kinh tế” - anh Nhâm nói thêm.

Theo dõi sinh trưởng của cây cam bằng điện thoại di động

Hệ thống camera giám sát từ xa giúp các thành viên hợp tác xã yên tâm phát triển sản xuất.

Theo anh Nhâm, HTX Cam Khe Mây Long Nhâm bắt nhịp vào quá trình thực hiện chuyển đổi số khá sớm. Từ thời điểm xây dựng sản phẩm OCOP, các hộ thành viên đều được tư vấn, tập huấn và thực hiện đăng kí mã số mã vạch, gắn tem truy xuất nguồn gốc QR code vào sản phẩm.

Anh Đinh Văn Lâm (thôn 1, xã Hương Đô) cho biết: “Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm. Trước đây, sản xuất nhỏ lẻ thì chưa thật cần thiết nhưng khi quy mô sản xuất mỗi năm càng lớn thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc trở thành yêu cầu bức thiết. Điều này tránh được việc gian lận, trà trộn loại cam kém chất lượng ở nơi khác vào, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cam của cơ sở. Quan trọng hơn, khi thị hiếu thị trường thay đổi, người dân tìm mua những sản phẩm có nguồn gốc thì sản phẩm của chúng tôi đã kịp đáp ứng. Từ đó, tăng cao giá bán, giá trị sản phẩm Cam Khe Mây”.

Theo dõi sinh trưởng của cây cam bằng điện thoại di động

Sản phẩm của HTX Cam Khe Mây Long Nhâm tham gia sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh.

Đến nay, HTX đã hoàn thành việc đăng kí chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm Cam Khe Mây. Ngoài ra, HTX cũng đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây Cam Khe Mây tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

“Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, người tiêu dùng có thể quét mã nhận diện sản phẩm mình định mua từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình, thậm chí là ngày thu hoạch, hạn sử dụng, các chứng chỉ kèm theo và địa chỉ, số điện thoại liên hệ với nhà vườn. Cách làm này giúp chúng tôi có thể dễ dàng bán được hàng và tìm kiếm thị trường mới” - anh Nguyễn Văn Chung (thôn 3, xã Hương Đô), thành viên HTX chia sẻ.

Theo dõi sinh trưởng của cây cam bằng điện thoại di động

Chị Phan Thị Nga ngày càng tin tưởng vào hiệu quả của việc ứng dụng chuyển đổi số trong việc kiểm soát và phòng trừ sâu bệnh.

Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh COVID-19 vừa qua, việc áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm đã giúp HTX tránh được tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, giúp nhiều nông dân “thoát” tình trạng ứ đọng hàng.

Chị Phan Thị Nga, thành viên HTX (thôn 1, xã Hương Đô, huyện Hương Khê) chia sẻ: "Để thích nghi với tình hình, các thành viên trong HTX đã tích cực sử dụng mạng xã hội, website camkhemay.com, sàn giao dịch điện tử hatiplaza.com... tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến nhằm mở rộng kênh tiêu thụ. Qua đó, nhiều khách hàng biết đến để đặt mua, tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ. Doanh thu vụ cam năm 2021 đạt gần 1 tỷ đồng”.

Theo dõi sinh trưởng của cây cam bằng điện thoại di động

Anh Lê Văn Phương - Phó Giám đốc HTX Cam Khe Mây Long Nhâm sử dụng phần mềm kế toán để quản lí hoạt động của hợp tác xã.

Năm 2021, doanh thu của HTX đạt hơn 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020. HTX trở thành đối tác cung cấp cam cho hệ thống siêu thị Vinmart, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn địa bàn toàn tỉnh.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX Cam Khe Mây Long Nhâm cho biết: “Để có những kết quả đó, cùng với sự đồng lòng của 30 thành viên HTX thì sự mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số của bà con đã tạo nên bước đột phá này. Chuyển đổi số ở HTX Cam Khe Mây Long Nhâm sẽ không chỉ dừng lại ở áp dụng các thiết bị thông minh, quét mã QR code, tham gia sàn thương mại điện tử mà sẽ được tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: ứng dụng công nghệ không gian, IOT, Big data, AI,... trong dự báo, phân tích chính sách, thị trường tiêu thụ; tư vấn trực tuyến; trải nghiệm sản xuất sản phẩm trên không gian mạng; minh bạch dữ liệu bằng công nghệ DGK Blockchain Hub,...”.

Theo dõi sinh trưởng của cây cam bằng điện thoại di động

68 ha cam của HTX Cam Khe Mây Long Nhâm đang bước vào giai đoạn nuôi quả hứa hẹn mùa cam bội thu.

HTX Cam Khe Mây Long Nhâm là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng các thiết bị chuyển đổi số. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực mở các lớp tập huấn nhằm giúp các HTX ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững. Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX tiếp cận với chuyển đổi số với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các HTX để lựa chọn, xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số…

Ông Lê Đăng Phúc - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.