Theo sát đồng ruộng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Lúa xuân ở Hà Tĩnh đang bắt đầu bước vào đợt trổ bông tập trung, tuy nhiên điều kiện thời tiết đang diễn biến bất lợi, bệnh đạo ôn cổ bông có thể phát sinh, gây hại.

Theo sát đồng ruộng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Hà Tĩnh có hơn 5.200 ha lúa, tập trung tại huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà… đã trổ bông.

Nhiều diện tích vào “tầm ngắm” của đạo ôn cổ bông

Tại huyện Nghi Xuân, hiện một số diện tích bà con gieo cấy trước lịch thời vụ khuyến cáo thuộc xã Đan Trường, Xuân Phổ đã bị đạo ôn cổ bông gây hại. Tỉ lệ lúa bị nhiễm bệnh trung bình 5 - 7%, cục bộ 15 - 20%, diện tích 0,5 ha.

Trong điều kiện thời tiết còn nhiều diễn biến thất thường, theo ông Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, địa phương đã phối hợp với cán bộ khuyến nông cấp xã hướng dẫn người dân tiêu hủy số lúa nhiễm bệnh, đồng thời khuyến cáo bà con phun phòng những diện tích chuẩn bị trổ để hạn chế thiệt hại.

Theo sát đồng ruộng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Cán bộ Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh kiểm tra tình hình phát sinh dịch đạo ôn lá tại các địa phương.

Hiện nay, hơn 9.500 ha lúa xuân của huyện Cẩm Xuyên đang bước vào giai đoạn trổ bông, dự kiến trổ rộ (trên 80% diện tích) từ ngày 25/4 - 5/5, sẽ trùng vào các đợt dự báo có không khí lạnh tràn về, có mưa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, thuận lợi cho các loại sâu bệnh, đặc biệt là đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại.

Ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nhiều diện tích trổ có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nếu bà con không cảnh giác. Huyện khuyến cáo bà con phun phòng trừ trên tất cả diện tích, nhất là các giống lúa mẫn cảm với bệnh như VNR20, Khang Dân, Bắc Thịnh, RVT…

Tại các địa phương là “rốn” của đạo ôn như Cẩm Hưng, Cẩm Dương, Cẩm Quan…; những diện tích gieo dày, bón thừa đạm ở Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Sơn…, bà con cần đặc biệt lưu ý thăm đồng thường xuyên trong giai đoạn nhạy cảm với sâu bệnh hiện nay”.

Theo sát đồng ruộng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Vết bệnh của đạo ôn cổ bông tại huyện Nghi Xuân.

Ngoài ra, bệnh đạo ôn cũng đã xuất hiện trên cổ bộ lá công năng ở một số giống như: Thái Xuyên 111, ADI 168, VNR20, LP5, BQ,... tại Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên); Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân (Đức Thọ)... Đây là nguồn bệnh có nguy cơ chuyển tiếp gây hại trên cổ bông rất cao.

Hà Tĩnh có hơn 5.200 ha lúa, tập trung tại huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê… đã trổ bông. Dự kiến, khoảng 27.000 ha sẽ trổ từ 22 - 25/4 và khoảng 26.000 ha còn lại trổ sau 25/4. Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, khoảng ngày 23 - 25/4 và sau ngày 25/4 đến đầu tháng 5/2023, khả năng trên địa bàn tiếp tục có không khí lạnh tăng cường, thời tiết duy trì hình thái trời nhiều mây, có mưa, ẩm độ không khí cao, nhiệt độ trung bình 25 độ C.

Đây là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bào tử nấm đạo ôn phát sinh, phát triển vào đúng giai đoạn lúa trổ bông tập trung của toàn tỉnh, có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng lúa toàn vụ.

Theo sát đồng ruộng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) kiểm tra thực địa đồng ruộng tại các huyện Đức Thọ.

Theo dõi đồng ruộng để phòng trừ

Vừa qua, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã kiểm tra thực địa đồng ruộng tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Cẩm Xuyên.

Tại cuộc kiểm tra, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, hầu hết diện tích lúa của Hà Tĩnh sẽ trổ bông tập trung từ nay đến 5/5, đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt khuyến cáo người dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, nhất là trên các giống nhiễm đạo ôn, diện tích vừa bị đạo ôn lá.

Dự báo, sau 30/4, thời tiết khu vực Bắc Trung Bộ sẽ đón các đợt rét Nàng Bân, kèm theo mưa. Do đó, trà lúa muộn của các địa phương phải rất lưu ý phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông sớm. Rút kinh nghiệm vụ xuân năm 2017, dù phát hiện viết bệnh đạo ôn, ngành chức năng chỉ đạo phun phòng nhưng gặp phải thời tiết mưa nên không thể phun được nữa, dẫn đến mất mùa diện rộng.

Theo sát đồng ruộng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Hiện nay, bà con nông dân cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi hơn để phun phòng đạo ôn cổ bông.

Trước nguy cơ xuất hiện trên đồng ruộng, bà con nông dân cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi hơn để phun phòng đạo ôn cổ bông. Anh Phan Văn Hưng (xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “3 sào lúa đã có vết bệnh đạo ôn cổ lá và đang có xu hướng lan rộng nên tôi phải chủ động phun phòng ngay, tránh phát sinh thành đạo ôn cổ bông”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành công điện về phòng trừ đạo ôn trên lúa, yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường giám sát đồng ruộng để có các giải pháp ứng phó phù hợp.

Kịp thời kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống để có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, chú trọng trên các diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như Thái Xuyên 111, ADI 168, VNR20, BQ, Hương Bình, ND502, LP5, QP5... và các diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh.

Thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tổ chức phòng trừ dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình sản xuất, diện tích lúa nhiễm bệnh và công tác chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh trên địa bàn về UBND tỉnh (qua Sở NN&PTNT), tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast