Thoát cảnh ly hương nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP

(Baohatinh.vn) - Sau nhiều năm bôn ba mưu sinh ở Thái Lan, chị Nguyễn Thị Đào (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) trở về quê khởi nghiệp với sản phẩm “Nước chấm Thanh Mai”.  

Thoát cảnh ly hương nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP

Chị Nguyễn Thị Đào - chủ cơ sở sản xuất nước chấm Thanh Mai

Năm 2014, chị Nguyễn Thị Đào (SN 1996, ở thôn 6, xã Quang Thọ, Vũ Quang) theo sự giới thiệu của người quen sang Bangkok (Thái Lan) tìm việc làm. Tại đây chị làm nhiều công việc như: nhân viên giao hàng, bán thức ăn đường phố... để mưu sinh. Năm 2015, sau khi quen và gắn bó với anh Trần Văn Trình (SN 1991), người cùng quê cũng đang làm thuê tại nước bạn, cả 2 quyết định về nước tổ chức đám cưới.

Tuy nhiên, ở quê không có việc làm ổn định, vợ chồng chị Đào lại cùng nhau tiếp tục ly hương mưu sinh nơi đất khách. Mãi cho đến cuối năm 2019, do đại dịch COVID-19 bùng phát, cả hai vợ chồng cùng 2 con gái (5 và 1 tuổi) quyết định về lại Vũ Quang lập nghiệp.

Thoát cảnh ly hương nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP

Chị Nguyễn Thị Đào thực hiện quy trình chế biến nước chấm bằng nồi chuyên dụng.

Để mưu sinh, chị Đào bắt đầu với công việc chế biến loại nước chấm đa năng mà chị học được công thức từ những ngày làm việc ở Thái Lan, để bán cho bà con trong thôn. “Nước chấm Thanh Mai” bao gồm các thành phần chủ yếu là thực vật như: vừng, ớt, tỏi, đường, nước... Nước chấm được chị Đào chế biến, gia giảm phù hợp với khẩu vị người Việt, sau đó xay trộn, chưng hấp với nhiệt độ thích hợp, cho ra đời sản phẩm hình thức như nước tương, có thể dùng để chấm hoặc nêm nếm các món ăn hằng ngày.

Sản phẩm dần được nhiều người yêu thích, tiếng lành đồn xa, nhiều khách ở địa phương khác cũng tìm đến mua dùng. Tuy nhiên lúc đó, chị sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu do khách đặt trước, nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.

Thoát cảnh ly hương nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP

Chị Nguyễn Thị Đào và chồng là anh Trần Văn Trình thực hiện khâu đóng gói cho sản phẩm của cơ sở sản xuất.

Bước ngoặt giúp chị Đào nâng cao thương hiệu sản phẩm của mình để vươn ra thị trường là nhờ vào các cấp hội phụ nữ và chính quyền địa phương. Chị Đào chia sẻ: “Lúc đầu, tôi xem việc làm nước chấm bán cho bà con chỉ là tạm thời nhưng sau khi được chị em các cấp hội phụ nữ động viên, hỗ trợ để xây dựng và phát triển thì tôi nghĩ đến hướng đi mới cho mình, quyết tâm khởi nghiệp bằng sản phẩm này”.

Đầu năm 2022, được sự động viên, hỗ trợ của Hội LHPN huyện Vũ Quang, chị Đào bắt đầu tham gia các lớp tập huấn của hội và tham dự cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022”. Kết quả, dự án khởi nghiệp “Nước chấm Thanh Mai” của chị đạt giải nhất toàn huyện và giải “Ý tưởng tiềm năng” tại chung kết cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh năm 2022.

Thoát cảnh ly hương nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP

Nguyên liệu chính của nước chấm Thanh Mai gồm: vừng, ớt, tỏi các gia vị khác...

Có được các giải thưởng và kiến thức từ các lớp tập huấn đã giúp chị Đào tự tin đầu tư hàng chục triệu đồng vào mua máy móc, thiết bị chuyên dụng để mở rộng sản xuất. Đồng thời thực hiện các bước như: đăng ký nhãn hiệu, làm các thủ tục chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhờ đó, sản lượng sản xuất của cơ sở nước chấm Thanh Mai không ngừng tăng lên, riêng dịp tết Nguyên đán 2023 vừa qua, chị Đào đã xuất ra thị trường gần 30.000 sản phẩm, thu về khoảng 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng.

Đầu năm 2023, với sự động viên và hỗ trợ của chính quyền và các cấp hội phụ nữ, chị Đào tiếp tục thực hiện các bước xây dựng sản phẩm OCOP. Sau các vòng xét chọn, ngày 19/6/2023 vừa qua, UBND huyện Vũ Quang đã có quyết định công nhận, sản phẩm nước chấm Thanh Mai đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Thoát cảnh ly hương nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP

Quá trình khởi nghiệp của chị Đào luôn nhận được sự quan tâm động viên, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ. Trong ảnh: Ban Tổ chức cuộc thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022" trao tặng giải thưởng "Ý tưởng tiềm năng" cho chị Nguyễn Thị Đào (thứ 5 từ trái sang) cùng các thí sinh.

Chị Đào cho biết: “Trước đây, tuy sản phẩm đã được nhiều đại lý ở các huyện, thành phố trong tỉnh tìm đến để phân phối nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm bởi chưa có thương hiệu. Nhưng nay, với việc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, tôi thêm vững tin và yên tâm sản xuất cũng như quảng bá, tiêu thụ rộng rãi hơn nữa trên thị trường. Vợ chồng tôi cũng xác định sẽ gắn bó với quê hương và không ngừng mở rộng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời gian tới”.

Từ cuộc sống ly hương mưu sinh nơi đất khách, việc khởi nghiệp và xây dựng thành công sản phẩm OCOP đã giúp vợ chồng chị Nguyễn Thị Đào ổn định cuộc sống, gắn bó với quê hương.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong đó gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong xây dựng NTM là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp hội phụ nữ. Thời gian qua, Hội LHPN Vũ Quang luôn tích cực sâu sát với cơ sở tuyên truyền, vận động chị em khởi nghiệp, khởi sự sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện đã có 4/13 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ. Việc khởi nghiệp và nhất là xây dựng thành công sản phẩm OCOP đã giúp nhiều chị em có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vũ Quang

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.