Bà con nông dân xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông vào thời điểm lúa bước vào giai đoạn trổ bông.
Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay: “Các đợt mưa ẩm cuối mùa xen kẽ những ngày qua không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của một số diện tích lúa trổ sớm (từ 10 - 12/4) mà còn trở thành môi trường cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại.
Hiện nay, nhiều diện tích đã xuất hiện các bệnh trên cổ lá, nếu không kịp phòng trừ, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh và trở thành mầm bệnh lây lan sang cổ bông, nhất là đối với nhóm trổ trước ngày 20/4 với khoảng 30.000 ha (khoảng 50% tổng diện tích)”.
Thời tiết mưa ẩm khiến cho người nông dân lo lắng, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng.
Theo điều tra mới nhất của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên cổ lá ở nhiều loại giống như: Thiên ưu 8, Khang dân 18, BT09, Bắc hương 9, ADI 168, Thái xuyên 111… Diện tích nhiễm toàn tỉnh khoảng gần 120 ha với tỷ lệ trung bình từ 3 - 5%, có những nơi cục bộ lên đến 30 - 40%.
Một số địa phương như: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, TX Hồng Lĩnh… tiếp tục là “tâm” của nỗi lo dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, xã Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Nhà tôi làm hơn 1 mẫu ruộng, lúa sinh trưởng rất tốt và bắt đầu trổ bông. Mấy hôm nay nắng ít, mưa ẩm nhiều nên tôi lo nhất là bệnh đạo ôn trở lại; giờ mà xuất hiện trên cổ bông nữa thì rất khó để có vụ mùa thắng lợi. Tôi đã phun phòng phủ hết diện tích rồi nhưng ngày nào cũng phải ra thăm đồng, vạch lá xem có vết bệnh nào không để phun tiếp đợt hai”.
Nông dân Can Lộc kiểm tra các vết bệnh ở những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá.
Khó khăn nhất là thời tiết đang chuyển mưa, số giờ nắng trong ngày rất ít ỏi. Vì thế mà việc phòng trừ của bà con nông dân cũng không được thuận lợi. “Những ngày này có mưa nhiều vào sáng sớm hoặc chiều tối, đây cũng là thời điểm tốt nhất để phun phòng trừ bệnh đạo ôn. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết như thế này, không phun không yên tâm nhưng phun thì thuốc bị giảm hiệu lực” - bà Nguyễn Thị Hoa, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) cho biết.
Từ nay đến 20/4, toàn tỉnh sẽ có khoảng 30.000 ha lúa xuân trổ bông.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 12.000 ha lúa xuân trổ bông, chiếm 21% tổng diện tích. Diện tích trổ bông sẽ còn tăng nhanh và tập trung trong những ngày tới, dự kiến đến ngày 20/4 sẽ có khoảng 30.000 ha trổ bông, chủ yếu là nhóm giống lúa chủ lực. Trong khi, thời tiết được dự báo vẫn chưa thể ổn định, các đợt gió mùa và mưa ẩm vẫn tiếp diễn đến hết 30/4 tới.
Đây là thời điểm phải tập trung quyết liệt nhất cho công tác phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông. Các địa phương cần tuân thủ chỉ đạo theo công điện số 05/CĐ-UBND ngày 9/4/2021 về việc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa vụ xuân 2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chỉ đạo bà con nông dân phun phòng trừ tất cả các diện tích đã bị nhiễm đạo ôn lá ở giai đoạn trước, các diện tích mới bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ lá.
Đối với những diện tích đã tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh và số diện tích trổ từ ngày 15 - 20/4 (khoảng 18.000 ha), nhất thiết phải phun lại lần 2.
Bên cạnh đó, số diện tích trổ sau ngày 20/4 vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh và có thể chuẩn bị chủ động phòng trừ đối với những nhóm giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn. Đồng thời, địa phương và đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo bà con không nên phun thuốc vào những ngày có mưa, đặc biệt là ngày có mưa vào sáng sớm vì bộ lá ướt sẽ không hấp thụ được thuốc cho đồng ruộng.