Tích cực "bơm" vốn cho nông nghiệp - nông thôn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đã tạo điều kiện “bơm vốn”, tăng hạn mức tín dụng cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình quy mô, hàng hóa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gia đình anh Phạm Khánh Tuấn, trú tại thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh) khởi nghiệp từ mô hình nuôi cá lồng bè từ 8 năm trước. Từ vài ba lồng bè ban đầu, đến nay, anh đã sở hữu hàng chục lồng bè nuôi cá các loại.

22.JPG
Lãnh đạo Agribank Chi nhánh Kỳ Anh kiểm tra mục đích sử dụng vốn của gia đình anh Phạm Khánh Tuấn.

Anh Tuấn chia sẻ: “Đầu tư nông nghiệp muốn thành công phải theo hướng quy mô, hàng hóa; đồng nghĩa vốn đầu tư phải lớn. Trong quá trình hình thành và phát triển mô hình, chúng tôi đã được Agribank Chi nhánh Kỳ Anh tài trợ vốn đầu tư. Gần đây nhất, cuối năm 2023, gia đình đã được giải ngân 1,5 tỷ đồng để nâng quy mô nuôi cá lồng bè lên trên 20 lồng, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn cá các loại, mang về lợi nhuận từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm”.

Theo ông Võ Minh Mạnh - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II: Tổng dư nợ toàn chi nhánh hiện đạt 14.218 tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 85%. Agribank đã đồng hành cùng nhà nông, các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư các mô hình nông nghiệp hiệu quả như: nuôi trồng - đánh bắt thủy hải sản, thu mua - chế biến thủy hải sản, trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc - gia cầm…, góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn và đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với kế hoạch kinh doanh của mình, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cũng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ như: cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020; Quyết định 868/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định hướng dẫn trình tự, hồ sơ thủ tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM và Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được Vietcombank Hà Tĩnh áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng như: điều chỉnh hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ...

14.jpg
Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh được Vietcombank Hà Tĩnh cho vay vốn duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh hiện có quy mô trên 3.000 con nái. 2 năm qua, tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng Vietcombank Hà Tĩnh vẫn đồng hành, tiếp vốn hàng chục tỷ đồng để doanh nghiệp đầu tư, duy trì ổn định chuỗi sản xuất – kinh doanh, đảm bảo chuỗi liên kết, góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi Hà Tĩnh.

Theo đại diện Vietcombank Hà Tĩnh, tính đến ngày 14/3/2024, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 14.980 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và hội sở, chi nhánh luôn ưu tiên dòng vốn, đồng hành cùng doanh nghiệp chăn nuôi, giống cây trồng, xuất khẩu lúa gạo… có tiềm lực để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài khối “big 4”, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn như: HD Bank, Bắc Á Bank, VP Bank, MB Bank… cũng luôn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng hành cùng tỉnh nhà xây dựng nông thôn mới, các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện để khách hàng đủ điều kiện vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn như: đầu tư các mô hình kinh tế tiềm năng dựa trên thế mạnh từng vùng miền, mô hình trang trại liên kết, trang trại tự chủ quy mô lớn, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao...

Tính đến đầu tháng 3/2024, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt khoảng 44.061 tỷ đồng, chiếm 45,92% tổng dư nợ trên toàn địa bàn và tăng 1,34% so với cuối năm 2023.

17.jpg
Đến đầu tháng 3/2024, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt khoảng 44.061 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Tĩnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc NHNN Việt Nam, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh.

Cùng đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô 15.000 tỷ đồng, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast