Chiều 5/2, tại Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau hơn 6 năm chống khai thác IUU (từ tháng 10/2017) và qua 4 đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), các bộ, ngành địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp, do đó tình hình chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến nay một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vẫn chưa đảm bảo tiến độ.
Một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Từ sau đợt thanh tra thứ 4 (tháng 10/2023) của EC đến nay, tiếp tục xảy ra 17 tàu/190 ngư dân bị nước ngoài tạm giữ, xử lý; từ đầu năm 2023 đến nay có 64 tàu/550 ngư dân bị tạm giữ, xử lý.
Hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không”. Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS vẫn xảy ra; từ đầu năm 2023 đến nay, gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày.
Việc thực hiện quy định xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU còn thiếu quyết liệt, đồng đều giữa các địa phương.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ thực trạng, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chống khai thác IUU, đề xuất các giải pháp chống khai thác IUU để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan tham dự cuộc họp tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành và địa phương liên quan trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong việc chống khai thác IUU; thực hiện nghiêm túc các công điện, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, chú trọng thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các địa phương còn số lượng tàu vi phạm lớn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Thủy sản, đặc biệt cần tận dụng cơ hội dịp tết khi các tàu về bờ để thực hiện tuyên truyền; tập trung quyết liệt việc quản lý tàu ra khơi; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, không có ngoại lệ.
Hà Tĩnh hiện có tổng số 2.710 tàu cá đã được đăng ký; có 2.525 giấy phép khai thác thủy sản còn hạn, đạt 93,37%. Trên địa bàn tỉnh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản tại các cảng cá cho tàu cá cập cảng về cơ bản thực hiện đầy đủ. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đang hoạt động đạt 100%. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.157 tàu cá “3 không”. Tỷ lệ đăng kiểm tàu cá còn đạt thấp (đến nay mới đạt 43,47%). Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp mạnh chống khai thác IUU. UBND các huyện, thị xã ven biển chịu trách nhiệm, chỉ đạo, kiểm tra các chủ tàu, yêu cầu chủ tàu khẩn trương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Sở NN&PTNT kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trong và ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn; có giải pháp quyết liệt đối với những tàu cá mất kết nối thiết bị VMS; chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác giám sát sản lượng, thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác tại, đảm bảo tuân thủ đúng quy định. |