Ông Nguyễn Văn Việt - GĐ Sở NN&PTNT: Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: dư lượng hóa chất BTVT, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản, chế biến thủ công, quy mô nhỏ lẻ...
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, thức ăn gia súc, gia cầm, vật nuôi, trồng trọt; thực hiện các chiến dịch lớn, trọng điểm trong các tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - GĐ Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Thiên Lộc: Hiện nay, nguyên liệu sản xuất thức ăn của công ty được nhập cả nước ngoài lẫn lấy trong nước thì việc truy xuất phải thực hiện như thế nào?
Tuy nhiên, công tác đảm bảo VSATTP nông, lâm, thủy sản đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: dư lượng hóa chất BTVT; dư lượng thuốc thú y; hóa chất bảo quản, chế biến thủ công, nhỏ lẻ; thực phẩm buôn bán trên thị trường chưa kiểm soát được nguồn gốc; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn VSTP còn thấp…
Ông Lê Đăng Sơn - Giám đốc HTX Chăn nuôi Thạch Long: Theo hỗ trợ của Dự án Phát triển nông nghiệp, hiện chúng tôi đã truy xuất được tại thời điểm sản xuất, tuy nhiên sản phẩm đó vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng tiếp nhận; trong khi đó, giá thành sản phẩm của truy xuất cao hơn đại trà nên rất khó cho người sản xuất.
Được sự tài trợ của Đại sứ quán Canada thông qua Dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh, hội thảo truy xuất nguồn gốc gắn với VSATTP nông, lâm, thủy sản ngoài mục đích nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất về truy xuất nguồn gốc còn giúp cơ quan quản lý nâng cao công tác quản lý, đồng thời có nhiều chủ trương, giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.
Hội thảo đã nghe chuyên gia truy xuất nguồn gốc Trace Verified - thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh phân tích rõ về khái niệm của truy xuất nguồn gốc, những vấn đề về lý luận thực tiễn và sự cần thiết phải thực hiện; liên kết cộng đồng trong sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch.
Theo chuyên gia Trace Verified, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể làm tăng chi phí của doanh nghiệp nhưng vẫn có thể phục vụ cùng một lúc nhiều lợi ích như: quản lý tốt nhất sản phẩm từ khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến cho đến vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; đảm bảo phục hồi nhanh chóng sản phẩm nên giảm thiểu nguy cơ mất ATTP; giúp khách hàng tin tưởng hơn vào chất lượng; quản lý tốt tài sản và hàng hóa; phục vụ quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.
Cũng tại hội thảo, các hộ sản xuất, chủ trang trại, doanh nghiệp được chia sẻ kinh nghiệm về truy xuất nguồn gốc của một số doanh nghiệp lớn như: chuỗi chăn nuôi lợn của Công ty Trace Verified và Siêu thị Big C; sản xuất rau của Công ty Organica.