“Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa cử của xã hội ta

(Baohatinh.vn) - Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Cần thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an sinh con người”. Đây cũng là nội dung quan trọng về “định hướng XHCN” trong cơ chế thị trường hiện nay.

“Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa cử của xã hội ta

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc đối với thương binh, gia đình liệt sỹ. Trong ảnh: Bác Hồ, Bác Tôn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội cần hết sức lưu ý đến chính sách người có công với cách mạng. Trong quá trình đấu tranh cách mạng giành chính quyền và qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới, biết bao gương hy sinh anh dũng, cao cả vì nền độc lập, tự do và xây dựng CNXH. Nhận rõ điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến chính sách đãi ngộ đối với người có công với cách mạng, đặc biệt là các anh hùng, thương binh, liệt sỹ.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về “Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo và cải thiện đời sống người có công với cách mạng” đã được Nhà nước cụ thể hóa ở nhiều chính sách xã hội. Chẳng hạn: Nghị quyết số 51/QH10, Pháp lệnh số 26/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh số 30/PL-UBTVQH10, Nghị định 70/NĐ-CP ngày 6/6/2017, gần đây thông qua Pháp lệnh số 02/2020/PL-UBTVQH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021 cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống tốt hơn đối với người có công, đảm bảo đời sống của người có công và gia đình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân nơi cư trú.

“Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa cử của xã hội ta

Lãnh đạo tỉnh dâng hoa, dâng hương tại khu mộ nơi yên nghỉ của 786 liệt sỹ quê Hà Tĩnh ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Chúng ta đã chăm sóc tốt những người có công, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo thương binh, các gia đình liệt sỹ và phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc”.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ, chế độ ưu đãi đối với các đối tượng thuộc diện chính sách ngày càng đầy đủ, chu tất và bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống. Mức trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện KT-XH từng thời kỳ, cùng với các ưu đãi về đất ở, nhà ở, chính sách sức khỏe, giáo dục… đã góp phần bảo đảm mức sống ngày càng tốt hơn cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

“Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa cử của xã hội ta

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mỹ, SN 1938, ở thôn 6, xã Phúc Trạch (Hương Khê), có chồng và con trai là liệt sỹ.

Tính ưu việt của chế độ ta không chỉ được thể hiện ở việc chăm lo những người có công, thương binh, gia đình liệt sỹ bằng sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) mà còn khơi dậy được phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” rộng khắp trong cả nước, bằng chủ trương xã hội hóa đã xuất hiện nhiều cách làm và việc làm tình nghĩa, sáng tạo.

Nhiều phong trào từ quy mô ở một địa phương được tổng kết, nâng lên và nhân rộng ra cả nước, như phong trào: “Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Xóa nhà tranh tre dột nát”, “Nhà đại đoàn kết”, “Nhà cho hộ chính sách, hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo”, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Tìm hài cốt liệt sỹ”...

Nhiều nơi đã có những sáng kiến như đỡ đầu con em thương binh, liệt sỹ, chăm sóc gia đình thân nhân liệt sỹ, chăm sóc, tu tạo nghĩa trang liệt sỹ, thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết... góp phần lan tỏa thành nghĩa cử tri ân của toàn dân chăm sóc người có công, thương binh, thân nhân liệt sỹ.

Tuy vậy, hiện nay, một số quy định liên quan đến việc xác nhận người có công, thực hiện chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập đang gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện. Đối tượng thuộc diện hưởng thụ chính sách ưu đãi được mở rộng, chế độ ưu đãi ngày càng được nâng cao nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ được thực trạng cũng như nhu cầu thực tế, nguyện vọng chính đáng của người có công.

“Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa cử của xã hội ta

Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân, tưởng nhớ những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại Ngã ba Đồng Lộc.

Vẫn còn nhiều người thuộc diện thương binh, liệt sỹ chưa được công nhận do một số điểm trong thủ tục xác minh khó có khả năng thực hiện mà vẫn chưa được điều chỉnh; bên cạnh đó, còn có hiện tượng tiêu cực gây phiền hà ở một số nơi trong việc xác nhận thương binh, liệt sỹ và gia đình chính sách.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là về xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, trong đó có các đối tượng thuộc diện có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sỹ và gia đình chính sách.

“Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa cử của xã hội ta

Đoàn viên thanh niên phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh) đến thăm và tổ chức nấu bữa cơm tri ân cùng cựu TNXP Nguyễn Thị Huấn (SN 1951) ở tổ dân phố Văn Thịnh nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, việc tri ân đối với người có công không chỉ dừng ở những việc làm cụ thể, những thời điểm cụ thể mà phải trở thành ý thức, trách nhiệm, nghĩa cử của mọi người trong xã hội; phải điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế, được chuẩn hóa bằng các chủ trương và giải pháp mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Điều này còn có ý nghĩa lớn ở chỗ góp phần quan trọng củng cố niềm tin vào bản chất nhân văn và tính ưu việt của chế độ, khơi dậy lòng yêu nước và ý chí cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.