Chủ tịch Hội LHPN huyện Vũ Quang (bên phải) thăm vườn mẫu của Chủ tịch HLHPN xã Đức Giang (bên trái)
Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Giang Trần Thị Thảo bắt tay xây dựng vườn mẫu vào năm 2016 khi phong trào được nhen nhóm ở địa phương. Theo quan điểm của chị Thảo, mặc dù đàn ông là trụ cột, nhưng phụ nữ là người chủ động bàn bạc, tạo động lực để cả gia đình nắm bắt cách làm.
Với suy nghĩ đó, Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Giang đã mạnh dạn bàn bạc, thống nhất với chồng cải tạo vườn tược đất để nhân rộng diện tích trồng cam lên hơn 1,5 ha với 800 gốc. Đến thời điểm này, với hơn 400 gốc cam đã cho trái, mỗi năm gia đình chị Thảo thu hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra gia đình chị còn nuôi ong, chăn nuôi trâu bò, xây dựng khu vườn đa dạng các sản phẩm, làm mô hình điểm cho chị em trong thôn, trong xã đến học tập.
Sau gần 3 năm xây dựng, đến nay khu vườn của gia đình chị Thảo đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Chị Thảo chia sẻ: “Thời điểm đó, tôi động viên và nhường cho các hội viên có điều kiện đăng ký xây dựng vườn mẫu trước để hưởng chính sách hỗ trợ khá lớn của tỉnh (20 triệu đồng/vườn). Bản thân tuy không thuộc diện hưởng chính sách nhưng cũng khẩn trương bắt tay vào làm để làm gương. Điều thuận lợi là khi mình làm trước và có hiệu quả thì sẽ dễ dàng tuyên truyền, hỗ trợ hội viên trong quá trình quy hoạch, lựa chọn cây trồng cho đến xử lý kỹ thuật, kết nối các đầu mối tiêu thụ sản phẩm”.
Từ mô hình của gia đình, Chủ tịch Hội LHPN xã Võ Thị Thu (hàng đầu bên trái) vận động thành lập 9 tổ hợp tác trồng cam trên địa bàn xã
Ở xã Hương Thọ, một trong những mô hình kinh tế vườn đồi đầu tiên được triển khai trên địa bàn là của Chủ tịch Hội LHPN xã Võ Thị Thu - người luôn trăn trở trong ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả sản xuất. Khởi động từ năm 2015, khu vườn được chị Thu xây dựng bài bản từ quy hoạch, chọn giống, chăm sóc đến ứng dụng hệ thống lưới bảo vệ cây cam khỏi sự phá hại của côn trùng, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương…
Chỉ riêng với cây cam, nhiều năm nay chị Thu đã thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Từ thành công của mình, chị Thu cùng đội ngũ cán bộ hội vận động thành lập 9 tổ hợp tác trồng cam với 100 thành viên tham gia. Trong số đó, đến nay, có khoảng 60-70 hộ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Khu vườn mẫu của chị Nguyễn Thị Thủy được quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi khoa học
Phong trào xây dựng vườn mẫu, mô hình vườn đồi với sản phẩm chủ lực là cam, chanh, bưởi đã được nhân rộng ở Vũ Quang với những ngọn lửa nhiệt tình từ cán bộ hội phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn 2 Bồng Giang xã Đức Giang) cho biết, với sự hỗ trợ tích cực của hội về quy hoạch, kiến thức làm vườn và tiếp cận các kênh vốn, đến thời điểm này chi hội của chị đã có 19 vườn của hội viên được công nhận đạt chuẩn từ cấp xã đến cấp tỉnh, trong đó, vườn thấp nhất thu khoảng 80 triệu đồng, cao nhất lên tới gần 1 tỷ đồng/năm.
Những khu vườn thu nhập cao, xanh, sạch đang được nhân lên ở huyện miền núi Vũ Quang
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Vũ Quang Phạm Thị Thanh Minh, quá trình chỉ đạo, hỗ trợ hội viên xây dựng vườn mẫu, hội lấy việc phát huy vai trò người đứng đầu tổ chức từ cấp xã đến chi hội làm động lực của phong trào. Qua đó, bằng chính tấm gương và cách làm của mình, thường xuyên đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn hội viên xây dựng vườn mẫu, phát triển kinh tế vườn. Trong năm 2018, các cấp hội phụ nữ ở huyện Vũ Quang đã hỗ trợ xây dựng được 63 vườn mẫu do hội viên đứng chủ đạt chuẩn, năm 2019 đang tiếp tục xây dựng 61 vườn.
Điều mà nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ ở Vũ Quang tâm đắc trong quá trình làm vườn mẫu đó là phụ nữ ở huyện miền núi đã có sự chuyển biến đáng kể trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Bằng cách sử dụng các chế phẩm ủ phân để xử lý chất thải chăn nuôi; thu gom, phân loại rác, làm sạch vườn; hạn chế tối đa các loại thuốc hóa học để tạo nên sản phẩm an toàn, phụ nữ Vũ Quang đang xây dựng các khu vườn sạch, đảm bảo môi trường sống trong lành cho gia đình mình.