Vì sao tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá ở Hà Tĩnh đạt thấp?

(Baohatinh.vn) - Cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá là một nội dung quan trọng trong chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Tuy nhiên, Hà Tĩnh mới chỉ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 902/3.598 tàu cá, chiếm tỷ lệ 25,07%.

Ngư dân Nguyễn Thanh Bình (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) có tàu cá công suất 8 CV, dài trên 6m, chuyên đánh bắt vùng biển gần bờ từ 8 hải lý trở về. Mặc dù giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn, song đến nay, ngư dân này vẫn chưa đi làm thủ tục đăng ký để được cấp lại giấy phép khai thác thủy sản mới.

Vì sao tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Huyện Cẩm Xuyên hiện chỉ mới cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 209/872 tàu cá.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ, ngư dân Nguyễn Thanh Bình cho hay: “Mặc dù chi phí cấp phép chỉ từ 20.000 – 40.000 đồng/tàu cá song do tàu cá chúng tôi đi biển thường xuyên, trong khi phải ra Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ở TP Hà Tĩnh làm thủ tục đăng ký nên chưa sắp xếp được thời gian đi làm. Hơn nữa, ngoài tàu cá của gia đình tôi, hiện nay, nhiều tàu cá trong và ngoài xã Cẩm Lĩnh cũng chưa làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản mới nên tôi chưa để ý thực hiện”.

Ông Nguyễn Thanh Bình là một trong nhiều ngư dân của huyện Cẩm Xuyên có cấp giấy phép khai thác thủy sản quá hạn và chưa làm thủ tục cấp lại.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chuyên viên phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Tính đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 209/872 tàu cá phải cấp phép, đạt tỷ lệ 24%. Trong đó, Cẩm Nhượng, Yên Hòa, Cẩm Dương, Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm là các địa phương còn nhiều tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản... Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do chính quyền một số xã chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, đôn đốc các chủ tàu tại địa phương làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản; ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản chưa cao và công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng chưa thường xuyên”.

Vì sao tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá là một nội dung quan trọng trong trong chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Được biết, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên sẽ tăng cường phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá. Phấn đấu đến 31/12/2021 có trên 60% tàu cá ở Cẩm Xuyên được cấp phép theo kế hoạch của tỉnh.

Theo chuyên viên phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Hữu Minh, để đạt mục tiêu đề ra, huyện Cẩm Xuyên yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền thường xuyên đến các chủ tàu cá về làm thủ tục cấp phép khai thác.

Đến thời điểm này, TX Kỳ Anh cũng chỉ mới cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 102 tàu (chiếm tỷ lệ khoảng 16,1% so với tổng số tàu trong diện quy định phải cấp phép).

Vì sao tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Ở TX Kỳ Anh, các tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản chủ yếu tại các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh.

Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX Kỳ Anh cho biết: “Các tàu cá chưa được cấp giấy phép chủ yếu là tàu cá đánh bắt gần bờ tại các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh. Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp đã tuyên truyền, vận động song ngư dân đi biển thường xuyên trong khi lực lượng chức năng mỏng, khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát nên ngư dân chưa nghiêm túc thực hiện các thủ tục...

Từ ngày 20/10/2021 lại nay, thị xã đang phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh rà soát thật chính xác số tàu cá chưa cấp phép. Chờ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn ổn định hơn, thị xã sẽ phối hợp, yêu cầu ngư dân làm các thủ tục để ngành chuyên môn tiến hành cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định”.

Không riêng Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh mà nhiều địa phương trong tỉnh như: Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân..., tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản hiện còn thấp.

Vì sao tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh rà soát lại các tàu cá chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Ông Bùi Đình Hải – Chuyên viên phòng Khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay: “Tính riêng trong tháng 10/2021, Chi cục đã thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 220 tàu cá, tăng 34% so với kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 902/3.598 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản, đạt tỷ lệ 25,07%.

Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân chưa cao. Bên cạnh đó, số lượng tàu cá của Hà Tĩnh nhỏ, chủ yếu tập trung vùng bãi ngang, trong khi lực lượng chức năng mỏng, phương tiện hạn chế nên công tác tuần tra, kiểm soát còn khó khăn khiến cho ngư dân càng chây ì”.

Cũng theo chuyên viên này: Để nâng cao tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn các chủ tàu cá thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Chi cục sẽ cố gắng để 31/12/2021 có khoảng 60% tàu cá trong tỉnh được cấp giấy phép khai thác thủy sản, góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với Việt Nam.

Vì sao tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Giấy phép khai thác thủy sản của tàu cá trong tỉnh do Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cấp.

Giấy phép khai thác thủy sản do Chi cục Thủy sản tỉnh cấp.

Đối tượng tàu cá phải đăng ký thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản là các tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên.

Thời hạn giấy phép khai thác thủy sản bằng thời hạn của hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản mà UBND tỉnh công bố. Theo đó, giấy phép khai thác thủy sản của tàu cá Hà Tĩnh hiện nay có thời hạn từ khi ký đến ngày 2/5/2024.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.