Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra thực địa tại vùng biển Kỳ Lợi, thuộc KKT Vũng Áng... |
Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cử các đoàn trực tiếp quan trắc môi trường, lấy mẫu phân tích các mẫu nước, mẫu cá và các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
... và vùng nuôi tôm của Công ty Grobest |
Theo xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá biển và các con nuôi gần biển chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm và môi trường thông thường.
Ngành chuyên môn tiếp tục lấy mẫu phân tích |
Đặc biệt, vào sáng nay (23/4), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có chuyến thị sát thực địa tại vùng biển thuộc các xã: Kỳ Lợi, Kỳ Phương và Kỳ Nam. Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Ngọc Sơn và các ngành chuyên môn. Qua thị sát tình hình cho thấy, hiện nay, hiện tượng cá chết hàng loạt dạt trên bờ biển không còn và chỉ xuất hiện rải rác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn:"Ngành chuyên môn tỉnh cần tiếp tục bám sát, theo dõi tình hình ở vùng biển và vùng nuôi. Riêng vùng nuôi cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật được khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn nhất cho con nuôi. Đồng thời với đó, cần chỉ đạo thu gom xác cá chết trên bờ nhằm đảm bảo môi trường" |
Bờ biển xã Kỳ Phương sau nhiều ngày vắng lặng, từ sáng nay ngư dân vùng biển này đã bắt đầu trở lại với cuộc sống kéo thuyền ra khơi. Hơn ba tiếng đi biển, chiếc tàu 12 CV của anh Mai Xuân Sỹ ở thôn Ba Đồng đã thu về một mẻ cá đục tươi.
Cá không còn chết hàng loạt, ngư dân Kỳ Phương lại ra biển và có sản phẩm thu hoạch |
“Thuyền phải nghỉ gần một tuần lễ. Ở đây là vùng biển gần Formosa nhất nhưng mấy ngày nay không còn thấy cá chết trôi vào bờ nữa nên chúng tôi lại ra khơi. Tuy sản lượng có giảm hơn so với trước nhưng vẫn cho thu hoạch. Duy chỉ có điều tâm lý người dân e ngại với cá biển nên tiêu thụ rất khó khăn. Nhất là những con cá lớn, đánh bắt xa bờ gần như không thể bán được”, ông Sỹ cho hay.
Các nhà hàng hải sản khu vực Cảng Vũng Áng cũng trở nên thưa thớt khách vào ra trong khi đó, tại các bè nuôi của chủ cửa hàng, cá, tôm và mực vẫn trao đổi bình thường. Ông Chu Văn Tiến, một chủ cửa hàng bè nổi cho biết: “Hiện tượng vừa rồi đúng là chưa bao giờ xảy ra. Chỉ trong mấy ngày, gia đình thiệt hại mất 2 tấn cá, mực. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ kéo dài trong vài ngày, ngay sau đó môi trường nước gần như được trả lại bình thường, 10 ngày nay không còn chết nữa. Trong số này, mực là con khó nuôi nhất nhưng vào thời điểm này không hề xuất hiện biểu hiện bất thường về sự sống. Kể cả những loài cá sinh thái tự nhiên khác cũng đã quay trở lại”.
Trước thông tin nhiều chiều khiến dư luận không khỏi hoang mang đã làm cuộc sống của những người dân ở đây bị ngưng trệ. “Chúng tôi không dám thu mua hàng, lực lượng đánh bắt cũng ngưng trệ, kể cả các dịch vụ phụ trợ khác liên quan đến thương mại cũng gần như ngừng hoạt động. Chúng tôi rất mong có trả lời chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết bất thường vừa qua”, ông Tiến chia sẻ.
Chiều nay, tại TP Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì buổi làm việc với các bộ và 4 địa phương liên quan (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) nhằm từng bước làm sáng tỏ về hiện tượng bất thường này. Báo Hà Tĩnh sẽ thông tin chi tiết về cuộc làm việc này.
Từ ngày 6/4, các hộ nuôi trồng thủy sản ở vùng Cảng Sơn Dương (Khu Kinh tế Vũng Áng) phát hiện cá chết bất thường. Hiện tượng này nhanh chóng lan ra các vùng biển lân cận khác tại Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Phương, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) với thiệt hại thống kê được khoảng 70 tấn, trong đó có 7 tấn tôm nuôi, 60 tấn nghêu và 2,1 tấn cá các loại. Riêng về cá tự nhiên, chưa thể thống kê đầy đủ nhưng theo kinh nghiệm của người dân địa phương những loại cá chết trôi dạt vào bờ chủ yếu nằm ở tầng đáy. |