>> Thu hồi bằng đạt chuẩn nông thôn mới với xã Thiên Lộc và Kỳ Bắc
Chững lại là mất chuẩn
Năm 2017, bên cạnh những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM đối với 2 xã: Thiên Lộc (Can Lộc) và Kỳ Bắc (Kỳ Anh). Căn cứ để rút bằng đối với 2 xã là trên cơ sở đối chiếu với quy định mức độ đạt chuẩn theo Quyết định 73/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo kết quả kiểm tra, thẩm định của đoàn liên ngành, Thiên Lộc có 2 tiêu chí không đạt (hình thức tổ chức sản xuất - tiêu chí 13 và khu dân cư NTM kiểu mẫu – tiêu chí 20); Kỳ Bắc có 2 tiêu chí không đạt (môi trường - tiêu chí 17 và tiêu chí 20). 2 xã còn nợ xây dựng cơ bản từ 3 - 4,8 tỷ đồng.
Sau một thời gian chững lại, Thiên Lộc đã nỗ lực củng cố các tiêu chí, tuy nhiên còn 2 tiêu chí (hình thức tổ chức sản xuất và khu dân cư mẫu, vườn mẫu) vẫn không kịp "trả nợ" dẫn đến bị rút bằng công nhận xã nông thôn mới.
Theo lý giải của lãnh đạo xã Thiên Lộc, do tình hình kinh tế chung năm 2016-2017 bị suy giảm nên các HTX trên địa bàn làm ăn gặp nhiều khó khăn và 4/6 HTX phải giải thể, còn lại 2 HTX nhưng hoạt động cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như tiêu chí 13 không đạt có thể đổ lỗi vì lý do khách quan, thì đối với tiêu chí 20, tại thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra, toàn xã chỉ có 1 khu dân cư đạt 6/10 tiêu chí, 9 thôn còn lại mới đạt 3-4 tiêu chí.
Thiên Lộc là xã có bề dày thành tích về các phong trào và là xã đầu tiên của huyện Can Lộc cán đích NTM từ năm 2013. Lẽ ra, với nền tảng vững chắc, Thiên Lộc hoàn toàn có thể làm tốt tiêu chí 20 – khu dân cư mẫu, vườn mẫu một cách vững chắc nếu có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và khơi dậy được ý thức người dân.
“Sau khi đạt chuẩn, có một khoảng thời gian xã chưa thực sự quyết liệt, nên phong trào chững lại và một số tiêu chí bị tụt giảm. Để xảy ra sự việc này, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo chính quyền, trước hết là người đứng đầu” - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Võ Nhân Nông thừa nhận.
Tương tự, xã Kỳ Bắc để “rớt” chuẩn 2 tiêu chí cũng hoàn toàn do lỗi chủ quan, bởi 2 tiêu chí này không đòi hỏi nguồn lực lớn. Nếu như, chính quyền địa phương tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức người dân thì 2 tiêu chí này không đến mức quá khó để vượt qua.
Xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài
Việc xem xét rút bằng công nhận đạt chuẩn đối với xã yếu kém trong triển khai, thực hiện xây dựng NTM đã được “báo động” từ đầu năm. Ngay từ cuộc họp Ban chỉ đạo NTM tỉnh với các địa phương đầu năm, Thường trực Ban chỉ đạo NTM tỉnh đã có thông báo kết luận, yêu cầu các địa phương triển khai rà soát, đánh giá lại các xã đạt chuẩn NTM trước 2015, làm rõ từng nội dung so sánh với bộ tiêu chí cũ và mới; xem xét thu hồi bằng nếu xã nào thiếu nỗ lực và có các tiêu chí “rớt“ chuẩn. Qua kiểm tra, đánh giá về mức độ đạt chuẩn (theo Quyết định 73/2014/QĐ-UBND, mức độ chuyển biến, nợ xây dựng cơ bản, tỷ lệ hài lòng của người dân), cho thấy, 7/7 huyện (Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh, Can Lộc, Vũ Quang và Lộc Hà) đã tổ chức kiểm điểm đối với các xã có chuyển biến kém, xác định nguyên nhân và đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế mà đoàn liên ngành đã chỉ ra.
Đối với cấp xã: Ban chỉ đạo, UBND các xã đều đã tổ chức kiểm điểm. Tuy nhiên, nhìn chung, việc kiểm điểm chưa đảm bảo yêu cầu, chưa làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc sụt giảm tiêu chí, nhất là người đứng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo NTM tỉnh Lê Đình Sơn cho biết, việc rà soát, đánh giá lại các xã đạt chuẩn NTM trước 2015 là bước cảnh báo và yêu cầu các xã, dù đạt chuẩn nhưng vẫn phải tiếp tục củng cố các tiêu chí. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra đã nhắc nhở nhưng ý thức tiếp thu, thực hiện của các xã đó không cao. BTV Tỉnh ủy đã nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban chỉ đạo NTM tỉnh báo cáo về thực trạng các xã cũng như việc cần thiết phải thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM đối với 2 xã: Thiên Lộc, Kỳ Bắc. “Đây là việc làm cần thiết để nhắc nhở các xã cần phải tiếp tục hơn nữa, xây dựng NTM không chỉ trước mắt mà phải thường xuyên, liên tục và lâu dài“ - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc rút bằng và được sự đồng tình cao của cán bộ, nhân dân. Ông Nguyễn Xuân Mùi – người dân xã Thiên Lộc cho hay: “Khi biết tin xã bị rút bằng công nhận NTM chúng tôi cũng hụt hẫng, tiếc nuối. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng thuận với việc này và cam kết sẽ nỗ lực hơn, chung tay với chính quyền để lấy lại được bằng trong thời gian sớm nhất”.
Xây dựng NTM, dừng lại là “tụt dốc” với chính mình và với những yêu cầu ngày càng cao hơn của cuộc sống. Với tinh thần tự tôn, tự trọng và tự chủ, chúng tôi tin Đảng bộ, nhân dân các xã, huyện thấm nhuần được quan điểm chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực phấn đấu xây dựng đạt chuẩn các tiêu chí.
Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh: Bài học kinh nghiệm đối với các xã đạt chuẩn NTM đó là tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, dự báo được tình hình, tìm ra được nguyên nhân, gắn trách nhiệm thì sẽ sớm chấn chỉnh, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc một cách hiệu quả nhất. Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng: Xã Thiên Lộc bị rút bằng đạt chuẩn NTM là bài học sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng NTM của chính quyền các cấp. Huyện đã, đang cùng địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đặc biệt là vai trò người đứng đầu và có những giải pháp quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo xã Thiên Lộc cũng như các địa phương khác hoàn thành các tiêu chí một cách bền vững. Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc Ngô Đức Thọ: Chúng tôi đồng tình với chủ trương của tỉnh và kết quả thẩm định, đánh giá của đoàn liên ngành, đồng thời, tập trung cao hơn trong công tác tuyên truyền, khơi dậy được lòng dân, tạo sự chủ động, tự giác cho người dân, cộng đồng, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong năm 2018. |