Xuôi dòng Kẻ Gỗ…

(Baohatinh.vn) - Hồ Kẻ Gỗ là công trình đại thủy nông có dung tích lớn thứ hai trên địa bàn Hà Tĩnh, song lại có hệ thống kênh dài nhất tỉnh. Vào mùa gieo cấy, con nước từ đại công trình ùa theo những dòng kênh uốn lượn qua hàng chục làng mạc, tưới mát hàng chục ngàn héc-ta cây trồng…

Hồ Kẻ Gỗ có dung tích 345 triệu m3 nước, nằm ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, cách TP Hà Tĩnh 20 km về phía Tây Nam. Công trình đại thủy nông này vừa làm nhiệm vụ giảm lũ cho vùng hạ du mùa lũ lụt, vừa phục vụ tưới cho vùng sản xuất rộng lớn với 19.500 ha lúa của 3 địa phương: Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và Thạch Hà. Không chỉ vậy, hồ Kẻ Gỗ còn là biểu tượng về ý chí vượt lên gian khó của người dân Nghệ Tĩnh sau khi đất nước thống nhất: "Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ/ Này vùng đá bạc đồi núi lô nhô/ Xây hồ đắp đập, ta nuôi dòng nước ngọt/ Bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa…".

Hồ Kẻ Gỗ đẹp nhất vào mùa hè. Những ngày thật nắng, bầu trời ở Kẻ Gỗ xanh biếc không gợn chút mây, cả mảng màu ấy đổ thẳng xuống mặt hồ khiến cho cảnh sắc thiên nhiên càng thêm hấp dẫn. Từ flycam dễ dàng thấy dòng nước màu ngọc bích chảy ra từ lòng hồ rồi theo kênh chạy tít tắp về xuôi, tắm mát những ô ruộng màu bùn nâu còn thơm mùi gốc rạ.

Ông Lưu Như Hải là cán bộ kỹ thuật lâu năm của Trạm đầu mối Kẻ Gỗ (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) – nơi đầu nguồn con nước. Hằng ngày, ông nhận lệnh từ Phòng Quản lý khai thác của Công ty để điều tiết nước tại trạm đầu mối theo lưu lượng được tính toán chi li, kỹ lưỡng. Nghe thì dễ, thế nhưng công việc lại vất vả và đòi hỏi người cán bộ nơi đây luôn phải nhanh nhẹn, nhạy bén và thực sự yêu nghề.

Ông Hải cho hay: “Vào mùa gieo cấy tập trung, công trình thực hiện tưới đồng loạt toàn bộ các vùng sản xuất. Chúng tôi bắt buộc phải đảm bảo điều tiết theo đúng kế hoạch tưới của công ty cũng như sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp như mất điện và các sự cố khác. Vào thời vụ cao điểm như mấy ngày nay, anh em gần như không được nghỉ, điều tiết theo từng giờ một nhằm cung cấp đủ lượng nước trên kênh, không được thiếu hụt nhưng cũng không để lãng phí, gây tràn kênh vùng hạ du hoặc ngập úng lúa vừa gieo cấy của bà con”.

Thời điểm này, trạm đầu mối đang mở với lưu lượng 15,5 m3/s, đổ vào tuyến kênh chính và chảy về xuôi. Cách trạm đầu mối 5 km sẽ là điểm “chia nước” đầu tiên của nguồn Kẻ Gỗ đi các vùng (thuộc xã Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên). Từ đây, một dòng nước theo tuyến kênh N1 sẽ chảy về ruộng đồng của huyện Thạch Hà (xã Nam Điền, Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn, Việt Tiến, Thạch Ngọc và thị trấn Thạch Hà), TP Hà Tĩnh (các phường: Nguyễn Du, Thạch Linh, Thạch Quý, Hà Huy Tập; các xã: Đồng Môn, Thạch Hưng, Thạch Hạ, Thạch Trung) và một phần diện tích đầu nguồn (các xã: Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ).

Một dòng nước theo tuyến N2 chảy về Cẩm Xuyên (Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thạch) và tuyến kênh chính chạy thẳng “tiếp nước” cho 7 tuyến kênh cấp 1 của Kẻ Gỗ (từ N3 - N9) tỏa đi khắp 16 xã, thị trấn thuộc huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, gồm: Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng, Cẩm Quang, Yên Hòa, Cẩm Dương, thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên); Thạch Hội, Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) và xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh).



Ông Nguyễn Cao Hiếu - cán bộ kỹ thuật Cụm Kênh chính có 37 năm trong nghề thủy lợi thì 16 năm gắn bó với công việc của một cán bộ địa bàn trên tuyến kênh chính và tuyến kênh N3, thuộc các vùng tưới Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và Thạch Bình (TP Hà Tĩnh). Gần như mỗi góc ruộng, điểm cống và cả gương mặt thân quen của bà con nông dân ở đây đều đã gắn bó máu thịt với ông.

“Tuyến kênh N3 dài 6,5 km với hơn 30 cống, trải dài trên 4 địa phương. Cứ đều đặn mỗi ngày theo khung 7h sáng và 14h chiều, chúng tôi sẽ luân phiên nhau đo mực nước trên tuyến; đồng thời nắm bắt tình hình sản xuất, nhu cầu dùng nước ở đồng ruộng báo về cụm để có phương án điều tiết hợp lý. Vất vả nhất là trong vụ sản xuất hè thu, nắng nóng cực điểm, lượng nước hao tổn lớn, ngày cũng như đêm, chúng tôi phải thường xuyên túc trực trên các điểm cống, ép nước về đồng ruộng để bà con kịp thời gieo cấy” - ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu bảo rằng, chỉ vài ngày nữa, toàn bộ diện tích vùng tưới của kênh N3 sẽ gieo cấy xong. Thế nhưng, 90 ngày của vụ hè thu sẽ là 90 ngày những cán bộ địa bàn như ông không có ngày nghỉ ngơi, bên mình lúc nào cũng kè kè thước đo, tay quay cống để điều tiết nước. Năm nay, nhờ trận mưa đầu vụ, ruộng đồng được bổ sung lượng nước quý nên tình trạng tranh chấp nước không xảy ra. Dù vậy, để dòng nước phân bổ đều các vùng đồng, ông cũng phải xuống tận nơi động viên, tuyên truyền bà con để sẻ chia nguồn nước cho nhau.

Hệ thống kênh tưới từ hồ Kẻ Gỗ còn chia nhánh, chia tuyến nhiều điểm, tạo thành mạng lưới kênh dẫn quy mô và có tổng chiều dài vào loại lớn nhất tỉnh với cả ngàn km; riêng hệ thống do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý lên đến 250 km gồm: kênh chính, kênh cấp 1, kênh cấp 2, kênh cấp 3, kênh vượt tuyến. Điểm xa nhất cách công trình 31 km, nằm trên tuyến kênh N1 ở xã Việt Tiến (Thạch Hà).

Hà Tĩnh đang trong đợt nắng nóng cao điểm của thời tiết mùa hè với nhiệt độ bình quân 39 - 40 độ C. Với bà con nông dân, vất vả đó có là gì so với niềm vui đón nguồn nước Kẻ Gỗ. Nước về, cả cánh đồng rộn ràng không khí làm đất, gieo cấy.

Cánh đồng rộng 4 sào của bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) có nước vào nên chẳng mấy chốc được cày nhuyễn. “Ông cha ta nói, nhất nước, nhì phân chẳng sai bao giờ. Nước về sớm, bà con chúng tôi tranh thủ được thời gian để gieo cấy nhanh hơn, kịp thời hơn. Vừa làm đất, vừa gieo cấy, chỉ nay mai là tôi hoàn tất 1,1 mẫu ruộng của gia đình” – bà Hương phấn khởi.

Nước về đến đâu, máy cày làm đất chạy theo tới đó. Bà Hương cùng nhiều bà con trên cánh đồng vừa lật đật là lại mặt ruộng cho bằng phẳng trước khi gieo giống, vừa tạo con rãnh nhỏ để giữ nước ở chân ruộng, tạo nguồn dưỡng lúa dự phòng sau gieo cấy.

Nhiều năm sản xuất trong vụ canh tác khó đã giúp bà con nông dân đúc rút được nhiều kinh nghiệm, nhất là cách tranh thủ nguồn nước và giữ nguồn nước.

“Vào mùa này, nguồn nước tưới khó khăn, chúng tôi ở đầu nguồn, dù thuận lợi hơn nhưng vẫn bảo ban nhau chỉ lấy đủ dùng, tiết kiệm để san sẻ nước cho vùng sau, vùng xa; không tháo cạn nước trước khi gieo cấy mà để mặt ruộng có đủ độ ẩm dự phòng những ngày hạn hán. Đó cũng là cách mà bà con chúng tôi “tri ân” lại dòng nước Kẻ Gỗ” - bà Hương tâm sự thêm.

Ở vùng cuối nguồn thuộc thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà), người dân không chờ đợi nước phải đẩy về tận ruộng mà đã chủ động ra đồng bơm trực tiếp từ kênh. Hầu như nhà nào cũng có máy bơm dã chiến, luân phiên nhau, người lấy nước ban ngày, người tranh thủ nguồn nước ban đêm.

Anh Lê Anh Tuấn ở TDP 15, thị trấn Thạch Hà cho biết: “Nhà tôi làm 6 sào lúa hè thu, nằm ở cuối kênh tưới của hồ Kẻ Gỗ. Mấy hôm nay có nước về, tôi tranh thủ bơm vào chân ruộng để rút ngắn thời gian đổ nước, tranh thủ hoàn thành kịp thời vụ gieo cấy trước 10/6. So với mọi năm, năm nay, nguồn nước về sớm và dồi dào hơn nên chúng tôi phấn khởi lắm”.

Hồ Kẻ Gỗ - công trình ấp ủ nửa thế kỷ được xây dựng chỉ trong 3 năm (1976 - 1979) bằng ý chí, lòng quyết tâm của cả một thế hệ không ngại “xẻ núi, ngăn sông” để đi tìm cuộc sống ấm no cho người dân. Suốt hơn 40 năm qua, dòng nước mát ấy như dòng sữa tinh khiết nuôi dưỡng những cánh đồng, làng mạc trù phú. Những vùng đất được tưới tắm từ dòng nước mát lành này không từ chỗ giúp bà con có cơm no nay còn tiến tới làm giàu khi có những cánh đồng rộng hàng trăm ha với năng suất lúa bình quân 6 - 7 tấn/ha...

Ruộng đồng đang rộn ràng những ngày cao điểm làm đất, gieo cấy vụ sản xuất hè thu, đó cũng là khi những tuyến kênh nối từ công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ “căng mình” đưa dòng nước mát lành về dệt những mùa màng ấm no…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói