“Mỗi ứng dụng mới đều xuất phát từ những niềm trăn trở”

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Thọ (Vũ Quang) Võ Thị Thu tạo ấn tượng với chúng tôi không chỉ bởi phong cách nhanh nhẹn, dáng người tất bật, miệng nói, tay làm mà còn bởi sự năng động trong việc tranh thủ nguồn lực dự án đầu tư cho các mô hình kinh tế ở địa phương.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh 15/6 (1957 - 2017)

“Với tôi, đó là những trăn trở, đề xuất từ chính thực tiễn sản xuất và là niềm vui được cùng người dân ứng dụng cách làm mới để xây dựng cuộc sống no ấm trên vùng miền núi còn nhiều khó khăn” - chị Thu chia sẻ.

Từ yêu cầu thực tiễn sản xuất

Năm 2015, dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) Hà Tĩnh triển khai hoạt động hỗ trợ ở xã miền núi Hương Thọ. Là người trực tiếp xây dựng mô hình sản xuất ở địa phương và cũng là người đứng đầu trong tổ chức Hội Phụ nữ xã, chị Thu nhận thấy cơ hội đang mở ra với người dân quê mình, nhất là trong quá trình xã đang nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng NTM.

moi ung dung moi deu xuat phat tu nhung niem tran tro

Chị Võ Thị Thu luôn tiên phong ứng dụng các công nghệ mới đầu tư vườn cam 500 gốc để làm điểm cho chị em nhân rộng.

“Ngoài việc giúp địa phương xây dựng kênh vốn tín dụng tiết kiệm do Hội Phụ nữ quản lý để cho vay phát triển SXKD, dự án còn ưu tiên hỗ trợ một phần chi phí để xây dựng các mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây thực sự là động lực để tôi thực hiện những trăn trở, ý tưởng đã ấp ủ về việc ứng dụng kỹ thuật mới đối với cây cam - sản phẩm chủ lực của địa phương” - chị Thu kể.

Hai bản đề xuất xin tài trợ: “Đầu tư hệ thống lưới che phủ bảo vệ chống côn trùng phá hại cho cây cam đến tuổi thu hoạch” và “Đầu tư mô hình trồng cam xen canh cây dược liệu ngắn ngày” đã được chị Thu dày công xây dựng theo đúng yêu cầu về sự bài bản, khoa học, tính thực tiễn của nhà tài trợ. Đề xuất về hệ thống lưới che phủ cho cây cam được viết từ thực trạng sản phẩm gần đến kỳ thu hoạch bị côn trùng, sâu bệnh phá hại. Còn dự án trồng cây xen canh cây dược liệu nhằm giúp người dân có thêm thu nhập trong thời gian đầu tư chờ cây cam cho thu hoạch.

Chị Thu cho biết: Trồng cam đòi hỏi nguồn lực khá lớn. Trong khi đó, thời gian chờ đợi có sản phẩm khá dài (3 năm) và những đe dọa về thiên tai, địch họa rất dễ khiến người trồng cam thất thu. Dù đã tìm tòi tham khảo cách làm ở một số vùng sản xuất cam hàng hóa, tuy nhiên, vì chi phí khá cao nên chúng tôi chưa thể áp dụng. Sau khi có điểm tựa từ nguồn hỗ trợ của dự án, tôi đã cùng chị em trong Hội Phụ nữ xã đi học hỏi các mô hình: Ứng dụng hệ thống lưới bảo vệ cây cam khỏi sự phá hại của côn trùng và trồng cam xen dược liệu ở các địa phương trong, ngoài tỉnh. 2 tổ hợp tác sản xuất ra đời với tổng số 21 thành viên, trong đó có 11 hộ phụ nữ đứng chủ; hộ cận nghèo chiếm từ 33-41%, được dự án hỗ trợ 339 triệu đồng để thực hiện các mô hình trồng cam thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đến hiện thực hóa ý tưởng

Điểm khó nhất trong hành trình ứng dụng cách làm mới, theo chị Thu, đó là tư tưởng bảo thủ của người dân, đặc biệt ở đây đối tượng hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Chị Thu kể: “Phần lớn các hộ được vận động tham gia mô hình mới đều lo mất công, mất của, thậm chí có người lo sẽ… mất hộ nghèo. Hồ sơ thủ tục theo yêu cầu dự án khá chặt chẽ, lúc đầu có hộ còn kêu ca, ngại hợp tác. Mình phải bằng tình cảm, trách nhiệm, uy tín để giải thích, tuyên truyền, dần dần họ mới tin tưởng, làm theo”.

Chúng tôi vào thăm vườn dược liệu vừa mới nhú mầm của chị Trần Thị Huệ - hộ nghèo, có chồng bị khuyết tật. Người phụ nữ nhỏ bé, vốn tính nhút nhát, tự ti, nay đã cởi mở và tự tin hơn khi cùng chị em trong tổ hợp tác thực hiện mô hình trồng cam xen cây dược liệu. Chị nói: “Chồng ốm đau thường xuyên, nhà chẳng có chút vốn liếng. Gia đình sống dựa vào mấy sào ruộng và những buổi đi rừng lấy măng nên khi được vận động vào tổ hợp tác, tôi chẳng dám tham gia. Chị Thu đã kiên trì giải thích và hỗ trợ tôi từng việc nhỏ như làm đất, chọn giống, theo dõi sự phát triển của cây trồng mới. Nhờ có nguồn vốn vay 10 triệu đồng từ quỹ tín dụng do dự án hỗ trợ thành lập, gia đình tôi đã trồng được hơn 2 sào cam xen nghệ. Hy vọng, từ hướng đi mới này, cuộc sống chúng tôi sẽ đổi thay”.

Còn chị Trần Thị Lạc, hộ cận nghèo cũng vừa được hỗ trợ vốn vay thực hiện mô hình trồng cam xen nghệ phấn khởi chia sẻ, cây nghệ ngắn ngày hơn, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên sẽ tạo nguồn thu ổn định để chúng tôi yên tâm đầu tư cho cây cam. Ngoài được vay 10 triệu đồng, sau khi nghiệm thu khối lượng công việc, mỗi hộ có quy mô trồng 5 sào như chúng tôi sẽ được hỗ trợ 14-15 triệu đồng. Nếu không có Hội phụ nữ, nhất là chị Thu kiên trì động viên, hỗ trợ, gia đình tôi không thể có được cơ hội này.

Bí thư Đảng ủy xã Hương Thọ Nguyễn Văn Khánh đánh giá, chị Võ Thị Thu là một đảng ủy viên đầy trách nhiệm, tâm huyết; một lãnh đạo Hội Phụ nữ năng động, nhiều sáng kiến, giúp được nhiều hội viên xóa đói giảm nghèo và là một trong những người tiên phong xây dựng thành công mô hình kinh tế gia đình hiệu quả với 500 gốc cam; chăn nuôi trâu bò đàn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trên chặng đường xây dựng NTM còn nhiều khó khăn của xã miền núi, địa phương rất cần những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm như Chủ tịch Hội Phụ nữ Võ Thị Thu.

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.