2.272 tỷ đồng đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 21 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích hơn 542 ha, hiện có 19 cụm đã được đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư khoảng 2.272 tỷ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14/3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Công thương về tình hình thu hút đầu tư và hoạt động của các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.

Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.

IMG_1499.JPG
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga chủ trì cuộc làm việc.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 CCN được thành lập, với tổng diện tích hơn 542 ha. Trong đó, 10 CCN do doanh nghiệp đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 291 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 206 ha. 11 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch gần 250 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 168 ha.

Có 19/21 CCN đã được đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư (theo dự án phê duyệt) khoảng 2.272 tỷ đồng, gồm: 10 CCN được giao cho doanh nghiệp đầu tư với 1.589 tỷ đồng và 9 CCN đầu tư từ ngân sách Nhà nước với 683 tỷ đồng.

Hiện nay, có 19 cụm đã đi vào hoạt động, với 328 dự án/cơ sở sản xuất thứ cấp đăng ký; trong đó, có 253 dự án đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình gần 47,27%, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động…

IMG_1566.JPG
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Đề nghị xem xét bố trí ngân sách tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng xử lý chất thải của các CCN đang do Nhà nước làm chủ đầu tư.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Công thương nêu một số khó khăn, vướng mắc về hệ thống văn bản pháp luật chưa được quy định cụ thể, còn chồng chéo. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay, kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ để tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện phương án phát triển CCN.

Tỷ lệ lấp đầy tại các CCN đạt thấp; việc thu hút đầu tư vào CCN còn khó khăn; tiến độ triển khai chậm so với quy định và cam kết của nhà đầu tư; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề còn phát triển tự phát, thiếu đồng bộ...

Sở Công thương kiến nghị xem xét, bố trí ngân sách tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng xử lý chất thải của các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục về đất đai để đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CCN; thường xuyên rà soát, đánh giá những bất cập, đề xuất điều chỉnh đối với các CCN chưa phù hợp…

IMG_1515.JPG
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng: Đề nghị xem xét hỗ trợ kinh phí di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư vào CCN nhằm duy trì, phát triển được làng nghề truyền thống và bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và bàn về các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được về thu hút đầu tư và hoạt động của các CCN trên địa bàn thời gian qua.

IMG_1462.JPG
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu kết luận.

Đề nghị Sở Công thương thống kê hiện trạng hạ tầng CCN để có kế hoạch đầu tư phù hợp thực tiễn và khả năng ngân sách; tăng cường công tác tuyên truyền và quảng bá các CCN.

Đồng thời, đơn vị cần tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương xử lý các khó khăn, vướng mắc như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải... nhằm kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy các CCN trên địa bàn tỉnh

Chủ đề Thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast