Bà con Hà Tĩnh cần đặt bẫy, đào hang bắt hoặc sử dụng bã sinh học biorat để diệt chuột
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh, số diện tích này thuộc các trà xuân trung (Xi 23, NX30, P6). Vào thời điểm này, các trà lúa này đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, trở thành nguồn thức ăn “hấp dẫn” cho loài chuột.
Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm sinh sản của chuột. Loài gặm nhấm này sẽ tăng nhanh về số lượng và gây hại trên tất cả các trà lúa khi lúa xuân bắt đầu từ giai đoạn đẻ nhánh đến thu hoạch, nhất là ở các vùng cao cưỡng, ven làng, những chân ruộng cạn nước.
Theo dự báo của cơ quan bảo vệ thực vật, vụ xuân 2019 sẽ phải đối mặt với tình hình gây hại diện rộng, thậm chí là nặng nề của chuột. Nguyên nhân chính là suốt một thời gian dài Hà Tĩnh không xuất hiện các đợt lũ lụt và mưa lớn. Kể cả từ đầu vụ xuân đến nay, thời tiết cũng khá thuận lợi, ít xảy ra mưa lớn, nhiệt độ ấm áp. Đây là điều kiện để loài chuột phát triển mạnh ở giai đoạn tiếp theo.
Không để ruộng cạn nước, lấy nước kịp thời là một trong những giải pháp kỹ thuật phòng trừ phá hại của chuột
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh cho biết: “Đầu vụ sản xuất, Sở NN&PTNT đã phát động các địa phương ra quân diệt chuột. Ở giai đoạn đồng trắng (làm đất), chuột đang co cụm ở các gò đồng, bờ vùng. Hơn nữa, việc ra quân đồng loạt sẽ có hiệu quả hơn. Song, nhiều địa phương chưa được chú trọng. Hiện nay, chuột đã gây hại cục bộ, bà con cần thực hiện nhiều giải pháp đồng thời như: Đặt bẫy, đào hang bắt hoặc sử dụng bã sinh học biorat. Đây là thời gian thích hợp nhất để diệt chuột khi chúng đang ở giai đoạn sinh sản và nuôi con”.
Cùng với đó, theo ông Hà, bà con cần thăm đồng thường xuyên, lấy nước vào chân ruộng kịp thời, vừa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, vừa phòng trừ chuột phá hại.