133 vạn con tôm giống của các hộ nuôi ở TX Kỳ Anh bị mất trắng vì dịch bệnh đốm trắng
Được xem là vùng nuôi tôm lớn nhất TX Kỳ Anh, phường Kỳ Trinh hiện có 240ha nuôi tôm thẻ và tôm sú. Đến thời điểm này, có gần 144ha đã xuống giống tôm, tuy nhiên, từ ngày 2/4 lại nay, có 8 hộ với hơn 5,4 ha diện tích nuôi tôm thẻ bị mất trắng vì dịch bệnh đốm trắng.
Anh Trần Văn Tiến (tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh) chia sẻ: "Ngày 2/4 - tròn một tháng từ thời điểm thả tôm giống thì tôi phát hiện tôm có biểu hiện lờ đờ, dạt sát bờ, sau đó ít ngày thì hơn 10 vạn tôm giống chết sạch. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi trồng, tôi nhận định tôm chết do bệnh đốm trắng. Tôm thả được ít tháng tuổi nên sức đề kháng còn yếu kết hợp thời tiết bất thường, nhiệt độ thay đổi đột ngột dẫn đến tôm chết nhanh…”
Anh Trần Văn Tiến (áo xanh) đang dùng hóa chất Chlorine xử lý 0,5 ha hồ nuôi của gia đình
Cũng theo anh Tiến, dấu hiệu bất thường xuất hiện trên tôm nuôi trước khi chết là toàn thân có màu đỏ, bơi nổi và tấp vào bờ rồi chết. Sau khi bệnh xuất hiện, anh Tiến đã thông báo với chính quyền địa phương để có giải pháp đối phó với bệnh đốm trắng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra.
13 vạn tôm giống của gia đình anh Nguyễn Quang Sâm (thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà) cũng chịu cảnh mất trắng do bệnh đốm trắng.
“Sau khi phát hiện tôm chết tôi đã báo ngay cho chính quyền địa phương và Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã để có hướng xử lý kịp thời. Vụ nuôi này tính cả chi phí cải tạo với tôm giống gia đình, tôi cũng bỏ ra vài chục triệu đồng nhưng nay lại mất trắng. Hiện gia đình đã nhận 180kg hóa chất Chlorine tiến hành xử lý ao nuôi, mong tầm hơn tháng nữa sẽ cho xuống giống lại…”, anh Sâm cho hay.
Phiếu kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III xác định việc tôm giống của gia đình anh Nguyễn Quang Sâm mắc bệnh đốm trắng
Không riêng diện tích nuôi tôm ở Kỳ Trinh, Kỳ Hà có bệnh đốm trắng mà các xã như: Kỳ Nam, Kỳ Ninh cũng bị thiệt hại khi tôm bị bệnh đốm trắng xuất hiện.
Thông tin từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh, địa phương đã có 70% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú hoàn thành xuống giống. Tuy nhiên, tính từ thời điểm ngày 26/3 đến nay, có hơn 8ha tôm thẻ chân trắng với 133 vạn tôm giống xuất hiện bệnh đốm trắng và chết hàng loạt.
Để hạn chế mầm bệnh lây lan, thị xã đã có văn bản hướng dẫn các HTX và hộ nuôi sớm triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng ao nuôi. Cùng đó là tuyên truyền các hộ nuôi tôm cần thường xuyên nắm bắt các thông tin về diễn biến bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh kịp thời như tăng cường quạt khí, ổn định pH, độ kiềm.
Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh cũng đã tổ chức cấp phát 2.340 kg hóa chất Chlorine cho các hộ nuôi thủy sản xử lý toàn bộ ao nuôi.
Đối với các địa phương khác có vùng nuôi trồng thủy sản chưa xuất hiện bệnh tôm bị bệnh đốm trắng, bà con nông dân cần giám sát chặt chẽ diện tích ao nuôi tôm, có các biện pháp bảo vệ kịp thời
“Đối với các địa phương khác có vùng nuôi trồng thủy sản chưa xuất hiện bệnh tôm bị bệnh đốm trắng cần tập trung hướng dẫn nông dân giám sát chặt chẽ diện tích ao nuôi tôm, có các biện pháp bảo vệ như thường xuyên đo độ pH bảo đảm yếu tố môi trường nước tốt, chọn các loại giống đúng tiêu chuẩn...
Hạn chế thay nước ao, tăng cường quạt khí nhằm ổn định lượng ôxy, độ pH, độ kiềm trong ao. Thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm phù hợp…”, ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh khuyến cáo.