Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn đã kiểm tra các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện Hương Sơn: HTX Mật ong Cường Nga (Quang Diệm), Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà (Sơn Giang).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn đã kiểm tra các sản phẩm OCOP của HTX Mật ong Cường Nga
HTX Mật ong Cường Nga được thành lập tháng 8/2019, với 9 thành viên chính thức và liên kết với hàng chục hộ dân nuôi ong lấy mật trên địa bàn.
Sản phẩm mật ong Cường Nga được nuôi và khai thác mật ong theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với đảm bảo chất lượng đầu vào, HTX đã đầu tư hơn 800 triệu đồng lắp đặt máy tinh chế mật ong công nghệ Nhật Bản. Nhờ đó, sản phẩm đảm bảo chất lượng, không bị bồi lắng, không lên men trong quá trình bảo quản.
Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà (Sơn Giang) chuyên sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ nhung hươu với quy mô 1.500 kg nhung/năm, doanh thu bình quân 3,5 tỷ đồng/năm.
...kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà
Nguồn gốc sản phẩm nhung hươu Thuận Hà được liên kết với các hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn huyện Hương Sơn, chăn nuôi theo quy trình đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm chính: nhung tươi, nhung khô thái lát, nhung bột, rượu sâm nhung.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn đã kiểm tra các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện Đức Thọ: Công ty TNHH Thống Tuấn (sản phẩm dầu lạc Thống Tuấn), HTX Sản xuất bánh gai Đức Yên (thị trấn Đức Thọ).
... tại Công ty TNHH Thống Tuấn
Công ty TNHH Thống Tuấn (thị trấn Đức Thọ) chuyên kinh doanh sản phẩm: dầu lạc, ngô, lúa, đậu, vừng… quy mô 15.000 lít/năm. Nguồn gốc đầu vào (lạc, đậu, vừng…) được thu mua, liên kết với các hộ nông dân trong và ngoài huyện.
HTX Sản xuất bánh gai Đức Yên gồm 13 thành viên là những hộ gia đình có truyền thống sản xuất bánh gai lâu đời trên địa bàn xã Đức Yên. Quy mô sản xuất của HTX 3-5 triệu cái/năm, doanh thu 9,8 tỷ đồng/năm.
và HTX sản xuất bánh gai Đức Yên
Qua thực tế kiểm tra quy trình sản xuất và chất lượng các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao các chủ cơ sở, mô hình đã nỗ lực trong quá trình tham gia đào tạo, tập huấn, đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP.
“Việc tham gia OCOP không chỉ để tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, mà còn hơn thế, đó là phải luôn đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, để giữ vững thương hiệu cho chính mình và cộng đồng, làng nghề. Đó mới là cái bền vững, lâu dài của sản phẩm đạt chuẩn OCOP” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý cán bộ phụ trách OCOP các địa phương cũng như các chủ thể tham gia chương trình OCOP tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm, đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị, áp dụng quy trình sản xuất khoa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chuẩn bền vững.