Cam bù Hương Sơn chín vàng chờ bán tết

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, trên những sườn đồi ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), người trồng cam bù bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, cam được mùa, được giá nên bà con ai cũng phấn khởi.

Cam bù Hương Sơn chín vàng chờ bán tết

Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 9, xã Sơn Trường) vui mừng khi 2 ha cam bù năm nay cho năng suất khá cao.

Từ hơn 2 tuần nay, gần 2 ha cam bù của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 9, xã Sơn Trường) đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ nên vườn cam của gia đình ông phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Ông Thắng phấn khởi chia sẻ: "Nhờ đầu tư chăm bón, phòng trừ tốt sâu bệnh nên vườn cam bù năm nay của gia đình tôi được mùa và bắt đầu chín vàng. Gần 2 ha cam bù ước thu gần 20 tấn quả. Hiện tại, gia đình đang tỉa bán dần, với mức giá bán từ 30 - 45 nghìn đồng/kg. Do giá cam dịp cuối năm đang tăng cao nên gia đình cũng chưa vội bán mà đang chờ dịp tết".

Cam bù Hương Sơn chín vàng chờ bán tết

Vườn cam của gia đình ông Thắng là địa chỉ đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân.

Được biết, từ năm ngoái, gia đình ông Thắng đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động và lắp camera bảo vệ vườn nên đảm bảo được năng suất, chất lượng tốt, giá bán cao hơn. Mô hình vườn cam trồng theo phương pháp hữu cơ, kết hợp với hệ thống tưới nước tự động của ông Thắng cũng đã được nhiều người đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Năm nay, toàn xã Sơn Trường có hơn 300 ha cam bù, trong đó gần 250 ha cho quả, năng suất ước đạt gần 3.000 tấn. Hiện tại, xã đang có 1 hợp tác xã và 36 tổ hợp tác trồng cam theo hướng VietGAP. Năm nay, nhờ chú trọng đầu tư chăm sóc nên chất lượng cam đạt khá, bà con khấp khởi hy vọng về một mùa cam thắng lợi.

Cam bù Hương Sơn chín vàng chờ bán tết

Năm nay, gia đình bà Lê Thị Lý (thôn 9, xã Sơn Trường) dự kiến thu hoạch gần 10 tấn cam bù.

Cũng là một hộ trồng cam lâu năm tại xã Sơn Trường, năm nay, bà Lê Thị Lý (thôn 9) rất phấn khởi khi 1 ha cam bù cho năng suất cao, dự kiến đem về cho gia đình gần 10 tấn quả.

Bà Lý cho biết: "Năm nay cam đạt năng suất khá cao, quả trĩu cành nên tôi phải dùng cọc tre chống xung quanh để quả không bị sà xuống đất, đồng thời tỉa bớt cành khô, cành bị sâu bệnh. Bên cạnh đó, ngay từ đầu mùa cam, gia đình tôi đã đầu tư chăm bón, phòng trừ tốt sâu bệnh nên cam năm nay được mùa, quả cam đang chín dần chờ tết".

Cam bù Hương Sơn chín vàng chờ bán tết

Cam trĩu cành, bà Lý phải sử dụng cọc tre để chống đỡ.

Thời điểm này, gia đình bà Lý cũng đã bắt đầu thu hoạch “bói” những quả cam nhỏ và vừa. Những quả to đẹp, bà đang chờ cận tết mới bán vì sẽ được giá cao hơn.

Theo đánh giá của người trồng cam bù, mặc dù năm nay sản lượng không vượt trội so với nhiều năm trước, tuy nhiên chất lượng cam được đánh giá cao hơn do người dân đã chuyển đổi trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Quả cam to, chín đều, quả căng đẹp, ngọt hơn, trung bình mỗi cây sẽ cho từ 1-1,5 tạ quả.

Cam bù Hương Sơn chín vàng chờ bán tết

Người dân Hương Sơn vui mừng vì cam bù năm nay được mùa, được giá.

Không chỉ tại xã Sơn Trường mà nhiều địa phương khác như Kim Hoa, Sơn Hàm, Sơn Lâm, Quang Diệm... cam bù cũng đã bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi hộ trồng cam bù sẽ thu được từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Một số trang trại cam lớn ước đạt sẽ có doanh thu tiền tỷ từ cây cam đặc sản này.

Cam bù Hương Sơn chín vàng chờ bán tết

Vụ cam bù năm nay, người dân Hương Sơn ước thu về hơn 12 nghìn tấn.

Cam bù là loại cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân miền núi. So với năm trước, cam bù năm nay được mùa, được giá, chất lượng và mẫu mã đẹp mắt. Người dân Hương Sơn đang chờ mong một vụ cam bù thắng lợi. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tích cực triển khai chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội... để tiếp tục gia tăng giá trị cho loại cam đặc sản này.

Toàn huyện hiện có hơn 1.100 ha cam bù, trong đó 820 ha đã cho thu hoạch. Mùa cam năm nay, bà con trên địa bàn ước thu về hơn 12 nghìn tấn quả. So với năm ngoái, năm nay đạt năng suất cao hơn nhờ bà con đã chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Qua đó, giúp cây phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn; quả cam chín đẹp... Hiện, bà con đang bước vào mùa thu hoạch, với mức giá từ 30 - 45 nghìn đồng/kg, dự kiến dịp sát tết giá cam bù sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Ông Trần Quang Hòa

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.