Trong khu vườn rộng hơn 3.500 m2, ông Nguyễn Kỳ Toàn (thôn Tân An, xã Cẩm Bình) đang tất bật tạo rãnh, bón phân để cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên Huế).
Ông Toàn là một trong 5 hộ dân ở xã Cẩm Bình được lựa chọn để triển khai mô hình trồng 1 ha rau hữu cơ vườn hộ của huyện Cẩm Xuyên.
Ông Nguyễn Kỳ Toàn cải tạo đất để trồng rau hữu cơ
Ông Nguyễn Kỳ Toàn chia sẻ: “Rau hữu cơ nói không với phân bón hoá học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ nên chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận.
Bước đầu triển khai mô hình, chúng tôi được địa phương hỗ trợ phân bón cải tạo đất và chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh cũng như hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, chăm sóc”.
Lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên trao đổi với người dân về cách sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.
Không chỉ khởi động mô hình trồng rau hữu cơ vườn hộ, hiện nay, huyện Cẩm Xuyên cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Nam Phúc Thăng và xã Cẩm Bình (tổng diện tích 2 ha); mô hình sản xuất ngô hữu cơ (0,25 ha) và mô hình trồng đậu nành (0,25 ha) tại xã Cẩm Mỹ. Các mô hình dự kiến được triển khai từ tháng 4 - tháng 9/2022, có sự phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. |
Ngoài lĩnh vực trồng trọt, huyện Cẩm Xuyên cũng đang khởi động xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn.
Được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tín nhiệm lựa chọn, hiện nay, gia đình ông Trương Xuân Hà (thôn 5, xã Cẩm Minh) đang tập trung xây dựng hệ thống chuồng trại theo quy chuẩn của Quế Lâm.
Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của ông Trương Xuân Hà ở thôn 5, xã Cẩm Minh đang được xây dựng
Ông Trương Xuân Hà phấn khởi: “Bước đầu, tôi mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại trên nền diện tích 300 m2. Dự kiến, trong 10 ngày tới, chuồng trại sẽ xây dựng xong, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm sẽ cử đại diện về khảo sát, hướng dẫn; đảm bảo các điều kiện thì sẽ đưa con giống về thả nuôi. Quế Lâm cam kết với chúng tôi, lợn sau khi đưa về 10 – 15 ngày sau sẽ sinh sản. Chúng tôi sẽ sử dụng 100% thức ăn hữu cơ Quế Lâm và tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh. Ưu điểm của chăn nuôi lợn hữu cơ là sử dụng đệm lót sinh học và men vi sinh để xử lý phân. Phân qua xử lý sẽ được sử dụng làm phân bón trong trồng trọt nên người dân lợi đủ đường”.
Bước đầu triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, ông Trương Xuân Hà sẽ nuôi 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt/lứa. Ông Hà sẽ được UBND huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ một phần chi phí lợn giống, chi phí thức ăn ban đầu khi triển khai xây dựng mô hình.
Ông Trương Xuân Hà đang tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành hạ tầng và bắt tay vào chăn nuôi lợn hữu cơ
Với việc khởi động xây dựng các mô hình, huyện Cẩm Xuyên đang từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Mới đây, UBND huyện Cẩm Xuyên đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; tạo ra các sản phẩm sạch, được chứng nhận sản phẩm hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về các sản phẩm sạch; góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.
Ngoài triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ để rút kinh nghiệp từ đó nhân rộng, thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên địa bàn.
Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đang tìm hiểu và có nguyện vọng xây dựng tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F trên địa bàn. Vì vậy, địa phương mong muốn được phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Quế Lâm đầu tư vào địa bàn theo thẩm quyền của huyện.
Huyện cũng sẽ phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm để mở rộng mô hình liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học; sản xuất ngô, đậu tương làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn hữu cơ; phối hợp chuyển giao các loại phân bón hữu cơ đến người sản xuất trên địa bàn.